Trong quá trình học, nhiều giáo viên và phụ huynh thường khuyến khích con trẻ phát huy tính chân thật. Nếu quan sát thấy gì hoặc được trải nghiệm những gì từ thực tế, thì hãy mạnh dạn áp dụng vào mỗi bài tập, chỉ cần trẻ hiểu bài và nắm chắc được những kiến thức cần thiết là đã tốt rồi. Thế nhưng với sự ngây ngô, hồn nhiên vốn có, nhiều học sinh chân thực đến mức khiến giáo viên cũng phải "bó tay" và từ đó tạo ra những tình huống làm ai cũng phải "dở khóc dở cười".
Đơn cử như đoạn video được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội gần đây, "ghi lại" toàn bộ bài văn tả con đường cực kỳ bá đạo của một cậu bé học sinh tiểu học, đảm bảo phụ huynh nào xem qua cũng cười ná thở trước sự chân thực không thể nào chân thực hơn được nữa.
>>XEM VIDEO: Cậu học sinh thuyết minh về bài văn tả con đường "độc lạ" của mình với cô giáo.
Tình huống dí dỏm này bắt đầu từ việc học sinh trong một lớp học được cô giáo giao bài tập làm văn, với chủ đề tả con đường từ nhà đến trường. Trái với văn mẫu hoặc sử dụng các câu từ mỹ miều như nhiều bạn khác, cậu học sinh này lại suy nghĩ ra một hướng làm bài "độc nhất vô nhị" đó là sử dụng tài năng hội hoạ của mình để vẽ hẳn bức tranh diễn tả con đường từ nhà của mình đến trường.
Bài làm của cậu bé rất chân thực, lại khá chi tiết với những đoạn đường rẽ trái, rẽ phải rồi lên dốc, xuống dốc, uốn lượn quanh co. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm "có 1 - 0 - 2" của học sinh, cô giáo đã gọi cậu bé lên bục giảng giải thích. Có lẽ vì bị cô kêu tên bất ngờ nên cậu học sinh có phần lo lắng đến mức bật khóc, nước mắt chảy dài vừa nhìn cô vừa thuyết minh một cách rất tâm huyết về bài văn của mình.
Tuy nhiên khi cô giáo thắc mắc vì sao không thấy vẽ trường học đâu, cậu học sinh đã đáp rằng mình còn chưa tả hết thì...hết giấy. Trước lời giải thích của học sinh, cô giáo hẳn cũng "chịu thua", nhưng sau đó cô đã cho học sinh cơ hội được tiếp tục hoàn thành bài văn chứ không la mắng hay thẳng tay chấm điểm thấp.
Đoạn video được đăng tải trong thời gian ngắn đã thu hút vô số lượt tương tác, ai cũng không thể nhịn được cười trước độ "lầy lội" của cậu học sinh tiểu học. Đồng thời nhiều phụ huynh cũng dành lời khen cho cách giải quyết tình huống của cô giáo, cố gắng "hợp tác" để học sinh được thể hiện hết những suy nghĩ, quan điểm của mình thay vì sử dụng lời chê bai, trách phạt.
Trên thực tế, kiểu viết văn "bá đạo" như thế này có lẽ đã không còn quá xa lạ với các thầy cô. Trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ là vô hạn, nhưng cần áp dụng như thế nào để mang lại hiệu quả trong việc học văn thì cần phải có sự hướng dẫn từ thầy cô và phụ huynh. Chính vì thế cho nên, trong quá trình dạy con học văn, bố mẹ cần kiên trì góp ý, chỉnh sửa và rèn giũa lâu dài để trẻ ngày càng cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.
Vậy trên thực tế, môn tập làm văn mang lại những giá trị tích cực gì cho trẻ?
Môn tập làm văn có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tưởng tượng, khả năng quan sát và diễn đạt ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ. Qua việc tập viết, trẻ được khuyến khích sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra những câu chuyện, mô tả cảnh quan và nhân vật...
Môn tập làm văn cũng giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát chỉ tiết. Trẻ cần quan sát và nhìn thấy những chi tiết xung quanh để có thể mô tả chân thực và sinh động đối tượng trong bài viết của mình. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng quan sát môi trường xung quanh, và nhận biết các đặc điểm độc đáo của văn hóa và xã hội.
Tập làm văn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng diễn đạt ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ. Trẻ được khuyến khích sử dụng từ vựng phong phú, cấu trúc câu đa dạng và biểu đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng. Việc viết và sửa chữa các bài viết giúp trẻ hiểu rõ hơn về ngữ pháp, và cách sử dụng từ ngữ một cách chính xác.
Môn tập làm văn không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng diễn đạt và sáng tạo, mà còn góp phần xây dựng kỹ năng giao tiếp và tư duy logic của trẻ. Qua việc viết, trẻ học cách tổ chức ý tưởng, xây dựng một cấu trúc logic trong bài viết của mình và diễn đạt suy nghĩ một cách mạch lạc.
Làm thế nào để bố mẹ giúp con học tốt môn văn?
- Tạo môi trường học thuận lợi: Đảm bảo rằng con có một môi trường yên tĩnh và không bị xao lạc khi học văn. Tạo ra một góc học riêng cho con, có đủ ánh sáng và không khí trong lành.
- Khuyến khích việc đọc sách: Hãy tạo cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Cung cấp cho con những cuốn sách văn học phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Đọc sách giúp mở rộng vốn từ vựng, cải thiện khả năng diễn đạt và phát triển trí tưởng tượng.
- Thực hành viết hàng ngày: Yêu cầu con viết ít nhất một đoạn văn hoặc một bài tập viết ngắn hàng ngày. Có thể là nhật ký, mô tả cảnh quan, hoặc viết về những trải nghiệm cá nhân. Thực hành viết thường xuyên giúp con cải thiện kỹ năng diễn đạt và tự tin hơn khi viết.
- Hướng dẫn phân tích và suy luận: Khi con đọc một bài văn, bố mẹ hãy thảo luận với con về nội dung, ý nghĩa và cấu trúc của bài văn. Hướng dẫn con phân tích các yếu tố như nhân vật, cốt truyện, tình huống và ý tưởng chính. Truyền đạt cho con kỹ năng suy luận, và phân tích giúp con hiểu sâu về văn bản cũng như cách xây dựng bài văn tốt.
- Sử dụng ví dụ và minh họa: Khi giải thích các khái niệm văn học cho con, bố mẹ hãy sử dụng ví dụ minh họa để giúp trẻ dễ hình dung và hiểu rõ hơn. Có thể sử dụng các truyện ngắn, câu chuyện hoặc phim để minh họa các khái niệm văn học một cách cụ thể và sinh động.
- Khuyến khích viết sáng tạo: Để con có hứng thú hơn với việc viết văn, hãy khuyến khích và kích thích sự sáng tạo. Bằng cách cho con tham gia viết truyện, thơ, hay những bài viết tự do theo sở thích của mình. Đây là cách tuyệt vời để phát triển trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ.
- Đọc và phản hồi các bài viết của con: Khi con hoàn thành một bài viết, bố mẹ hãy dành thời gian để đọc và phản hồi, góp ý để con chỉnh sửa. Khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ và ý kiến của mình. Quan trọng là bố mẹ hãy đánh giá tích cực và gợi ý cách cải thiện để con cảm thấy được động viên, hỗ trợ và từ đó tiếp tục cố gắng phát triển.