Con đến tuổi đi học, bố mẹ nào cũng vừa mừng vừa lo. Mỗi khi đến các buổi họp phụ huynh là lại hồi hộp nghe cô thông báo về tình hình của con ở lớp. Dĩ nhiên là bố mẹ, nếu con vừa ngoan lại vừa giỏi, thành tích học tập cao thì ai lại không vui, không hạnh phúc cơ chứ. Dẫu vậy thì tôi vẫn rất không an lòng, sau khi nhận được những đánh giá tích cực từ cô giáo chủ nhiệm của con trai sau buổi họp phụ huynh sáng nay.
Có lẽ nhiều người sẽ thấy lạ lùng, vì sao con học không tốt thì bố mẹ lại buồn, tìm mọi cách để con có thể học tốt hơn. Nhưng đến khi đứa trẻ thi đạt điểm cao thì vẫn không hài lòng. Thực ra nó đều có lý do cả, vì là một người mẹ, tôi rất hiểu thực lực của con mình đến đâu.
Ảnh minh hoạ
Nếu trong lớp có sự phân bật rõ ràng và chênh lệch điểm số cao thì không nói, nhưng hầu như trong cuộc họp phụ huynh vừa rồi, tôi được biết cả lớp của con trai có đến hơn một nửa là đạt điểm số cao và xếp loại học lực giỏi. Tôi không muốn con đạt kết quả “ảo” ấy.
So với việc giáo viên cho trẻ học thuộc văn mẫu rồi làm theo, tôi vẫn khuyến khích con tự nỗ lực viết ra những cảm xúc và câu văn sẵn có bên trong mình. So với việc mỗi kỳ thi giáo viên cho sẵn đề cương toán học, tiếng Anh rồi sau đó chọn lọc các bài trong bộ đề cương để làm thành một đề thi cho học sinh, tôi vẫn muốn con được thử sức với vốn kiến thức con đã tích luỹ và giải đề thi trong tâm thế mà trước đó con chưa được biết trước.
Vì tôi hiểu, kết quả ảo không có giá trị gì cho tương lai của con, nó chỉ có giá trị với các ông bố, bà mẹ muốn khoe con mà thôi. Chính vì lý do đó mà lần họp phụ huynh vừa rồi thực sự khiến tôi không tài nào vui nổi. Còn con trai tôi sau khi biết mình đạt học lực giỏi và điểm số cao thì vô cùng hào hứng, thậm chí gặp người nào là khoe thành tích với người đó.
Ảnh minh hoạ
Điều này càng làm tôi lo lắng hơn, nhỡ thằng bé "tưởng" mình giỏi thật rồi tự cao tự đại, chủ quan và rồi dần buông thả chuyện học hành và không chịu khó nỗ lực nữa thì phải làm sao. Tôi nghĩ điểm số chỉ thể hiện một phần nhỏ trình độ của con trẻ, quan trọng vẫn là năng lực con thể hiện trong quá trình học và thái độ đối với việc học.
Chứ điểm cao mà kiến thức trong não "rỗng" thì tôi nghĩ đó là điều rất đáng sợ. "Bệnh thành tích" có thể huỷ hoạ tương lai của một đứa trẻ. "Điểm ảo" vốn là thứ khó có thể duy trì lâu dài, vì càng học lên cao sẽ càng khó. Nếu lúc đó không đạt được điểm số cao ngất ngưỡng như vậy nữa, tôi sợ con tôi chán nản rồi buông xuôi việc học thì lại toang mất thôi. Có mẹ nào họp phụ huynh cho con xong thì hoang mang, lo lắng như tôi không, xin hãy cho tôi lời khuyên trong tình huống này...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Học tập là quá trình không ngừng cải thiện lâu dài, chính vì thế mà thái độ đối với việc học vẫn luôn là kim chỉ nam khi bố mẹ giáo dục con trẻ. Thành tích hay điểm số phải tương ứng với thực lực vốn có của trẻ, đánh giá đúng khả năng của con, như vậy thì con trẻ mới có thể tiến bộ hơn mỗi ngày. Bố mẹ cần tỉnh táo, nhận thức rõ điều này và đồng thời cũng định hướng đúng đắn cho con để tránh những "giá trị ảo" làm thui một tương lai trẻ sau này.
Trên thực tế, "điểm số ảo" trong hệ thống giáo dục hiện nay không chỉ là vấn đề mang tính cá nhân của từng học sinh mà còn là một hiện tượng xã hội rộng lớn, với nhiều hệ lụy tiêu cực. Khi điểm số không phản ánh đúng thực lực và kiến thức của học sinh, chúng ta đang tạo ra một thế hệ trẻ em với động lực học tập sai lệch. Thay vì học để hiểu và khám phá, nhiều em học chỉ để đạt được những con số "thật đẹp" trên bảng điểm, dẫn đến việc thiếu kiến thức nền tảng và kỹ năng cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
Một trong những tác động rõ ràng nhất của "điểm số ảo" là sự thiếu hụt kiến thức thực. Khi học sinh nhận được điểm cao không xứng đáng, trẻ có thể dễ dàng tự mãn và không còn động lực để nỗ lực học tập. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh có kiến thức hổng, không đủ nền tảng để tiếp thu các kiến thức nâng cao hơn. Hơn nữa, việc thiếu hiểu biết thực sự còn ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề - những kỹ năng vô cùng quan trọng trong học tập và cuộc sống tương lai trẻ.
Về mặt tâm lý, "điểm số ảo" có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Học sinh có thể trở nên tự mãn, nghĩ rằng mình giỏi mà không cần nỗ lực, hoặc ngược lại, cảm thấy áp lực và căng thẳng khi phải duy trì những điểm số không thực tế. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng kéo dài, làm suy giảm tâm lý, sự tự tin và động lực học tập bên trong mỗi đứa trẻ.