9 tháng 10 ngày mang nặng, người mẹ nào cũng mong chờ giây phút con chào đời, được ôm con vào lòng và biết con là em bé khỏe mạnh. Thế nhưng, với nhiều mẹ, phút giây hạnh phúc đó lại không trọn vẹn khi con sinh ra đã ngay lập tức phải đưa vào phòng cấp cứu. Câu chuyện của chị Hương Vũ (30 tuổi, hiện đang sống tại Nhật) chia sẻ mới đây là một trường hợp như thế.
Bé Mochi được mẹ sinh thường, nhưng lại bị ngạt dẫn đến toàn thân tím tái, chỉ khóc vài tiếng rồi im bặt. Sau khi được tích cực cấp cứu trong 30 phút, em mới hồng hào trở lại, nhưng cũng phải trải qua 12 ngày nằm viện cam go. Giây phút sinh con hồi hộp đến nghẹt thở của chị Hương sẽ giúp các mẹ bầu có thêm những kinh nghiệm vượt cạn, tránh rơi vào trường hợp tương tự.
Chị Hương nhờ y tá quay lại hình ảnh con vừa sinh ra để gửi cho chồng.
Chị Hương kể lại: “Kể từ khi biết tin mang thai một bé gái, mình đã vỡ òa. Cả thai kỳ mình cố gắng ăn nhiều cho em bé đạt cân nặng chuẩn, dù mẹ phát tướng thấy rõ. Bắt đầu từ tháng thứ 4 có dịch bệnh Covid, mình lo lắng nên đã đặt vé máy bay về Việt Nam. Nhưng vé máy bay thông báo bị hủy do dịch bệnh. Mình đành ở lại Nhật. Vợ chồng mình nhờ người giới thiệu một bệnh viện uy tín để chờ ngày sinh con.
Đến tuần thứ 40, mình vào viện cách dự sinh 2 ngày vì nghi rỉ ối nhưng bác sĩ kết luận chưa sinh được nên về. Đúng 15h30 phút ngày dự sinh 7/6/2020, mình vào viện trong tình trạng bụng đau lâm râm. Y tá khám cho mình và bảo là mở 2cm rồi, nhập viện thôi. Do tình hình dịch bệnh, chồng mình không được vào cùng”.
Sau 16 giờ, chị Hương bắt đầu đau nhiều và vỡ ối. Chị ấn chuông, y tá vào kiểm tra và thông báo đã mở 6cm, dặn chị cố gắng chịu thêm. Nhưng 30 phút sau đó, chị bắt đầu đau dữ dội, ấn chuông vài lần nhưng không thấy y tá vào. Đến 17h, chị Hương tiếp tục ấn chuông và nói rằng mình không thể chịu được nữa. Y tá đưa chị sang phòng chờ, đeo máy theo dõi nhịp tim và cử động thai. Chị nằm 1 mình như vậy trong suốt 1 tiếng.
Chị Hương trải qua thai kỳ cùng ông xã ở Nhật.
“Sau đó mình nghe tiếng phòng bên cạnh có người vừa sinh xong. Dù đau đến mấy mình cũng biết rằng phải đợi ekip đỡ cho bé kia xong mới đến lượt mình. Cảm giác cơn đau 1 phút/lần đến dồn dập khiến mình không thể nào chịu được nữa. Mình ấn chuông gọi y tá. Y tá chạy vào lấy tay đấm vào hậu môn mình liên tục để mình cảm thấy khá hơn. Mình có cơn rặn và đã cảm nhận được đầu con chui ra rồi. Mình không thể nhịn được cơn rặn và năn nỉ y tá cho đẻ. Cuối cùng lúc 18:58 phút, mình cũng được dìu lên bàn đẻ. Lên bàn đẻ, mình rặn đúng 3 lần thì 19:07 phút, con ra đời. Vì trước đó mình có học qua cách thở trước khi sinh và hiểu về chu kỳ cơn gò đau đẻ. Y tá còn bảo nhau rằng “mẹ giỏi thế”, không nghĩ sinh nhanh như vậy”, chị nhớ lại.
Nhưng sinh xong cũng là giây phút nguy hiểm nhất ập đến. Chị Hương kể, vì bố bé không vào cùng nên chị nhờ y tá quay lại hình ảnh để gửi cho chồng. Nhưng y tá đang quay, bế em bé đến gần mẹ thì phát hiện có vấn đề nên tắt luôn clip. Em bé chỉ khóc được 1-2 tiếng và tím tái, ngừng khóc. 4-5 y tá vội vàng bế em bé sang khu bên cạnh cấp cứu, rối rít gọi bộ đàm bảo ai đó đến ngay đi.
Sau 30 phút cấp cứu, em bé mới hồng hào trở lại.
“Thật sự cảm giác lúc ấy của mình không thể nào tả lại được. Mình chỉ biết gào lên: “Con tôi sao rồi?”, thì tất cả các y tá đều im lặng. Mình nhìn họ tét mông con, đập lưng, ấn lồng ngực lấy nhịp tim, đeo máy thở… mà như muốn chết lặng. May mắn sau khoảng 6-7 phút, con mình bắt đầu khóc trở lại. Khi đó y tá mới quay ra nói với mình là: “Con ổn rồi, chỉ còn thở gấp thôi nên sẽ đeo máy trợ thở”.
Bé được đặt lại cạnh mẹ khoảng 15-20 phút. Sau đó có 1 chị bác sĩ chạy tất tả đến, vẫn mặc bộ quần áo ở nhà, cầm ống nghe và trao đổi nhanh với y tá. Họ nói gì với nhau mình không biết. Mình chỉ biết y tá đưa bé đi và bảo bé sẽ được nhập viện. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, chị bác sĩ này và y tá có đến giường mình thăm khám và giải thích con có chút vấn đề đường thở nên sẽ theo dõi thêm”, chị Hương chia sẻ lại giây phút nghẹt thở.
Nhưng điều mà chị Hương cảm thấy khó hiểu và bất an nhất là nguyên nhân đằng sau việc con bị ngạt thì không ai giải thích cho chị. Chị hỏi lý do, bảo muốn bác sĩ mô tả lại tên nguyên nhân bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật để hiểu thêm, thì chị bác sĩ này lại đi ra. Còn mỗi y tá đỡ đẻ cho chị đứng lại, cảm thấy lúng túng và xin lỗi sẽ giải thích sau.
Đến tận 15h chiều, chị mới được lên thăm con, nhìn con qua lồng kính, dây rợ chằng chịt mà không cầm được nước mắt. Chị chỉ biết khóc và cứ thế đứng khóc mãi. Y tá đưa cho chị giấy đồng ý nhập viện và bảo chị ký vào. Do dịch bệnh nên chị cũng không đợi chồng vào bàn thêm được, đành phải đặt bút ký.
May mắn sau 2 ngày nằm phòng chăm sóc đặc biệt, em bé đã hồng hào và ti được 20ml/lần. Chị Hương cố nén lại lo lắng, tập trung ăn uống và kích sữa để đủ sữa mẹ cho con. Mỗi ngày chị được vào thăm con 1 lần, em bé tiến triển tốt hơn. Sau 6 ngày, chị Hương được xuất viện. Còn em bé của chị ở lại viện theo dõi thêm 6 ngày nữa cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh.
Những ngày sau sinh, chị Hương chỉ được ngắm con qua lồng kính.
Khi đối chất được với ekip đỡ đẻ về nguyên do con bị ngạt, chị Hương chỉ nhận được câu trả lời: “Do mẹ rặn đẻ mạnh và nhanh quá. Phân su bị bắn vào miệng bé, em bé nuốt phải bị sặc gây ngạt…”. Chị Hương nói với bác sĩ sẽ ghi nhận lý do này, nhưng muốn có thêm ý kiến của bên thứ 3 là một bác sĩ có chuyên môn thẩm định lại. Nhưng bác sĩ đỡ đẻ lại khua đi và nói: “Bác sĩ không có mặt trong lúc đó thì không thể phân định đúng sai được”.
Vậy nên dù hai mẹ con đã ra viện, chị Hương vẫn không hiểu liệu có phải sự tắc trách của ekip đỡ đẻ đã khiến con mình bị ngạt hay không. Nhưng bây giờ, chị cũng không quan tâm nhiều nữa. Bởi giây phút được bế con về nhà và ở trong căn phòng ngập tràn màu hồng đã chuẩn bị sẵn cho con gái nhỏ, chị Hương đã thấy nhẹ nhõm, bình yên.
Chị cũng không không trách móc gì về bệnh viện. Chị cho rằng ở bệnh viện nào đi nữa cũng sẽ có sai sót và may mắn là con gái chị đã giành giật lại được sự sống.
Nay chị dành hết tâm sức chăm sóc cho con. Cô con gái Mochi ngoan ngoãn, đáng yêu, nếp ăn ngủ tốt và như “chất gây nghiện” của chị mỗi ngày. Từ lâu chị đã mong ước có một cô con gái, đã chuẩn bị sẵn cái tên Mochi với ý nghĩa là một loại bánh nếp, có vị dẻo ngọt để dành cho con. Nay ước mơ thành hiện thực rồi, chị không mong muốn gì hơn.
Em bé Mochi đã được về nhà, ăn ngoan ngủ tốt và là "chất gây nghiện" mỗi ngày của vợ chồng chị Hương.
Thông qua câu chuyện của mình, chị Hương muốn nhắn gửi đến các mẹ: “Dù thai kỳ có khỏe mạnh, bình thường đi nữa, mẹ bầu vẫn phải chủ động tìm hiểu thông tin. Đặc biệt về quá trình vượt cạn như dấu hiệu sinh con, cách lấy hơi, chu trình của cơn gò… để có những kiến thức nhất định. Bởi chỉ người mẹ mới có thể theo dõi rõ nhất những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể mình, từ đó thông tin chính xác đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Việc nắm rõ kiến thức cũng tránh tình trạng thụ động dẫn đến những nguy hiểm cho cả mẹ và con”.