Ngày xưa các cụ thường quan niệm rằng tuyệt đối không được bỏ đi đứa con đầu lòng vì đó sẽ là đứa con báo đáp công ơn cha mẹ sau này. Dù quan niệm này không hề có cơ sở khoa học nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng tốt đẹp.
Ngày nay, trước tình trạng rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt các nữ sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường đã lỡ có bầu và lại bỏ đi đứa con đầu lòng của mình, các bác sĩ sản khoa đã khuyên rằng đây là việc làm vô cùng nguy hiểm bởi việc bỏ thai trong lần đầu bầu bí có thể ảnh hưởng lớn đến cả sức khỏe và tâm lý người phụ nữ. Chính vì vậy, những bạn gái trẻ, phụ nữ nói chung nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi có bầu, trước khi bỏ thai để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Những ảnh hưởng tiêu cực khi phụ nữ bỏ em bé đầu lòng
Tổn thương tử cung
Vì lỡ có thai nên hầu hết những phụ nữ này phát hiện việc có bầu khá muộn, sớm nhất là khi thai nhi đã được 2 tháng, thậm chí có những trường hợp 3-4 tháng mới phát hiện có thai. Việc phát hiện thai muộn và bỏ thai khi thai nhi đã lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung và còn gây nguy hiểm cho người mẹ trong những lần mang thai sau. Vì vậy phải cân nhắc kỹ càng khi người phụ nữ muốn bỏ thai.
Cảm giác mang tội cả đời
Đối với người mẹ, tác động của việc bỏ thai không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn cả tâm lý. Sau khi mất con, nhiều người mẹ thường mơ thấy con mình rồi mang tâm lý ám ảnh, thậm chí tâm lý này sẽ đeo bám cả đời và họ luôn có cảm giác mang tội với con, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Lỡ mất cơ hội tốt để sinh con
Độ tuổi đẹp nhất để kết hôn của phụ nữ là từ 25-35 tuổi. Nếu bạn bỏ thai thì phải chờ ít nhất 6 tháng hoặc cả năm sau mới nên có thai lại, việc có thai lại cũng không thể khẳng định là có bầu được luôn. Như vậy bạn sẽ mất đi khoảng thời gian tốt nhất để mang thai, sinh nở.
Với những lý do trên, các bác sĩ sản khoa nhắc nhở phụ nữ nên lưu ý đến các phương pháp tránh thai để bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục. Khi đã có thai, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định bỏ thai.
Ngoài ra, để lần mang thai đầu được khỏe mạnh, trọn vẹn, mẹ bầu cần ghi nhớ 3 điều dưới đây:
Bổ sung axit folic đầy đủ
Theo các chuyên gia, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần bổ sung đủ 0,4mg axit folic mỗi ngày. Còn trong suốt thai kỳ, chị em cần bổ sung khoảng 0,6mg axit folic. Việc bổ sung đủ axit folic có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn ngừa ống thần kinh của thai nhi bị khiếm khuyết.
Nguồn thực phẩm để bổ sung axit folic bao gồm các loại rau có màu xanh đậm như rau bina, bắp cải, măng tây… Ngoài ra, các loại trái cây tươi và rau củ cũng là nguồn cung cấp vitamin quan trọng cho thai kỳ.
Chú ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi
Khi mang thai, estrogen và progesterone trong cơ thể có những thay đổi rõ rệt, khiến mẹ thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi, vì vậy việc nghỉ ngơi đầy đủ là điều rất cần thiết.
Thêm nữa, mẹ cũng nên ăn uống nhẹ nhàng, cân bằng, hạn chế đồ ăn nhiều dàu mỡ, thức ăn mặn và có chế độ ăn vừa phải, không nên ăn cho 2 người như nhiều người vẫn nghĩ.
Kiểm tra thai theo lịch định kỳ
Trong 3 tháng đầu mang thai, có 2 mốc quan trọng mẹ bầu cần lưu ý là khi xác nhận chắc chắn có thai (tuần thứ 5-8 thai kỳ) và mốc siêu âm đo độ mờ da gáy (11-14 thai kỳ. Các mẹ nên hẹn trước với bác sĩ để có lịch khám thai đúng thời gian.
Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về tất cả những mốc khám thai cần thiết với riêng bản thân bạn để có thai kỳ trọn vẹn, khỏe mạnh nhất.