Đầu năm 2021, chị H.T.P. (32 tuổi), là nhân viên một khách sạn ở Hà Nội, phát hiện có bầu con thứ 2 khi con trai lớn vừa tròn 4 tuổi. Một tháng sau khi biết mình mang bầu, chị P. nhận thấy dấu hiệu khác thường, đau nhiều ở vùng lưng. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng đó là điều bình thường khi mang bầu.
Tháng thứ 4 thai kỳ, cơn đau mỗi lúc một nhiều hơn. Chị đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai và nhận kết quả ung thư vú trái di căn gan, xương, phổi khi thai vừa sang tuần 17.
Bác sĩ Bệnh viện K Trung ương thăm khám cho bệnh nhân P.
"Tôi khóc cạn nước mắt. Phải làm gì đây khi con mới đến với mình được 4 tháng trong bụng. Giữ con thì phải trì hoãn điều trị hay là dừng thai kỳ? Thế rồi sau khi bình tâm tôi nghĩ mình phải cố gắng để giữ con trong bụng lâu nhất có thể, với hy vọng phép màu sẽ đến" - người mẹ trẻ chia sẻ.
Đầu tháng 7, thời điểm mang bầu ở tuần thứ 27, chị P. đi khám, bác sĩ yêu cầu nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương theo dõi. Đến ngày 9-7, thai sang tuần 28, chị phải mổ bắt con.
Bé gái ra đời nặng 1,1 kg, được chuyển ngay sang Trung tâm chăm sóc sơ sinh. Còn bệnh nhân P., 5 tiếng sau mổ, phải chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K để tiếp tục điều trị. Tại Bệnh viện K, sức khỏe chị chuyển biến xấu khi chảy máu trong ổ bụng vì nhân di căn gan vỡ. Kíp cấp cứu của bệnh viện đã nút mạch u gan cầm máu cho bệnh nhân.
Chưa dừng lại ở đó, bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu tử cung sau mổ lấy thai ngày thứ 4. Máu chảy ồ ạt, không thể cầm. Toàn bộ các chuyên khoa từ hồi sức cấp cứu, gây mê, chẩn đoán hình ảnh, huyết học, ngoại phụ khoa của Bệnh viện K đã hội chẩn liên khoa ngay trong đêm để phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong mổ, bệnh nhân chảy máu ở eo tử cung, rối loạn đông máu nên các bác sĩ phải cắt tử cung bán phần, cắt ruột thừa.
Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư vú trái, di căn tử cung, ruột thừa. Kèm di căn gan, phổi, xương.
Người phụ nữ ung thư vú vừa qua 2 ca đại phẫu, biến chứng nặng do suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Bác sĩ quyết định đưa chị lên chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực, theo dõi sát sao và hội chẩn liên khoa hàng ngày.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau gần 2 tháng điều trị
Sau 1 tháng điều trị tại đây, dù đánh giá sức khỏe bệnh nhân còn rất yếu nhưng đã có dấu hiệu tiến triển khá hơn, các bác sĩ chuyển bệnh nhân về điều trị tại Khoa Nội 5. Sau 3 tuần điều trị, bác sĩ đánh giá lâm sàng thể trạng bệnh nhân P tốt, ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường, chuyển biến tích cực. Bệnh nhân cũng đáp ứng rất tốt với phác đồ hóa trị hiện tại, u ở các vị trí trên cơ thể giảm nhiều về cả kích thước và số lượng.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Trang, Khoa Nội 5, Bệnh viện K Trung ương, cho biết các thầy thuốc sẽ tiếp tục phác đồ hóa trị hàng tuần và đánh giá lại sau 6 tuần điều trị để kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Đầu tuần tới, chị P. sẽ truyền, điều trị đợt 3 và ra viện về nhà với gia đình sau 2 tháng sinh con. Con gái chị đã tăng thêm 5 lạng so với thời điểm chào đời, hiện bé đã tự thở được.