Là mẹ của 4 em bé, chị Mỹ Linh (sinh năm 1985) may mắn được trải nghiệm sinh con cả ở Việt Nam và nước ngoài. Với chị, mỗi lần mang thai và sinh con đều là những hành trình đáng ghi nhớ. Vậy nhưng, nhiều cảm xúc hơn cả có lẽ là lần chị sinh em bé Nana tại xứ sở Bạch Dương.
Hình ảnh chị Linh lúc mang bầu bé Nana.
Hình ảnh sau sinh bé Nana.
Ngày con gái thứ hai được hơn 1 tuổi chị Linh quyết định ly hôn với người chồng đầu. Khi ôm con bước ra khỏi nhà, trong tay chị chỉ vỏn vẹn đúng 1 triệu đồng. Để có tiền lo cho các con chị đã gửi con cho mẹ đẻ để ra Vũng Tàu làm thợ cắt tóc. Dù đã cố gắng rất nhiều song tiền lương ba cọc ba đồng chị làm ra chỉ đủ đóng tiền học cho con còn các thứ khác phải nhờ hết vào nhà ngoại. Chứng kiến em gái quá vất vả, chị gái đã khuyên em nên đi học tiếng để xin phục vụ nhà hàng với hy vọng có cơ hội đổi đời.
Với vốn ngoại ngữ ít ỏi học từ trung tâm Anh ngữ, chị Linh xin vào một hàng hàng Úc ở Vũng Tàu vừa để học việc, trau dồi ngôn ngữ và mong mỏi hơn cả là... tìm trai Tây. Nhờ chịu thương chịu khó nên ngoài thời gian làm việc cật lực chị lại tranh thủ học tiếng thông qua quyển menu của nhà hàng. Dần dần tiếng Anh của chị trau chuốt, vốn từ cũng đa dạng hơn trước.
Sau nhiều năm chung sống, anh chị đã có 2 đứa con chung, là bé Timothy (3,5 tuổi) và bé Nana (6 tháng tuổi).
Lúc này, anh Touloupov (sinh năm 1966, quốc tịch Nga) có chuyến công tác ở Vũng Tàu 3 tháng, anh ở khách sạn gần nơi chị làm việc, ngày nào anh Touloupov cũng đi ăn ở khu vực đó nhưng lại không bao giờ vào nhà hàng nơi chị làm việc. Một hôm nghe được lời mời chào ngọt ngào của nhân viên nhà hàng, anh cũng ghé vào ăn tối.
Ấn tượng đầu tiên của chị Linh lần đầu gặp Touloupov là người đàn ông ngoại quốc tóc dài, vàng hoe, rối bù, mang đôi dép kẹp, quần lửng, áo thun nhìn khá lôi thôi nhưng bù lại trên môi lúc nào cũng nở nụ cười và bặp bẹ vài câu tiếng Việt rất hài hước.
Thấy chị Linh bưng đồ ăn bàn, Touloupov nhìn chăm chú và thốt lên câu: “Mắt em đẹp lắm”. Bối rối trước nhận xét của vị khách nước ngoài chị thầm nghĩ: “Anh là người đầu tiên khen em đó”.
Ấn tượng với nhân viên bưng bê, những lần sau đó Touloupov quên tất cả những nhà xung quanh đó và chỉ đến nhà hàng nơi có chị Linh làm việc để dùng bữa. Chị kể: “Anh đến nhà hàng mình ai cũng quý vì anh luôn biết cách pha trò để làm mọi người vui. Sau một tháng quen biết thì mình chính thức đến với anh. Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản là tìm một ông Tây để có tiền lo cho con chứ chưa biết yêu thương gì, đã làm mẹ đơn thân không tài không sắc đẹp chỉ mong vào may mắn, và đúng như vậy, đến giờ phút này sau nhiều năm chung sống mình thấy bản thân thật hạnh phúc khi gặp được anh”.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Linh tại nước Nga.
Năm 2017, sau lần Touloupov về Việt Nam ăn Tết, cả hai có với nhau một bé trai, được đặt tên là Timothy. Đến năm 2019, sau nhiều năm đi lại giữa hai nước, Touloupov quyết định đưa cả gia đình sang Nga sinh sống. Ở đất khách quê người được một thời gian, khi vẫn chưa kịp thích nghi với cuộc sống mới chị hay tin bản thân tiếp tục có thai. Vậy nhưng, lần đón tin vui này theo chị hoàn toàn khác với ở Việt Nam. Do dịch bệnh phức tạp nên không bệnh viện nào mở cửa, chị lo lắng đến mức stress. Touloupov liên hệ hết tất cả các bệnh viện để vợ được đi khám thai nhưng cũng phải tới tháng thứ 4 của thai kỳ chị mới được kiểm tra lần đầu.
Vừa lo lắng do dịch bệnh lại ốm nghén chẳng ăn uống được gì chị Linh sớm rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài. Từ tháng thứ 7 trở đi chị được bác sĩ bắt đầu theo dõi một tuần hai lần. Trước dự kiến sinh một tuần chị Linh xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ, cứ thế khoảng 20 cơn đau lại ập tới.
Nhớ lại thời điểm đó, chị cho biết: “Sau hai tiếng đồng hồ mình thấy cơn đau tăng lên nên đã quay sang nói với ông xã: “Em bé muốn ra ngoài rồi, ổng bật dậy như lò xo. Anh nói: “Không thể nào, bác sĩ nói hơn một tuần nữa mà, em có chắc không?”. Nói rồi cả hai nhanh chóng thu xếp đồ đạc đi đẻ nhưng do mùa dịch nên bệnh viện đóng cửa, khi cần sinh mình phải gọi điện họ mới mở cửa cho vào.
Đến nơi mình được bác sĩ thăm khám còn anh làm thủ tục nhập viện cho vợ. Lúc đó mình bắt đầu đau từng cơn dữ dội, ông xã bối rối đứng ngồi không yên, nhìn mặt anh vừa thương vừa buồn cười”.
Sau khi hoàn tất hồ sơ sinh, chị Linh được đẩy tới phòng chờ đẻ, để đảm bảo an toàn dịch bệnh Touloupov không được ở lại bệnh viện nên buộc phải ra về. Từng trải qua ba lần sinh con trước đó nhưng theo chị Linh, đây là lần chị cảm thấy đau đớn và cô đơn nhất vì không chồng, không người thân bên cạnh.
Hai con bụ bẫm, kháu khỉnh của chị Mỹ Linh và anh chồng người Nga.
Em bé Nana lúc mới chào đời.
Trải qua nhiều giờ mẹ chuyển dạ đầy đau đớn thì em bé chào đời, lúc này chị rơi nước mắt vì hạnh phúc nhưng không thể cử động do vẫn còn đau dạ con. Sau 15 phút bác sĩ đưa bé cho mẹ tiếp da.
Dù đã “vượt cạn” thành công nhưng chị Linh phải nằm lại phòng sinh 8 tiếng đồng hồ mới được chuyển về buồng chăm sóc. Lúc này chị mới có thời gian ngắm kỹ con gái, vừa nhìn bé chị liền giật mình: “Ôi, sao đen thui vậy?”. Chị đưa tay sờ kiểm tra con thì phát hiện đỉnh đầu bên trái có một cục to và mềm như bánh mochi.
Mãi sau này chị biết em bé bị như vậy là khi rặn sinh do mẹ không đủ sức, liên tục dừng rặn giữa chừng nên cơ thể bé bị tác động. “Nhìn con như vậy mình tự trách bản thân và rơi nước mắt luôn” – mẹ 8X nói.
Ngày ra viện ông xã và các con tạo bất ngờ cho chị bằng việc đem hoa và bóng bay siêu đến đón. Trở về ngôi nhà mang theo thiên thần nhỏ, mọi người đều vui như hội. Các con lớn của chị giúp mẹ lo cho mẹ và em út theo chế độ dinh dưỡng của nước Nga.
Ngày ra viện, chị Linh được chồng đem theo hoa và bóng đến đón về nhà.
Hiện tại, bé út Nana của gia đình chị Linh đã gần 6 tháng tuổi. Theo lời chị, em bé giờ rất bụ bẫm, xinh xắn và con không con đen thui như lúc mới sinh. “Từ công công, giờ đây Nana đã là một tiểu công chúa hay cười và rất lém lỉnh. Ba con đi làm cả ngày khi về tới nhà là ôm con trong lòng như kiểu vừa đi xa về vậy. Mình cực kỳ may mắn khi gặp được Touloupov, với mình, Touloupov là người đàn ông tốt nhất thế gian” – mẹ Việt ở Nga xúc động chia sẻ.