Tôi năm nay 31 tuổi, đã có hai đời chồng và một cô con gái nhỏ rất đáng yêu - là con chung với người chồng đầu tiên. Nhắc về hôn nhân lần thứ nhất với người chồng cũ đã mất cách đây hơn 2 năm, có lẽ đó sẽ là "vết sẹo" rất khó chữa lành trong trái tim tôi.
Lấy anh thời còn non trẻ, vừa mới ra trường thì tôi và anh đã quyết định tiến tới hôn nhân khi chỉ mới tìm hiểu và yêu nhau được gần nửa năm. Lúc đó, anh là một chàng trai cao to phong độ, rất cầu tiến và còn pha thêm chút hài hước nên tôi đã đổ anh ngay từ lần gặp mặt đầu tiên.
Cưới nhau được 2 năm thì vợ chồng có được mụn con và đặt tên là bé Xoài. Cuộc sống hôn nhân ngày đó tuy không khá giả là bao, hai vợ chồng cùng nhau làm công nhân cho một xí nghiệp trong vùng với đồng lương đủ sống và nuôi cô con gái nhỏ, nhưng gia đình lúc nào cũng hoà thuận. Anh là một người chồng và một người cha tốt, biết yêu thương, giúp đỡ vợ con, chưa từng để tôi phải chịu ấm ức.
Nhưng một sự kiện bất ngờ ập đến đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi sau này. Đó là trong lúc làm việc tại xí nghiệp, anh đã gặp phải tai nạn nghề nghiệp và bị tật ở chân, không thể đi đứng vững vàng như trước nữa. Điều này đã gây nên một đả kích rất lớn cho anh, khiến anh trở thành một người hoàn toàn khác, đến tôi còn không nhận ra là người đàn ông trước mắt có phải là người chồng hết mực yêu thương vợ con ngày trước hay không?
Vì tai nạn khiến anh không thể làm những công việc nặng, nên việc tìm việc gặp rất nhiều khó khăn tại thời điểm đó. Vậy là anh từ một người đàn ông chưa từng biết bia rượu là gì, thì nay chẳng khác nào như con nghiện. Thực sự kể từ biến cố đó, không ngày nào là anh ở trong trạng thái tỉnh táo mà lúc nào cũng say bí tỉ.
Điều đáng sợ hơn là, những cơn say triền miên đã khiến con người anh như "biến dạng". Ngày nào tôi cũng phải chịu đựng những lời chửi mắng và đánh đập "lên bờ xuống ruộng", khiến trên người tôi ngày nào cũng chằng chịt những vết bầm tím. Anh thậm chí còn không dừng lại ở đó, mà còn bạo lực tôi trước mặt con gái, rồi chửi mắng cả đứa trẻ lúc đó chỉ mới 3 tuổi.
Nhiều lần anh còn có ý định "động tay, động chân" với con gái, khiến đứa trẻ sợ bố đến tái cả mặt mày. Không dưới 10 lần tôi muốn ly hôn với anh, để giải thoát cho cả tôi và đặc biệt là con gái, để con không phải chịu cảnh bạo lực gia đình như thế thêm một lần nào nữa.
Nhưng mãi mà tôi vẫn chưa thực hiện được, có lẽ là tình nghĩa vợ chồng suốt hơn 2 năm khiến lòng tôi luôn nặng trĩu, và tôi vẫn nghĩ rằng là do biến cố khiến anh "thay lòng đổi dạ", chứ thực chất con người anh trước đó rất tốt, không giống như bây giờ. Nếu không xảy ra biến cố đó, có lẽ mọi chuyện sẽ không đổi khác.
Và rồi vào một ngày, anh bất ngờ rời xa mẹ con tôi mãi mãi, dù giận anh nhưng lòng tôi như đã chết khi đang đi làm thì nhận được tin anh vì say xỉn, mất tỉnh táo mà ngã xe ở con sông trước làng. Lúc mọi người phát hiện ra thì anh đã "nhắm mắt xuôi tay". Tôi thương anh, nhưng cũng thương cho số phận sao nghiệt ngã quá với tôi và con gái. Vậy là kể từ ngày anh mất, tôi thành goá phụ và con trở thành đứa trẻ mồ côi cha.
Sau hơn 1 năm ở vậy mà côi cút nuôi con, cuối cùng tôi cùng tìm được một "bến đỗ" mới để neo vào. Thương cho cuộc đời trớ trêu của người con gái còn khá trẻ, chồng mới của tôi mặc dù là trai tân, nhưng anh vẫn đón nhận tôi và con gái chồng cũ bằng tất cả tình yêu mà anh có.
Cuộc đời của tôi một lần nữa như "nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm" kể từ ngày gặp anh. Cứ ngỡ cuộc sống êm đềm trôi qua những năm tháng về sau, nhưng cô con gái của tôi lại có "vấn đề" với người bố dượng.
Con bé mỗi lần nhìn thấy bố dượng đều sợ hãi tránh né, cả người run cầm cập và luôn trong trạng thái phòng thủ, thậm chí khi chồng mới cố gắng lại gần con bé, nó đều khóc và bám lấy mẹ không buông. Thấy biểu hiện này của con ngày một nghiêm trọng, tôi và chồng quyết định đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý.
Tại đây tôi cũng nói rõ tình trạng của con, và khi bác sĩ nhắc đến nguyên nhân có thể đứa trẻ đang bị ảnh hưởng bởi "bóng đêm tâm lý" vì những đả kích lớn trong quá khứ, tôi mới điếng người nhận ra vấn đề. Lúc này lòng tôi nặng trĩu, bao ký ức không mấy tốt đẹp vì bị chồng cũ bạo hành bỗng chốc ùa về, rõ mồn một.
Tôi vô cùng hối hận vì đã để con gái còn quá nhỏ của mình chứng kiến cảnh tượng đó mỗi ngày, thậm chí là cả con bé cũng bị bố ruột chửi mắng và nhiều lần suýt bị tác động vật lý. Tôi không ngờ, nó lại hình thành nên nỗi ám ảnh, tổn thương tâm lý và đeo bám dai dẳng con gái như thế, khiến cho đứa trẻ khó lòng tiếp nhận người bố dượng hiện tại.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Bạo lực gia đình, một chủ đề nặng nề, khiến người ta ớn lạnh mỗi khi nhắc đến. Cãi nhau, gọi tên, xúc phạm, ném đồ đạc, cho đến khi một bên giơ tay đánh đập không thương tiếc.
Trẻ em lớn lên trong môi trường bạo lực gia đình được gọi là “nhân chứng bạo lực gia đình”. Bản thân những đứa trẻ này tuy chưa từng bị đánh đập, nhưng lại thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ khiến trẻ lầm tưởng rằng bạo lực là một cách để giải quyết vấn đề.
Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình có cảnh bạo lực thường xuyên có thể gặp nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm:
- Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, thái độ của họ đối với gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con cái. Nếu cha mẹ cãi vã liên miên hàng ngày, gia đình không thể mang lại cho con cái sự an toàn và ấm áp mà chúng đáng có, con cái sẽ không cảm nhận được hơi ấm gia đình, rất dễ mất đi những kỳ vọng tốt đẹp đối với hôn nhân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên phải đối mặt với “cuộc chiến” trong gia đình sẽ dễ lo lắng và nghi ngờ, thiếu tự tin vào cuộc sống tương lai, có thể sợ thiết lập các mối quan hệ thân mật khi lớn lên, đặc biệt là sợ kết hôn trong tương lai.
- Nhà là thiên đường của trẻ, trẻ sẽ chỉ có cảm giác an toàn và hạnh phúc khi ở trong nhà. Nhưng nếu trẻ không có được cảm giác an toàn khi ở nhà thì làm sao trẻ có được cảm giác hạnh phúc? Trong một gia đình đầy cãi vã và bạo lực, sự sợ hãi và bất lực của đứa trẻ là không thể tưởng tượng được, và nó sẽ trở thành cơn ác mộng suốt đời của đứa trẻ.
- Bác sĩ tâm lý BesselvanderKolk ở Boston từng đưa ra quan điểm, trẻ em thường chứng kiến cảnh bạo lực gia đình từ nhỏ, lâu ngày sẽ rơi vào trạng thái áp lực cao, khiến trẻ cũng sẽ hình thành thói quen chống trả bất cứ lúc nào. Đứa trẻ có thể có tính cách hung hãn, khiến bản thân trở nên đáng sợ như người cha bạo lực, càng lớn thì biểu hiện càng rõ ràng. Về lâu dài, thể chất và tinh thần của đứa trẻ không thể phát triển lành mạnh, và cuối cùng trẻ có thể trở thành một người giống như cha mình, trừng phạt và hành hạ gia đình mình, và điều này sẽ khiến bi kịch không ngừng lặp lại.