Đâu là giai đoạn cần đặc biệt lưu ý để giúp trẻ tăng cân? Chuyên gia chỉ bí quyết

Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa thực hiện thành công ca ghép gan cho bé gái 21 tháng tuổi, sử dụng gan từ người hiến chết não. Đây là ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng nhi tại Việt Nam.

Ca ghép gan cứu sống bệnh nhi 21 tháng tuổi

Ngày 18/4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 thông tin về ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não. Theo đó, vào ngày 6/4, BS.CKII Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan nhận được tin báo từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Cụ thể, một nam bệnh nhân 50 tuổi được chẩn đoán xuất huyết não độ 2 do vỡ dị dạng mạch máu não, đã được xác định chết não tại Bệnh viện Quân y 175 và có nguyện vọng hiến tạng theo ý muốn của gia đình.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Hội đồng chuyên môn ghép gan của Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhanh chóng kiểm tra, xác nhận tính tương thích, và liên hệ với gia đình bệnh nhi N.T.N. (21 tháng tuổi, ở Đắk Nông). Bé được chẩn đoán mắc bệnh ứ mật, suy giáp, vàng da tiến triển; tình trạng sức khỏe rất yếu và cần được ghép gan càng sớm càng tốt để duy trì sự sống.

Chiều 7/4, ca lấy tạng được tiến hành khẩn trương và bài bản với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế và ê-kíp lấy gan của Bệnh viện Nhi Đồng 2 gồm BS.CKII Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, cùng BS Lưu Nguyễn An Thuận, khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 175.

Bé gái 21 tháng tuổi hồi sinh nhờ lá gan của người đàn ông chết não hiến tạng - 1

Phẫu thuật ghép gan cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2. (Ảnh: BVCC).

Từ người hiến chết não, các bác sĩ đã lấy được nhiều mô và tạng quý giá gồm: hai quả thận, gan (được chia hai thùy), tim và hai giác mạc. Ngay sau khi lấy ra khỏi ổ bụng người hiến, phần gan trái nặng 240 gram được bàn giao cho Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Trong khi đó, ê-kíp phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chuẩn bị sẵn sàng. Lúc 18 giờ ngày 7/4, ca mổ chính thức bắt đầu với bước rạch da để chuẩn bị vùng ghép. Đến 20 giờ, khi lá gan vừa được chuyển đến, ê-kíp lập tức tiến hành khâu ghép tạng cho bé.

Sau 8 giờ phẫu thuật liên tục, ca ghép gan hoàn tất vào lúc 2 giờ sáng ngày 8/4/2025. Bệnh nhi được chuyển sang khoa hồi sức để theo dõi và đã được cai máy thở sau 7 giờ.

BS Vân Khánh cho biết, trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật, do gan từ người hiến chết não thường không ổn định như gan từ người hiến sống, chức năng gan của bệnh nhi chưa cải thiện ngay. Các chỉ số men gan và vàng da tăng cao, buộc đội ngũ y bác sĩ phải theo dõi sát sao.

Sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi bắt đầu cải thiện rõ rệt. Các chỉ số men gan, vàng da và xét nghiệm máu đều giảm, cho thấy lá gan bắt đầu hoạt động tốt. Sau 3 ngày, bệnh nhi tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, không sốt và được chuyển về khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan. Đến nay, sức khỏe của bé đã ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và đang được theo dõi sát sao.

Những thách thức trong quá trình ghép gan

Chia sẻ về những thách thức trong ca ghép, BS.CKII Bùi Hải Trung, Phó khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, trước đây, bệnh viện đã thực hiện nhiều ca ghép gan từ người hiến sống. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca ghép từ người hiến chết não, và yếu tố này đã đặt ra nhiều khó khăn đặc thù.

Một trong những thách thức lớn nhất là quá trình phối hợp giữa hai ê-kíp: ê-kíp lấy tạng (do BS Trí phụ trách tại Bệnh viện 175) và ê-kíp ghép tạng (do BS Trung điều phối tại Bệnh viện Nhi Đồng 2). Do việc lấy và ghép tạng diễn ra tại hai địa điểm khác nhau, cách nhau vài giờ, nên mọi thông tin phải được trao đổi nhanh chóng qua điện thoại. “Chúng tôi chỉ có thể bắt đầu quá trình chuẩn bị cho ca ghép sau khi ê-kíp lấy tạng mở bụng và đánh giá gan đạt chất lượng”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Đây là ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. (Ảnh: BVCC).

Đây là ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. (Ảnh: BVCC).

Một khó khăn khác là không thể xác định chính xác thể tích mảnh gan trước khi lấy. Với bệnh nhi nhỏ tuổi như bé N., nếu mảnh gan quá lớn so với khoang bụng và hệ tuần hoàn của bé, sẽ gây nguy cơ chèn ép, tổn thương, thậm chí không thể tiến hành ghép. Rất may, trong ca này, mảnh gan vừa vặn với thể trạng bệnh nhi nên không cần phẫu thuật điều chỉnh.

So với ghép gan từ người hiến sống, vốn có nhiều thời gian chuẩn bị, kiểm tra thể tích gan, đánh giá miễn dịch, thì ghép gan từ người hiến chết não có thời gian gấp rút, toàn bộ quá trình từ khi nhận thông tin đến lúc thực hiện ghép chỉ gói gọn trong chưa đầy 72 giờ. Vì vậy, áp lực về thời gian và yêu cầu độ chính xác trong từng quyết định y khoa là cực kỳ lớn.

Đánh giá về ý nghĩa của ca ghép, BS Trung nhận định: “Đây là một dấu mốc lịch sử, mở ra hướng đi mới cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong việc chủ động tiếp nhận và ghép gan từ nguồn tạng hiến chết não, qua đó giúp nhiều bệnh nhi có thêm cơ hội sống”.

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan thông tin, đây là ca ghép gan thứ 50 của Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhưng là lần đầu tiên một bệnh viện chuyên khoa nhi thực hiện thành công ca ghép gan từ nguồn tạng của người hiến chết não. Trước đó, 49 ca ghép đều sử dụng gan từ người hiến sống. Ca ghép này mở ra hy vọng tiếp cận thêm nguồn tạng hiến, qua đó cứu sống nhiều trẻ em hơn trong tương lai.

Thức khuya, stress âm thầm bào mòn gan, đây là 5 cách đơn giản giúp nuôi dưỡng gan trước khi quá muộn