Camera là thiết bị điện tử hữu hiệu giúp ích bố mẹ trong việc bảo vệ con cái khi họ vắng nhà. Tuy nhiên đây cũng trở thành "con dao hai lưỡi" khiến mối quan hệ gia đình dần trở nên khủng hoảng hơn.
Ảnh minh họa
Một cô giáo ở Trung Quốc đã chia sẻ một trường hợp có thật mà cô được biết: Người mẹ thường xuyên đi công tác nên để theo dõi việc học tập và cuộc sống của con gái, bà lắp 8 camera trong phòng của con và các phòng khác.
Tuy nhiên cũng vì bị mẹ kiểm soát quá chặt chẽ như vậy, đứa trẻ dần dần cảm thấy khó chịu, lảng tránh việc về nhà và thường xuyên xảy ra xô xát, cãi nhau với mẹ hơn.
Thực tế tại Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra khá nhiều vụ việc xung quanh chủ đề này. Một cậu bé 14 tuổi ở Giang Tô đã gọi điện báo cảnh sát vì cha của cậu bé muốn lắp camera giám sát trong phòng của cậu.
Khi cảnh sát đến nhà, cậu bé đã đứng cách bố mình một khoảng khá xa, không dám tới gần bố và khiếu nại với cảnh sát rằng "Bố cháu đã lắp camera giám sát và sau đó kiểm soát cháu".
Bên kia giường, người cha cũng cố gắng hết sức để bào chữa: "Tại sao bố lại không được theo dõi con? Con có bao nhiêu quyền riêng tư?".
Đứa trẻ trả lời "Bố biết mọi việc con làm nên con cảm thấy không thoải mái. Tại sao bố lại kiểm soát con theo cách này".
Một cô bé khác ở Hà Bắc cũng cầu cứu báo chí khi bị mẹ lắp camera trong phòng khách và phòng ngủ vì người mẹ này lo sợ cô con gái dùng điện thoại di động quá nhiều.
Khi đứa trẻ phản ứng, người mẹ đã nói rằng "Miễn là con học hành chăm chỉ thì con đâu phải sợ điều này. Nếu con không cho mẹ theo dõi, điều đó có nghĩa là con có điều gì mờ ám".
Tại sao khi trở thành cha mẹ, chúng ta chỉ có thể đứng trên quan điểm của riêng mình và phớt lờ sự riêng tư và phẩm giá của con cái với lý do "vì lợi ích của chính con"?
Như đã nói ở trên ngày nay, việc sử dụng camera như một công cụ quan sát, giám sát trẻ nhỏ trong gia đình ngày càng phổ biến. Cha mẹ có thể quan sát tình hình tại nhà của con chỉ với điện thoại di động thật sự rất tiện lợi.
Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, bên cạnh nhiều ưu điểm, việc lắp đặt camera cũng mang đến nhiều tai hại. Nhiều trẻ em, đặc biệt là các em ở độ tuổi vị thành niên, rất phản kháng trước hành vi giám sát này của cha mẹ, và cảm thấy điều này đang xâm hại quyền riêng tư của bản thân.
Thanh thiếu niên là lứa tuổi phát triển tư duy và có suy nghĩ nhạy cảm, luôn muốn hoạt động độc lập để khẳng định bản thân. Chính vì thế việc bố mẹ kiểm soát đời tư, suy nghĩ khiến con cái càng nghĩ cách chống đối. Thậm chí sự yêu thương của bố mẹ sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” nếu không áp dụng đúng cách.
Ảnh minh họa
Cha mẹ lắp camera trong phòng ngủ của con cốt lõi cũng là vì lo cho con?
Trên thực tế, nếu nhìn mọi từ góc độ của trẻ, bạn sẽ thực sự cảm thấy cách tiếp cận của người mẹ khá ích kỷ, không cho trẻ một chút không gian và thậm chí khiến bé cảm thấy ngột ngạt.
Tuy nhiên, ở góc độ phụ huynh, cách làm này của phụ huynh thực sự bất lực, nếu trẻ đã đủ tính tự giác và có thái độ học tập nghiêm túc thì bố mẹ hoàn toàn không cần làm điều này.
Cha mẹ ngày ngày vất vả lo cho con cái học hành, mục đích duy nhất là nghĩ cho tương lai của con cái, không yêu cầu con cái làm gì cho mình mà chỉ mong con cái có trách nhiệm với mình, còn ý tốt của cha mẹ thì không bao giờ hiểu được.
Khi trẻ khoảng bước vào tuổi dậy thì, lúc này trẻ rất khao khát thế giới người lớn và mong rằng mình sẽ không bị gò bó, kiểm soát. Hơn nữa, trẻ ở thời điểm này có “ý thức cá nhân” rất mạnh, con cảm thấy việc đặt camera trong phòng là xâm phạm quyền riêng tư của mình. Các em sẽ cảm thấy bị cha mẹ giám sát và không làm gì theo ý muốn của cha mẹ.
Vì vậy, thay vì lắp camera giám sát con, mỗi ngày các bậc phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện và vui đùa với con để con có thể hiểu được những quan tâm, kỳ vọng của cha mẹ với con. Từ đó, trẻ sẽ tự giác hành động hơn, không những thế, tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng trở nên gắn kết hơn.