Trong thời đại công nghệ số, trẻ em sớm được tiếp xúc và sử dụng các thiết bị công nghệ cũng như tiếp cận được vô số thông tin thông qua mạng xã hội. Điều này mang đến nhiều lợi ích cho việc học tập và giải trí của trẻ. Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái. Theo một nghiên cứu mới cho thấy rằng thời gian sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều như ipad, điện thoại, TV... có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
Nghiên cứu này cũng cho biết thêm việc trẻ dành thời gian quá nhiều để sử dụng các thiết bị công nghệ là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn ăn uống. Đặc biệt là trẻ em từ 6 đến 10 tuổi, gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống - “ăn vô độ”.
Ăn vô độ là gì?
Ăn vô độ (binge - eating disorder) là một loại rối loạn ăn uống, trong đó người mắc thường xuyên tiêu thụ một lượng thức ăn lớn bất thường và cảm thấy không thể ngừng ăn. Khi bị mắc chứng ăn vô độ, bản thân người mắc cũng cảm thấy xấu hổ về mức độ ăn của mình và cũng có ý muốn dừng lại, nhưng họ luôn bị một cảm giác thúc bách khiến việc ăn không thể dừng lại, dẫn tới ăn không ngừng.
Các chuyên gia cho biết, một khi mắc chứng ăn vô độ, người mắc khó có thể tự kiểm soát được sự ăn uống quá mức của bản thân và cứ để nó diễn ra lặp đi lặp lại. Hội chứng này cũng kéo theo nhiều bệnh lý như tiểu đường hay tim mạch, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, chứng rối loạn ăn uống có xu hướng tăng ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi.
Mối liên hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị điện tử và chứng ăn vô độ
Jason Nagata, giám đốc điều hành các nguyên nghiên cứu của Tạp chí Quốc tế về rối loạn ăn uống cho biết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai kết quả liên quan đến mối liên hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị điện tử với chứng rối loạn ăn uống của trẻ:
- Với mỗi giờ trẻ dùng mạng xã hội, trẻ có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ cao hơn 62% .
- Với các bé xem phim trên ipad hoặc TV, nguy cơ mắc rối loạn ăn uống cũng lên đến 39%.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 11.025 trẻ em từ năm 2016 đến năm 2019. Những đứa trẻ từ 9 đến 11 tuổi đã được hỏi những câu hỏi liên quan đến thời gian trẻ dành để sử dụng các loại thiết bị điện tử như: TV, ipad, máy tính, điện thoại...
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy cho thấy việc ăn uống vô độ ở trẻ em có thể có thể đến từ các nguyên nhân sau:
- Mất tập trung khi ngồi trước màn hình khiến trẻ ăn quá nhiều.
- Tiếp xúc với nhiều quảng cáo thực phẩm hơn khi xem truyền hình.
- Xem TV quá nhiều có thể gây ra tình trạng ăn uống vô độ vì tiêu thụ quá nhiều thức ăn trong một khoảng thời gian, gây ra tình trạng mất kiểm soát.
Tiến sĩ Kyle T. Ganson, Đại học Toronto cũng cho biết thêm: Trẻ tiếp xúc với các quảng cáo về việc xây dựng một hình ảnh quá lý tưởng về cơ thể sẽ khiến trẻ cảm thấy tiêu cực về cơ thể mình, từ đó dẫn đến việc ăn uống quá độ.
Thường xuyên xem TV, điện thoại là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ăn uống ở trẻ.
Mẹ nên làm gì để bảo vệ con
Ngày nay, trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận điện thoại thông minh, truyền thông cũng như mạng xã hội, điều cha mẹ nên làm là hạn chế thời gian con sử dụng thiết bị điện tử.
Để làm được điều đó, cha mẹ có thể tiến hành theo một số nguyên tắc dưới đây:
Đề ra cho con các quy tắc về thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Cha mẹ có thể đưa ra một lượng thời gian tối đa con có thể sử dụng điện thoại, TV,... trong ngày. Nếu quá giới hạn thời gian đó, trẻ sẽ không được phép sử dụng nữa.
Đảm bảo rằng con dành đủ thời gian “thoát khỏi” màn hình: Cha mẹ nên cho con rời mắt khỏi các thiết bị điện tử mỗi 45 phút khi sử dụng, điều này giúp mắt con có thể thời gian để nghỉ ngơi sau thời gian dài nhìn vào màn hình điện thoại hay TV.
Hình thành thói quen sử dụng các thiết bị theo thời gian đã quy định: Sau khi đã đặt ra các quy định về thời gian, cha mẹ nên cho con thực hành và hình thành thói quen sử dụng các thiết bị điện tử, mạng xã hội theo như những gì đã đặt ra.
Bố mẹ nên làm gương cho con và đặt ra quy tắc giờ nào việc nấy, tuyệt đối tránh xem TV hay sử dụng điện thoại khi ăn.
Tuyệt đối tránh xa điện thoại và các thiết bị thông minh trong giờ ăn và trước khi ngủ: Để từng bước tách con ra khỏi các thiết bị thông minh và mạng xã hội, cha mẹ nên cho con hạn chế tiếp xúc với các thiết bị, đặc biệt là trong các thời điểm như giờ ăn hay khoảng thời gian trước khi đi ngủ.
Cha mẹ hãy là một tấm gương cho con: Để con hiểu và hình thành thói quen tốt, cha mẹ cần là người làm mẫu cho con.
|