Mới đây, một đoạn video được quay bởi một thầy giáo đến từ Lan Châu (tỉnh Cam Túc) đã gây xôn xao MXH Weibo, nhận được hàng trăm nghìn lượt thích trên nền tảng này. Trong video, thầy giáo đã đặt câu hỏi cho học sinh của mình là: "Các em nên chọn 10 điểm hay 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng)?".
Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời với cả người lớn, chắc hẳn không ít người sẽ chọn số tiền lớn. Thế nhưng đối diện với câu hỏi khó từ phía thầy giáo, các em học sinh tiểu học ở Trung Quốc đã kiên quyết chọn lấy 10 điểm tuyệt đối với những lý do nghe xong ai cũng gật gù.
Những câu trả lời thông minh của các em khiến cư dân mạng trầm trồ.
Có cô bé chọn 'Em chọn 10 điểm, thành tích tốt quan trọng hơn tiền bạc', một nữ sinh trả lời: "Em chọn 10 điểm, bởi 10 điểm có thể khiến mẹ em vui lòng". Một học sinh đưa ra quan điểm: 'Em chọn 10 điểm, bởi 10 điểm có thể giúp em kiếm nhiều hơn 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng)'. Em học sinh khác thì thật thà: "Em chọn 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng), bởi em không thể nào thi đạt 10 điểm"... Những câu trả lời vừa thông minh vừa xúc động của các em học sinh thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Cuối đoạn video, một cậu bé với gương mặt trầm tĩnh nhỏ nhẹ trả lời: 'Thưa thầy, em chọn 10 điểm ạ!” Thầy giáo tiếp lời: “Tại sao?”, lúc này, ánh mắt cậu bé mới trùng xuống và thỏ thẻ: “Bởi khi em đạt 10 điểm thì mẹ sẽ đến thăm em'. Câu trả lời của nam sinh cuối cùng đã khiến cộng đồng mạng xúc động và thương xót cho hoàn cảnh của em, lý do người mẹ không thể thường xuyên đến thăm con không được tiết lộ, nhưng có thể khẳng định một điều là em học sinh rất mong mỏi được gặp mẹ.
Kết đoạn video, người thầy giáo chia sẻ thêm một vài cảm nhận: “Nhìn thấy em, tim tôi cảm thấy hơi đau, người làm cha nuôi em một mình nhìn thấy chắc hẳn cũng phải rơi nước mắt…”. Bên dưới bài viết, nhiều cư dân mạng xúc động: 'Mỗi em một hoàn cảnh, có lẽ thầy giáo cũng không ngờ nghe được câu trả lời thành thật của các em'.
'Nghe đáp án của nam sinh cuối cùng khiến tôi cảm thấy đau lòng quá, chắc có lẽ mẹ em đi làm ăn xa nên em ở nhà với bố sao?'.
“Chắc cậu nhóc đó nhớ mẹ lắm”.
'Vốn là một video vui vẻ, tại sao đoạn cuối lại khiến người xem xót xa thế này, những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình thiếu thốn tình cảm khi nào cũng hiểu chuyện'.
“Chắc có lẽ, vì lý do cha mẹ em đã chia tay đã lâu nên cậu bé mới mong gặp mẹ như vậy, làm cha mẹ có ai nỡ giao kèo với con cái rằng được 10 điểm mới gặp con chứ”.
Có rất nhiều lý do khiến con cái không thể sống cùng cả cha và mẹ như cha mẹ ly hôn, ly thân, cha hoặc mẹ đi làm xa nhà, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt… dù là bất kỳ lý do gì, những em bé không có được đầy đủ tình cảm của cả cha và mẹ đều là những thiệt thòi lớn.
Thiếu thốn tình cảm cha mẹ là thiệt thòi lớn của các em. (Ảnh minh họa)
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội thì những quan điểm về hôn nhân cũng ngày càng phóng thoáng hơn, tỷ lệ ly hôn cũng vì thế mà gia tăng. Do đó, lý do phổ biến nhất khiến trẻ phải sống chỉ hoặc với cha, hoặc với mẹ có lẽ là do cha mẹ của các em ly hôn. Khi đó, con cái thuộc quyền nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ, người còn lại chỉ có thể đến thăm con định kỳ và gửi tiền chu cấp hàng tháng. Dù ít dù nhiều, việc này không tránh khỏi những tổn thương tâm lý và hệ lụy tới sự phát triển bình thường của một đứa trẻ.
Làm sao để tránh tổn thương cho con sau khi ly hôn?
Chuyện ly hôn là bình thường khi vợ chồng không thể tiếp tục chung sống, cả hai tìm cho nhau lối đi riêng và điều đó tốt hơn cho tương lai sau này của những người trong cuộc. Thế nhưng cách ứng xử của người làm cha, mẹ sau ly hôn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến trẻ, hình thành nhân cách của trẻ. Do đó, cha mẹ cần thực hiện công tác tư tưởng và tìm cách quan tâm, chăm sóc cho con để tránh tình trạng trẻ bị tổn thương tâm lý vì rạn nứt của cha mẹ.
Hãy tìm cách nói chuyện với con thay vì lãng tránh: Cha mẹ đừng nên lảng tránh mà hãy tìm cách nói chuyện với con dễ hiểu nhất việc hai người ly hôn. Cần cho trẻ hiểu nguyên nhân chuyện bố mẹ ly hôn không xuất phát từ con mà là từ vấn đề của cha và mẹ, khi ly hôn rồi dù không còn ở cạnh nhau nhưng điều đó sẽ tốt hơn cho cha và mẹ.
Cha mẹ cần có cách hành xử khéo léo để tránh việc trẻ bị tổn thương tâm lý. (Ảnh minh họa)
Hứa với trẻ rằng cha mẹ sẽ luôn yêu thương con: Khi cha mẹ ly hôn, điều trẻ sợ nhất là cha hoặc mẹ, người sẽ không ở cùng trẻ trong tương lai sẽ không còn yêu thương con. Cha mẹ cũng cần quan tâm, trấn an con dù bố mẹ không thể sống chung với nhau nữa nhưng không ngừng yêu con và sẽ luôn dành nhiều thời gian cho con nhiều nhất có thể. Tất nhiên đây không thể là lời hứa suông, dù cha mẹ chia tay cũng đừng quên trách nhiệm với con cái.
Hạn chế tối đa sự xáo trộn cuộc sống của con: Cha mẹ cần hạn chế tối đa việc xáo trộn lịch trình sinh hoạt và học tập của con. Nếu có thể vẫn tiếp tục cho con theo học trường mà con đang học, khuyến khích con duy trì mối quan hệ với bạn bè cũ, động viên con tham gia các hoạt động ngoại khóa… để trẻ không chú tâm quá nhiều vào việc cha mẹ ly hôn.
Giữ liên lạc với con: Khi không còn trực tiếp nuôi dưỡng con trẻ, việc giữ liên lạc với con thường xuyên là vô cùng quan trọng. Mọi mối quan hệ đều được xây dựng trên cơ sở quan tâm, dành thời gian cho nhau và tình cảm cha mẹ với con cái cũng vậy. Nếu sau ly hôn, cha mẹ đột ngột biến mất sẽ khiến trẻ bị sốc, thay vào đó, hãy giữ liên lạc với con, hỏi han con như khi còn ở chung với cha mẹ, tâm sự để con hiểu cha mẹ luôn ở cạnh con.
Dành sự quan tâm cho con theo cách đặc biệt: Không ở bên cạnh con không có nghĩa là cha mẹ không thể quan tâm con trẻ. Ngoài việc luôn giữ liên lạc với con và những người xung quanh trẻ, cha hoặc mẹ cần dành cho trẻ sự tâm tâm theo cách đặc biệt. Nếu cha hoặc mẹ ở xa, hãy tạo điều kiện để trẻ được đến thăm cha mẹ vào mỗi dịp nghỉ hè, gửi tặng con những món quà…
Việc cha mẹ sau khi chia tay thống nhất về thời gian thăm nom và cách thức giáo dục con cái là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
Thỏa thuận để được thăm nom con nhiều nhất có thể: Việc cha mẹ sau khi chia tay thống nhất về thời gian thăm nom và cách thức giáo dục con cái là rất quan trọng. Không thể ở bên cạnh con mỗi ngày, cha mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian cho con nhất có thể. Cố gắng xuất hiện trong những dịp đặc biệt như sinh nhật của con, lễ tết, luôn tạo cơ hội để gặp gỡ và đưa con đi chơi mỗi khi có dịp… Nhiều cặp vợ chồng ly hôn thỏa thuận để trẻ ở bên cha hoặc mẹ đồng đều để trẻ có thể cảm nhận đầy đủ tình cảm của cả hai.
Tế nhị khi công khai mối quan hệ mới với con: Cha mẹ nên học cách ứng xử khéo léo khi công khai với các con về mối quan hệ mới của mình để tránh những bi kịch không đáng có cho tuổi thơ của con, đồng thời chấp nhận việc trẻ có thể hoặc không thể chấp nhận. Theo thời gian, trẻ sẽ lớn lên và hiểu về những chuyện đã qua, cảm xúc của cha mẹ.