Ngày dự sinh là ngày mà bác sĩ dự đoán là em bé sẽ chào đời, được xác định dựa trên ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của sản phụ. Thông thường, không phải mẹ nào cũng sinh đúng ngày dự sinh, có thể sớm vài tuần hoặc muộn hơn vài ngày. Tuy nhiên, khi đã quá ngày "khai hoa nở nhụy" mà vẫn chưa có tín hiệu chào đời từ em bé, các mẹ bầu nên đi khám bác sĩ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Vì “bác sĩ bảo cưới” nên Tiểu Giang đành phải lên xe hoa về nhà chồng khi mới đang là sinh viên năm 3 đại học. Cũng may nhà chồng khá giả, ông xã của Tiểu Giang đã đi làm rồi nên cuộc sống cũng không có gì phải quá lo lắng đối với nàng dâu mới. Đặc biệt, mẹ chồng cô rất quý cháu nên quý luôn cả dâu. Bà thường hầm các món ăn bổ dưỡng cho Tiểu Giang ăn dưỡng thai.
Ban đầu khi được mẹ chồng hầm gà, nấu cháo cá cho ăn, Tiểu Giang hạnh phúc lắm. Nhưng 3 tháng liền ngày nào cũng phải ăn cháo cá chép hoặc gà hầm, các món khác chỉ được ăn chút ít, đã khiến mẹ bầu này ngán đến tận cổ. Đã thế, số tuần thai càng tăng thì bà lại càng cho nhiều dầu mỡ vào trong thức ăn của con dâu kèm lời giải thích: “Ăn thế cháu mới bụ bẫm”. Điều này khiến Tiểu Giang lo lắng, sợ không có đủ chất cho con.
Ngày nào mẹ chồng Tiểu Giang cũng cho cô ăn cháo cá chép hoặc gà hầm để dưỡng thai (Ảnh minh họa).
Tiểu Giang hết lời giải thích với mẹ chồng rằng bà bầu cần được ăn đầy đủ các món để có đủ dưỡng chất cho em bé phát triển, chứ không thể ăn mãi gà hầm và cháo cá chép được. Vậy nhưng, bà vẫn cương quyết không đổi món. Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ngày càng tăng. Chồng của Tiểu Giang lại bênh mẹ, quay qua trách mắng, không hài lòng về thái độ của vợ.
Đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ, Tiểu Giang muốn nhờ chồng đưa đến bệnh viện để khám. Song, mẹ chồng cô lại không cho đi. Bà bảo: “Ngày dự sinh chỉ là ngày dự đoán thôi, không nhất thiết em bé phải sinh vào ngày đó. Con hãy ở yên trong nhà, khi nào cháu muốn ra thì nó sẽ tự khắc chui ra”.
Nói mãi mà mẹ chồng vẫn không cho đi, còn chồng thì nghe theo mẹ, khuyên Tiểu Giang hãy ở trong nhà tiếp tục dưỡng thai, cuối cùng, mẹ bầu này đành phải ở nhà và chờ đợi. 15 ngày sau, bụng cô vẫn không có chút tín hiệu nào rục rịch muốn sinh, cô liền cương quyết đến bệnh viện một mình. Trong lúc đang giằng co với mẹ chồng, Tiểu Giang đột nhiên bị đau bụng, thế là cả nhà vội lấy xe chở cô vô thẳng bệnh viện luôn.
Vừa xem qua sổ khám thai, bác sĩ đã đẩy luôn Tiểu Gian vào phòng mổ cấp cứu (Ảnh minh họa)
Tại đây, vừa xem qua sổ khám thai của sản phụ, bác sĩ liền la hét yêu cầu y tá chuẩn bị phòng mổ gấp, sau đó, đẩy luôn Tiểu Giang vào phòng. May mắn là ca mổ thành công, em bé chào đời. Nhưng cô chỉ được nhìn con thoáng qua rồi y tá bế con đi mất. Nhìn con đỏ hỏn không được ở cạnh mẹ, lại nghe bác sĩ nói vì con đã ở trong bụng mẹ quá ngày dự sinh quá lâu, em bé nuốt phải phân su, nên bị nhiễm trùng phổi nặng cần phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh một thời gian mà Tiểu Giang bật khóc, lòng quặn thắt. Nhìn mẹ chồng và chồng đang ôm nhau khóc, một ý nghĩ ly hôn thoáng qua trong đầu của bà mẹ này.
Theo bác sĩ, khi đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ, các thai phụ cần đến bệnh viện để kiểm tra thăm khám. Trong trường hợp em bé mãi vẫn không chịu chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành mổ bắt thai chủ động, bởi nếu để quá ngày dự sinh lâu, thai nhi có thể gặp các nguy hiểm sau:
1. Em bé bị thiếu oxy
Ở tam cá nguyệt thứ 3, càng về cuối thai kỳ, lượng nước ối càng ít dần. Đến ngày dự sinh thì chỉ còn một lượng rất ít. Thiếu nước ối sẽ khiến nhịp tim của em bé chậm lại do dây rốn co thắt dẫn đến thiếu oxy. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ xảy ra tình huống nguy hiểm đến tính mạng của em bé.
2. Sinh khó vì con to
Ở trong bụng mẹ càng lâu, em bé càng lớn, vì thế những đứa trẻ sinh sau ngày dự sinh đều thuộc dạng nặng cân. Tuy nhiên, sinh con to sẽ khiến quá trình sinh nở kéo dài, dễ xảy ra các chấn thương trong quá trình sinh như gãy xương, gãy tay…
3. Em bé bị nhiễm trùng phổi
Quá ngày dự sinh, em bé có thể đi tiêu phân su ngay trong bụng mẹ. Khi em bé nuốt phải phân su, nó có thể sẽ đi vào phổi, dẫn đến các biến chứng về đường hô hấp.
4. Nhau thai bị lão hóa
Bên cạnh đó, quá ngày dự sinh, nhau thai sẽ bị lão hóa, không thể cung cấp đủ oxy và máu cho em bé. Trong trường hợp xấu nhất, thai nhi có thể chết lưu.
Do vậy, các mẹ bầu không nên nghe theo quan niệm là để con ở trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. Ngược lại, khi đến ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, từ đó đưa ra các hướng giải quyết hợp lý dựa trên tình hình thực tế.