Hầu hết các mẹ bầu đều được bác sĩ dặn dò rằng nếu bị đau bụng, chảy máu, vỡ ối thì hãy đến bệnh viện ngay lập tức vì khi đó bạn đang có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, không phải cuộc chuyển dạ nào cũng nào trong kế hoạch và đôi khi có những pha chào đời của em bé khiến bố mẹ hết hồn hết vía. Chẳng hạn như trường hợp bà mẹ người Anh tên là Stuart Tyrie (34 tuổi) sau đây.
Được biết vào sáng ngày 6/7 vừa qua, chị Stuart xuất hiện các cơn co thắt nên liền bảo chồng, anh Taylor Penman, gọi xe cấp cứu. Trong lúc đó, chị tranh thủ đi tắm gội trước khi lên bàn sinh. Thế nhưng, mọi tính toán đều bị phá vỡ khi bà mẹ này đột ngột sinh con khi tay vẫn đang cầm vòi hoa sen.
Chị Stuart đã sinh Eve ngay khi đang tắm trước khi đi sinh.
Chị Stuart kể lại: “Tôi đang tắm thì đột nhiên lại muốn đi tiểu, sau đó tôi cảm thấy có cái gì đó vừa bật ra khỏi “cửa mình”, nhìn xuống, tôi hết hồn khi thấy một bàn chân bé xíu thò ra ngoài. Nghe tiếng tôi hét toáng trong nhà tắm, anh Taylor chạy vội vào nhưng rồi anh ấy đã “chết sững” với khuôn mặt trắng bệch, đứng như trời trồng khi nhìn thấy cảnh tượng trước mặt. Tôi phải gội vài lần Taylor mới hoàn hồn. Khi đó, tôi biết mình sinh con đến nơi rồi vì tôi đang rất mắc rặn nên tôi yêu cầu chồng vào giúp đỡ mình”.
Sau khi chào đời, con gái của chị Stuart trông vô hồn rất đáng sợ vì bị dây rốn quanh cổ. Song, nhờ bà mẹ này nhanh trí bảo chồng tháo dây rốn ra cho con nên may mắn là đứa trẻ đã ửng hồng lại và cất tiếng khóc thật to. “Đó là một khoảnh khắc không thể nào quên đối với chúng tôi”, bà mẹ 1 con cho biết.
Eve đã từng sưng một bên chân do bị mắc kẹt trong quá trình chuyển dạ.
Nhưng cô bé vẫn rất khỏe mạnh và phát triển tốt.
Trong khi chị Stuart da tiếp da với con thì anh Taylor gọi cho xe cấp cứu 1 lần nữa, họ thông báo xe đang trên đường tới, đồng thời cũng hướng dẫn anh lấy tạm một sợi dây sạch để buộc dây rốn cho con. Vài phút sau, xe cứu thương đến, các y bác sĩ đã để ông bố này được tự tay cắt dây rốn cho con.
Tại bệnh viện, bác sĩ thông báo em bé Eve chào đời nặng 3,4kg, bị sưng bàn chân do mắc kẹt trong quá trình sinh nở, ngoài ra cô bé hoàn toàn khỏe mạnh. Nghe tin này chị Stuart mừng rỡ, chị bày tỏ: “Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của bản thân lúc này. Nó thật tuyệt vời. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, và tôi cũng không phải trải qua 10 giờ đau đẻ như đã từng tưởng tượng trước đó. Bác sĩ giữ tôi lại một đêm để kiểm tra sức khỏe vì tôi đã sinh con quá nhanh”.
Hiện giờ, Eve đã được xuất viện về nhà với bố mẹ và đang phát triển tốt. “Con gái tôi là người hùng. Con thật xinh đẹp và phát triển tốt. Tôi không thể nào ngừng nhìn ngắm con. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể tin được là chỉ trong vòng 2 phút kể từ lúc có dấu hiệu chuyển dạ, tôi đã sinh con xong, nhưng mà tôi có cảm giác 2 phút đó là hai phút dài nhất trong cuộc đời”, chị Stuart nói thêm.
Anh Taylor đã đỡ đẻ cho vợ và được bác sĩ cho phép tự tay cắt rốn cho con.
Chuyển dạ và sinh con nhanh có đáng mừng không?
Theo Tiến sĩ Andrea Chisholm - Cựu giảng viên lâm sàng về sản phụ khoa của Trường Y Harvard (Mỹ), Chủ tịch hội đồng cố vấn lâm sàng của Hiệp hội quốc tế về rối loạn tiền kinh nguyệt – cho biết chuyển dạ sinh con nhanh chỉ quá trình sinh con sau những cơn co thắt dưới 3 giờ đồng hồ. Trong khi đó, thông thường thời gian chuyển dạ trung bình của các sản phụ sẽ là từ 8 – 16 tiếng.
Mặc dù trong suy nghĩ của nhiều người, chuyển dạ sinh con nhanh là tốt nhưng thật ra dưới góc độ y khoa, việc này có thể mang đến nhiều rủi ro đối với bà mẹ và em bé:
- Bầm tím hoặc rách cổ tử cung, âm đạo hay đáy chậu do tốc độ sinh con quá nhanh.
- Chảy máu nhiều sau sinh do tử cung chưa co lại đúng cách sau khi sinh hay còn gọi là hiện tượng đờ tử cung.
- Dễ sót nhau thai.
- Bà mẹ hoặc em bé dễ bị nhiễm trùng do khu vực sinh không được khử trùng sạch sẽ.
Tuy rằng việc hạn chế chuyển dạ nhanh là việc bất khả kháng đối với mẹ bầu, nhưng nếu chẳng may mình ở trong tình trạng như vậy, hãy gọi cho xe cấp cứu hoặc bác sĩ riêng của mình để được hướng dẫn cần phải làm những gì trong từng trường hợp. Bên cạnh đó, hãy cố gắng di chuyển đến nơi sạch sẽ và nhờ người hỗ trợ. Hãy hít thở thật sâu theo từng cơn co thắt để giảm đau trong khi chờ xe cứu thương đến.