Giống như nhiều gia đình khác, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này tôi cũng cho con về quê chơi cùng với ông bà. Mặc dù lấy chồng nhưng nhà tôi lại gần nhà bố mẹ đẻ hơn, bình thường cháu hay gặp ông bà ngoại. Còn ông bà nội ở xa nên nhân dịp lễ nghỉ khá dài này, vợ chồng tôi đã mua vé máy bay đưa con gái về thăm bố mẹ chồng.
Ảnh minh hoạ
Suốt 5 ngày nghỉ ở quê, được chơi cùng với ông bà và những bạn nhỏ trong xóm, con gái tôi vui lắm, đến nỗi ngày cuối cùng cả gia đình lên lại phố để bố mẹ đi làm và con đi học, đứa trẻ bịn rịn mãi không muốn quay về. Đến nhà cũng chập choạng tối, chưa kịp nghỉ ngơi gì thì tôi lại phải chật vật dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp lại đống quần áo.
Ảnh minh hoạ
Lúc này trong khi đang soạn đồ cho con gái, tôi tá hoả khi thấy trong cặp con có một xấp tiền 100 nghìn. Đem ra đếm thì tôi thấy xấp tiền này có giá trị lên đến 3 triệu đồng. Hoang mang không biết số tiền này từ đâu mà ra, tại sao nó lại ở trong cặp sách của con gái tôi. Chẳng nghĩ được gì nhiều, tôi vội vã gọi con gái đang chơi ngoài phòng khách để hỏi chuyện.
- Min à! Sao trong cặp của con lại có tiền? Số tiền này ở đâu con có, hãy nói rõ cho mẹ biết nào?
Trước câu hỏi có phần gấp gáp của tôi, con gái mặt ngơ ngác, đáp lời một cách rất vô tư:
- À tiền đó hả mẹ, con nhặt được nó ở ngoài vườn rau nhà ông bà nội mẹ ạ!
- Con nhặt được lúc nào, sao không nói với mẹ mà lại bỏ vào trong cặp thế kia?
- Con quên mất mẹ ạ! Khi con đang chơi cùng các bạn thì bất ngờ thấy nó! Con có chạy vào nhà tìm bố mẹ, ông bà nhưng không thấy ai cả. Con chỉ vội bỏ vào cặp thôi, con định lát sau sẽ nói với mẹ nhưng lại quên mất nên đã mang nó về luôn.
- Nhưng mà mẹ ơi, trong đó có bao nhiêu tiền ạ, có nhiều không ạ! Ai làm rơi nó vậy mẹ? Giờ chúng ta có trả lại cho họ không mẹ?
- Mẹ cũng không biết là của ai, nhưng dù là của ai thì việc nhặt được của rơi, mình phải tìm lại chủ nhân và trả cho họ con ạ! Đấy không phải của mình nên mình không được phép lấy nó đâu, như vậy sẽ rất xấu tính. Người làm mất số tiền này chắc cũng đang rất buồn và lo lắng con ạ!
Ảnh minh hoạ
- Con hiểu rồi mẹ ạ, tội họ lắm nên mẹ ơi, mẹ giúp con trả lại cho người đó nhé!
- Mẹ biết rồi, Min là đứa trẻ ngoan, con giỏi lắm!
Sau khi biết đầu đuôi sự việc, tôi cũng yên tâm hơn phần nào, vì đây là số tiền con gái nhặt được chứ không phải lấy của ai cả. Tôi biết con còn nhỏ chưa hiểu gì, cũng chưa nhận thức được mệnh giá tiền cao thấp ra sao, nhưng trong tình huống này, việc dạy con tính trung thực, không tham lam và tốt bụng là cực kỳ quan trọng.
Ban đầu tôi còn nghĩ không lẽ bố mẹ chồng cho cháu, nhưng nếu cho cháu thì tại sao không đưa cho tôi mà lại để đứa trẻ nhỏ như thế giữ số tiền lớn này. Vả lại có cho cháu thì chắc chắn ông bà cũng không thể nào cho số tiền nhiều như vậy.
Nghĩ rồi tôi vội gọi điện thoại về cho bố mẹ chồng để kể sự việc, sau đó tìm chủ nhân của số tiền này và trả lại cho họ... Tuy tình huống xảy ra khiến tôi được một phen hú vía, nhưng cũng lại là cơ hội tốt để tôi có thể dạy con gái một bài học vô cùng ý nghĩa và đắt giá cho tương lai con sau này.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Bố mẹ cần dạy con trẻ như thế nào khi nhặt được của rơi?
Trước tiên, bố mẹ có thể giải thích cho con hiểu, việc nhặt được một vật phẩm bị rơi là cơ hội để giúp đỡ người khác. Bố mẹ có thể truyền đạt ý nghĩa của việc trả lại vật phẩm cho chủ sở hữu đúng, giúp con nhận ra rằng hành động nhỏ như vậy có thể có tác động lớn đến sự tin tưởng và niềm tin của mọi người trong xã hội.
Tiếp theo, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho con thực hành tính trách nhiệm. Hướng dẫn con tìm hiểu về vật phẩm và xác định cách tìm chủ sở hữu. Có thể kiểm tra xem có thông tin liên quan hoặc nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Qua quá trình này, trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi bản thân làm được một việc tốt.
Bố mẹ cũng có thể trở thành một hình mẫu cho con, bằng cách thể hiện hành động đúng đắn. Điều này mang ý nghĩa mạnh mẽ hơn bất kỳ lời giảng dạy nào, và cho con thấy sự quan trọng của hành động đúng đắn trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp.
Cuối cùng, bố mẹ nên đánh giá tích cực và khích lệ con về hành động "nhặt được của rơi trả lại người mất". Việc ghi nhận và khen ngợi hành vi tốt của trẻ là một cách để củng cố ý thức, và động viên con tiếp tục thực hiện các hành động tương tự trong tương lai.
Qua quá trình dạy con về cách xử lý khi nhặt được vật phẩm bị rơi, bố mẹ cũng đang truyền đạt một thông điệp rõ ràng về quyền sở hữu. Con sẽ nhận thức được rằng không chỉ có quyền sở hữu cá nhân, mà mỗi người còn có trách nhiệm đối với sự tôn trọng quyền sở hữu của người khác.
Tóm lại, việc bố mẹ dạy con "nhặt được của rơi trả lại cho người mất" mang ý nghĩa quan trọng. Đây là một cơ hội để bố mẹ xây dựng nền tảng đạo đức và giáo dục cho con về tính trách nhiệm, tôn trọng, tốt bụng, trung thực, không tham lam... Những giá trị và kỹ năng này không chỉ giúp trẻ phát triển thành người có ý thức đạo đức tốt, mà còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng một xã hội lành mạnh và văn minh.