Chỉ có những bậc cha mẹ đã và đang nuôi con nhỏ mới thấu hiểu được vô vàn tình huống bất trắc có thể gây nguy hiểm sức khỏe cho con. Đôi khi nó có dấu hiệu báo trước nhưng có lúc lại đột ngột khiến cha mẹ không kịp trở tay. Bởi vậy, tình huống dưới đây đã xảy đến với em bé Hip nhà ca sĩ Hoàng Bách và vợ Thanh Thảo chính là một bài học dành cho tất cả các bậc cha mẹ.
Gia đình Hoàng Bách.
Cụ thể, mới đây vợ ca sĩ Hoàng Bách - chị Đoàn Thanh Thảo sau khi đã cùng con trai Hip (2,5 tuổi) vượt qua những thời khắc khó khăn, hồi hộp lo lắng vì tình huống xảy ra bất chợt, cô mới có dịp kể lại cho mọi người và cũng coi như truyền kinh nghiệm cho những ai đang nuôi con nhỏ.
Theo đó bé Hip trước khi đi ngủ sức khỏe hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh nhưng khoảng 2h đêm, bé đang ngủ bắt đầu bật dậy khóc kèm những biểu hiện ho liên tục, nhịp thở bất thường... Sau khi kiểm tra cơ thể con để biết chính xác là bé gặp vấn đề gì nhưng không tìm ra, Hoàng Bách cùng vợ quyết định cho con nhập viện khẩn cấp ngay trong đêm.
Được bác sĩ cấp cứu kịp thời, Hip đã qua cơn nguy kịch sau 1 tiếng 30 phút và cơ thể hoàn tình bình thường trở lại. Các bác sĩ khám cho Hip cũng đã phân tích rõ cho vợ chồng Hoàng Bách về căn bệnh của Hip vừa gặp phải và nếu xử lý chậm sẽ nguy hiểm cho em bé. Hành động đưa con nhập viện nhanh chóng của vợ chồng nam ca sĩ đã được bác sĩ cho là rất đúng. "Thật ra tình huống này bệnh viện nào không quan trọng bằng bệnh viện nhanh nhất nha cả nhà ơi!" - chị Đoàn Thanh Thảo nói thêm.
Bé Hip lúc 3h30 phút sáng đã khỏe mạnh trở lại.
Theo đó, bà mẹ 3 con kể lại: "Lần thứ 3 làm mẹ mình mới trải qua một trường hợp như thế này với Hippo!
2h đêm đang ngủ, Hip bật dậy khóc nấc ho liên tục, như kiểu bị hóc dị vật ở cổ, rất khó thở và nhịp thở khá ngắn, mồi hôi bắt đầu toát ra, tay chân lạnh. Mình vỗ lưng, kiểm tra mọi thứ xem con gặp vấn đề gì (Trước đó sức khỏe Hip hoàn toàn bình thường khỏe mạnh).
Bằng kinh nghiệm mình thấy nhịp thở con không ổn, mình và chồng vội bế con vào thẳng cấp cứu bệnh viện, sao khi bác sĩ check các kiểu và hỏi tình trạng con trước khi gặp khó thở như thế này. Bác sĩ chọn phương án thử test nhanh hít khí dung cho bé viêm thanh quản cấp, 10' sau nhịp thở Hip trở lại bình thường và nghịch lại luôn.
Chị Thanh Thảo và con trai lúc nhập viện.
Sau khi kiểm tra lại lần nữa và cho thở tiếp khí dung sau 2 tiếng cách lúc đầu và uống kèm 1 viên kháng viêm, Hip được về nhà và hẹn trở lại khám sức khoẻ trong ngày hôm nay.
Mẹ Thảo chia sẻ thông tin để các mẹ để ý con khi nhịp thở thay đổi đột ngột mà không biết nguyên do, hãy cẩn thận và mang con đến ngay bệnh viện.
Trường hợp như Hip bác sĩ kết luận là Viêm Thanh Quản Cấp không triệu chứng, nếu xử lý chậm sẽ rất nguy hiểm cho con.
Các mẹ nên để ý nhé! Trộm vía giờ thì quậy lại như chưa hề có việc gì đêm qua ạ".
Bệnh viêm thanh quản cấp là gì? Theo chia sẻ của bác sĩ Việt Bắc trên báo Sức khỏe đời sống, viêm thanh quản cấp xảy ra quanh năm, nhưng mùa mưa, ẩm ướt, lạnh, rét, bệnh dễ xuất hiện hơn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người nhất là trẻ em. Thanh quản là cơ quan phát âm và thở, nằm ở trước thanh hầu, trước đốt sống cổ (C3 -C6), nối hầu với khí quản. Trong các tháng cuối năm do thời tiết chuyển lạnh khiến số bệnh nhân đến khám và điều trị viêm thanh quản cấp gia tăng. Nguyên nhân, do thời tiết thay đổi, nhất là khi có những đợt rét đậm, rét đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp nên dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp, đặc biệt là trẻ em và người có tuổi bởi sức đề kháng kém. Những người bị viêm họng cấp bởi vi khuẩn, virut hoặc vi nấm, nhất là sau mắc bệnh cúm, từ đây bệnh sẽ lan sang thanh quản và gây nên viêm thanh quản cấp. Ngoài ra, có nhiều trường hợp viêm thanh quản cấp xuất hiện ngay sau khi cảm lạnh (mưa nhiều, gió mùa tràn về hoặc sau tắm...) hoặc hít phải khí độc hại như khói thuốc, hóa chất, bụi bẩn hoặc nói nhiều (bệnh nghề nghiệp), khóc nhiều (trẻ em)... Dấu hiệu nhận biết Triệu chứng ban đầu, người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, viêm mũi hoặc viêm họng - mũi xuất tiết, ngấy sốt và sốt thực sự, kèm theo đau họng, có cảm giác nóng, khô họng, ho khan, có cảm giác ngứa, rát. Từ ho khan chuyển sang ho có đờm lẫn mủ, người mệt mỏi. Tiếp đến, giọng nói bị khàn, đôi khi khàn đặc, lạc giọng, thậm chí mất tiếng sau vài ba ngày. Vì vậy, khàn tiếng, mất tiếng đột ngột là triệu chứng rất đặc trưng của viêm thanh quản cấp. Những triệu chứng trên thường kéo dài trong vài ba ngày, sau đó giảm dần và khoảng sau 7 ngày có thể khỏi nếu được điều trị kịp thời và đúng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khi bị viêm thanh quản cấp do chủ quan hoặc vì trời lạnh không đi khám bệnh hoặc tự mua thuốc điều trị khi bệnh không khỏi mới đến cơ sở y tế, bệnh đã nặng và có biến chứng (viêm khí - phế quản, viêm phổi) gây không ít khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm (viêm phổi). Nguyên tắc điều trị như thế nào? Khi đã bị viêm thanh quản cấp, để bệnh chóng khỏi, trước tiên là hạn chế nói và tiếp đến là cần đi khám bệnh ngay để tránh bệnh nặng thêm. Trong khi chưa thể đi khám bệnh được, cần làm nóng vùng cổ bằng cách quàng khăn ấm, tránh cổ bị lạnh (không uống nước lạnh, không ăn thức ăn lạnh). Nếu có thể xông họng bằng một số tinh dầu như dầu gió, dầu cao sao vàng... và dùng thuốc nhỏ mũi thông thường (otrivin, naphazolin,...), sau đó đi khám bệnh để được điều trị đúng. Người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị, nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà có thể nặng thêm, đặc biệt không tự mua kháng sinh để điều trị, bởi vì, dùng kháng sinh không đúng sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc, về sau khi mắc bệnh nhiễm trùng rất khó điều trị, hơn nữa vi khuẩn kháng thuốc đó còn lan ra cộng đồng làm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Về phòng bệnh, để không mắc bệnh viêm thanh quản cấp, mùa lạnh cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ. Hàng ngày nên tắm rửa bằng nước ấm và tắm trong phòng kín gió nhất là trẻ em và người có tuổi. Phòng ngủ cần đủ ấm và tránh gió lùa. Khi ra đường cần mặc ấm, cổ nên quàng khăn, tay, chân nên đi tất và nên đeo khẩu trang. Những người làm việc trong các môi trường độc hại cần sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động một cách nghiêm túc, nhất là đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Người làm nghề thuyết trình viên hoặc nghề nhà giáo nên tập thói quen nói vừa đủ cho học sinh, sinh viên, học viên đủ nghe và nên tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ trong giảng dạy để giúp hạn chế nói (micro, máy chiếu,...) Hàng ngày cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, tốt hơn nữa là súc họng bằng nước muối nhạt (nước muối sinh lý) trước khi đánh răng. Cần hạn chế, tốt nhất là không hút thuốc lá, thuốc lào. |