Ths.BS Phạm Minh Triết, Nguyên Trưởng khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Tâm lý, Đại học Quốc...
Con trai có hành động nông nổi khi bị cha tuyên bố từ mặt
Theo TS.BS Phạm Minh Triết, Trường Y Khoa và Tâm Lý, Đại học Quốc Gia Australia, thời kỳ vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ “con nít” sang “người lớn” không chỉ về mặt thể chất mà còn về tâm lý. Những thay đổi nhanh nhưng chưa ổn định và không đồng bộ về mọi mặt làm cho giai đoạn này trở thành một quá trình phức tạp trong tiến trình phát triển.
Các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần cũng rất dễ xuất hiện ở thời kỳ này. Đặc biệt, khi đứa trẻ đang lưỡng lự trước quyết định “tiếp tục làm con ngoan” hay “làm theo những ý muốn của bản thân”, nhất là trước sự áp đặt từ người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và trẻ.
Mâu thuẫn với cha không được giải tỏa khiến Hoàng có hành động nông nổi. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Triết kể về trường hợp của Hoàng, hiện sống và làm việc tại TP.HCM, từng được mình điều trị khi còn làm Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1. Năm đó, Hoàng 15 tuổi, đang là học sinh lớp 9. Do đang trong độ tuổi vị thành niên, nam sinh này có tính cách ương bướng, thích làm theo ý mình và không muốn làm theo lời người khác nói. Trong khi đó, bố mẹ nam sinh là người gia giáo, luôn muốn con phải học giỏi, ngoan, nghe lời cha mẹ.
Do không thể dung hòa, nên những lần Hoàng ngồi cùng bố là hai cha con xảy ra mâu thuẫn. Khi không thể kiềm chế, người cha đã tuyên bố từ mặt con. Điều này đã làm Hoàng trở nên chán nản, thấy bản thân như không còn giá trị và trở nên hung dữ, bất cần đời, đòi bỏ học để đi bụi.
Khi được đưa đi khám tâm lý, Hoàng mang theo một con dao nhỏ, giấu trong người, khiến các y bác sĩ lo lắng. Lúc đó, bác sĩ Triết mới về làm quản lý khoa.
Bác sĩ Triết cho biết, thời điểm đó, gần như 90% bệnh nhân đến khám tâm lý là trẻ dưới 6 tuổi. Trường hợp và độ tuổi của Hoàng là lần đầu tiên. Khi được báo tình hình, bác sĩ Triết nhanh chóng tìm hiểu thông tin từ 2 bác sĩ trong khoa đã tiếp xúc, khám cho Hoàng trước đó.
Dù cả 2 bác sĩ đều cho biết, Hoàng chỉ mang dao để phòng vệ, không làm hại ai, bác sĩ Triết vẫn phải xin ý kiến Ban Giám đốc bệnh viện và cùng thống nhất, cấm người bệnh mang hung khí nguy hiểm vào bệnh viện. Khi được các y bác sĩ thay phiên nhau khuyên bảo, Hoàng mới bỏ dao ra khỏi người và đồng ý gặp bác sĩ Triết và các đồng nghiệp của ông để được tư vấn, điều chỉnh tâm lý.
Bác sĩ Triết cho rằng, chính sự cảm thấy không an toàn trong gia đình khiến trẻ có các hành động bộc phát. Ảnh minh họa.
“Nếu không có bác sĩ, tôi đã thành dân xã hội đen”
Sau khi được điều trị tâm lý, Hoàng nhận ra những điều tốt đẹp của tương lai, tiếp tục học hết cấp 3 và lên đại học, đi làm cho một công ty nước ngoài, có trụ sở tại TP.HCM.
Một lần, vừa trở về khoa sau buổi họp giao ban với ban lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Triết nhận được lời chào hỏi thăm của một nam thanh niên có làn da trắng, khuôn mặt sáng, dáng người đầy đặn.
“Cậu bé nhìn thấy tôi khi đang trò chuyện với chị điều dưỡng trưởng của khoa - cũng là người giúp Hoàng trước đây. Dù mỉm cười đáp lại, nhưng tôi không nhớ ra người chào mình là ai”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Cho đến khi nghe Hoàng giới thiệu bản thân từng là người bệnh của khoa và kỷ niệm khó quên ở tuổi vị thành niên, bác sĩ Triết mới nhớ ra. “Khi Hoàng đến khám, khoa chỉ là đơn vị tâm lý của bệnh viện. Biết tin nơi mình từng điều trị chính thức trở thành Khoa Tâm lý, cậu ấy đến chúc mừng và thăm lại những người từng giúp đỡ mình”, bác sĩ Triết kể.
Khi được hỏi, tại sao trước đây lại có hành động nông nổi như vậy, Hoàng mới kể hết những mâu thuẫn, trăn trở của tuổi trẻ. “Nếu không có sự giúp đỡ và hướng dẫn của các y bác sĩ trong khoa, chắc con bây giờ đã thành xã hội đen rồi”, Hoàng nói bằng sự biết ơn. Nam thanh niên cũng hứa với các y bác sĩ, sẽ trở thành người tốt, lấy sự nông nổi của bản thân trước đây làm bài học cho mình.
Còn bác Triết cho rằng, câu chuyện của Hoàng không chỉ là bại học cho các bậc phụ huynh, mà nó cũng làm anh quyết tâm bước vào một chương mới trong hành trình chăm sóc hỗ trợ sức khỏe tâm lý trẻ vị thành niên. “Trước Hoàng, khoa chỉ có những bé dưới 6 tuổi đến khám tâm lý, nên tôi chỉ tập trung vào tâm lý của lứa tuổi này”, bác sĩ Triết lý giải.
Bác sĩ Triết cho biết, khi tìm hiểu sâu về tâm lý trẻ tuổi vị thanh niên, anh nhận thấy, nếu như người lớn nhìn thấy một đứa trẻ tuổi vị thành niên có hành động như Hoàng là một biểu hiện hung hăng, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác thì bản thân các bé lại khác. Đó là một biểu hiện của sự cô độc, lẻ loi vì bản thân trẻ không cảm thấy an toàn ngay khi trong chính ngôi nhà mình.
Trẻ bước vào tuổi vị thành niên thường có các rối loạn về tâm sinh lý, nên rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ của cha mẹ. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Triết lý giải, khi bước sang độ tuổi vị thành niên, hệ thần kinh và nội tiết của trẻ đang phát triển khiến các em dễ mất cân bằng về tâm lý, khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, từ đó gây ra những phản ứng không mong muốn. Hơn nữa, bên ngoài trẻ như một người trưởng thành nhưng lại có suy nghĩ trẻ con nên trong cơ thể trẻ luôn có 2 luồng suy nghĩ đối kháng. Một bên muốn bảo tồn những đặc quyền của tuổi thơ, một bên lại thích sử dụng ưu thế của người trưởng thành nên đôi khi trẻ có những hành động, cư xử khiến phụ huynh khó xử.
Ngoài ra, việc trẻ muốn được quan tâm nhiều hơn, muốn tìm một người để nói chuyện, thích quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân, trong khi nhiều cha mẹ lại không hiểu sẽ dễ khiến trẻ rơi vào bi kịch, có suy nghĩ cực đoan. Vì vậy, bác sĩ Triết cho rằng, cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên cần:
- Biết cách tương tác phù hợp với con. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì.
- Cần động viên trẻ thực hiện các hoạt động từng hứng thú trước đây cho dù hiện tại mất đi hứng thú với những hoạt động này.
- Cần giúp con duy trì ngủ đúng và đủ giờ, tránh ngủ quá nhiều.
- Duy trì các hoạt động thể chất đều đặn, tham gia các hoạt động xã hội càng nhiều càng tốt.
- Đừng quá áp đặt, thể hiện kỳ vọng con phải giỏi, ngoan, vâng lời người lớn trong khi cha mẹ lại không hiểu con.
- Hãy giám sát con bằng sự thấu hiểu, tâm lý.
- Luôn chú ý đến các dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý của con để có các hỗ trợ khi cần thiết.
* Tên người bệnh đã thay đổi.