Chị Trúc Hương (SN 1993) quê ở Phú Yên lấy chồng Trung Quốc. Vì cách ly dịch viêm phổi nên phải gửi con cho bà ngoại ở Việt Nam trông giúp.
Ngày chị lên đường sang Trung Quốc con mới 5 tháng, giờ đây sau 3 tháng xa nhau con đã 8 tháng tuổi, bé trải qua hầu hết các bước lẫy, bò, trườn và đang tập ngồi. Nhìn con qua điện thoại đã có lúc chị không nhận ra đó là con trai mình vì con phát triển quá nhanh.
Chị Trúc Hương và con trai đầu.
Lên máy bay khóc nức nở vì xa con nhỏ
Theo lời chị Trúc Hương, sau khi quen và tìm hiểu với người đàn ông quốc tịch Trung Quốc được 2 năm thì chị tiến tới hôn nhân. Năm 2018 chị hạnh phúc đón bé trai đầu lòng và chỉ 9 tháng sau sinh do vỡ kế hoạch nên chị tiếp tục mang thai em bé thứ 2. Để thuận tiện cho việc nhập quốc tịch, chị đều sinh 2 con tại Trung Quốc.
Sinh bé Út Jin (bé thứ 2) được hai tháng thì cả gia đình cùng nhau qua Việt Nam. Đến ngày 15/12 âm lịch 2 vợ chồng chị cùng bé lớn về nước để đón Tết của người Trung. Theo dự tính chị sẽ ăn Tết nhà chồng 2 tuần, sau đó trở lại Phú Yên. Nghĩ vậy nên chị để bé Út Jin ở lại quê nhà cho ông bà ngoại chăm sóc.
Trong một lần về quê chồng ăn Tết chị đã không may phải ở lại cách ly do dịch viêm phổi bùng phát. Con trai thứ hai ở lại với bà ngoại.
Thế nhưng, khi vừa sang nhà chồng được 1 thời gian ngắn thì Trung Quốc bắt đầu công bố dịch toàn quốc. Tất cả các tỉnh đều có người mắc bệnh COVID-19 nên các khu vực đều được cách ly theo quy định, nước này bắt đầu đóng biên và phong tỏa trong các thành phố.
Vậy là bức tường ngăn cách của mẹ và con chị Hương đã được dựng lên, người mẹ trẻ ở lại Trung Quốc cùng chồng và con cả. Bé trai thứ hai tiếp tục được chăm sóc dưới bàn tay của ông bà.
Chị kể, ngày để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc, chị lưỡng lự rất nhiều, khi lên máy bay chị ngồi khóc như mưa, bởi từ ngày con lọt lòng chị chưa rời xa con nửa bước chân, đêm đến con lại nằm ngủ ngoan trong hơi ấm của mẹ.
Em bé 5 tháng tuổi chị không đem đi theo mà gửi bà ngoại trông giúp.
Những ngày đầu xa vòng tay mẹ, bé Út Jin khóc liên tục mấy ngày liền, nghe mẹ đẻ kể mỗi ngày, chị càng trở nên nôn nóng hơn. “Mình cứ nuôi hy vọng dịch sẽ chấm dứt nhanh. Nhưng một tháng, hai tháng rồi ba tháng trôi qua vẫn chưa thấy chấm dứt. Lúc mình đi thì con được 5 tháng, đến nay thì con được 8 tháng rồi. Chắc lúc mình về con đã biết đi, mình còn lo bé quên mặt ba mẹ nữa”, chị Hương nói.
Lo lắng là vậy nhưng chị vẫn cảm thấy vô cùng may mắn khi không đem theo em bé về Trung Quốc vì trẻ nhỏ hệ hô hấp cũng như sức đề kháng kém sẽ dễ nhiễm lạnh và dịch bệnh, nhất là thời điểm dịch đang bùng phát trên diện rộng.
Bà ngoại sụt 4kg vì chăm cháu
Để ông bà có thể yên tâm chăm sóc cho em bé mới vài tháng tuổi, chị Hương tìm mọi cách để có thể gửi hàng về nước. Tuy nhiên khi dịch bùng phát mọi cửa khẩu đều đóng biên, chị đành đứng nhìn bất lực.
Với bản năng của một người mẹ, chị bắt đầu lên trên các trang mạng của Việt Nam để tìm đặt mua hàng online sau đó chuyển tới nhà ông bà.
Gạt nước mắt chảy dài vì nỗi nhớ con, chị nói: “Mình lo ở trong nước cũng bị cách ly nên đã mua trữ rất nhiều đồ ăn cho ông bà và em bé. Những loại DHA, vitamin D, hay men vi sinh không thiếu thứ gì, liều lượng cách dùng như thế nào thì ngoại đều thuộc lòng cả rồi”.
Hình ảnh con thứ 2 được gửi bà ngoại lúc bé 5 tháng.
1 tháng sau khi xa con, gọi điện về cho ông bà và con trai, chị thấy con vỗ tay, lớn khôn mỗi ngày nên yên tâm hơn rất nhiều. Đó cũng là động lực để người mẹ trẻ vơi đi nỗi nhớ quê hương, nhớ con nhỏ và tiếp tục chờ hết dịch bệnh để sớm đoàn tụ với bé thơ.
Tâm sự về nỗi nhớ con, mẹ 9X cho hay: “Hiện tại tình hình dịch bên Trung cũng có chiều hướng tốt. Rất nhiều lần mình muốn về nước rồi cách ly nhưng nếu về với bé út thì còn bé cả ở bên này sẽ không ai chăm sóc, ăn uống. Lúc đó mình như đứng giữa đôi dòng nước vậy. Không về được nên đêm nào cũng 3 - 4 giờ sáng mình mới ngủ, thương con đến dứt ruột xong vẫn phải quyết tâm ở lại đợi đến ngày an toàn mới dám về”.
Qua cuộc gọi video chị nhìn đứa con bé bỏng của mình ngày nào giờ đây bụ bẫm, con biết lẫy, bò hoạt bát và đang tập ngồi một mình, chị Hương tự hào: “Nhờ công lao của bà ngoại đó, bà nuôi khéo hơn mẹ”.
Thấy con thay đổi đến bất ngờ là vậy song chị cũng xót xa vô cùng khi nhìn lại hình ảnh người mẹ đã sinh thành ra mình. Theo lời chị Hương, từ ngày chị để con cho bà ngoại chăm để sang Trung Quốc và bị cách ly chưa thể trở về thì một tay bà chăm em bé, do thức khuya dậy sớm tất bật nên bà ngoại đã sụt mất 4kg trong vòng chưa đầy 3 tháng,
“Trông ngoại gầy guộc vì thức đêm hôm chăm cháu mà tội. Đúng là cháu bà nội tội bà ngoại thật. Nhiều hôm gọi điện về, ngoại trêu: Không sinh không đẻ mà tầm này còn ôm con nhỏ” – 9X nói.
Vẫn trong dòng cảm xúc khi chia sẻ về bà ngoại năm nay đã bước sang tuổi 55, mẹ Phú Yên cho hay, bà chăm cháu rất kỹ, rất sạch sẽ, lại chịu khó. Ngày chị sinh em bé bà cũng một mình bay sang nước bạn để chăm con gái đẻ.
Chỉ sau 3 tháng mẹ con xa cách, con phát triển rất nhanh, chị vô cùng day dứt khi không thể ở bên con trong những chặng đường con phát triển.
3 tháng xa mẹ trôi qua, bé Jin từ một đứa trẻ chưa biết trườn bò và chủ yếu uống sữa công thức thì giờ đây con đã có thể ăn dặm và tự ngồi. “Tất cả các mốc lật, trườn, hay ngồi của con mình không được ở bên” – chị nói.
Đã 3 tháng nay chị Hương không nhận được bức hình mới nào của con vì bà ngoại không biết chụp. Ở bên nước bạn, người mẹ ấy vẫn đang đếm từng ngày để có thể về bên con trai bé bỏng được sớm nhất. Điều ước của chị Hương và cũng là điều ước của tất cả mọi người trên toàn thế giới là đại dịch chóng qua, các gia đình sẽ được đoàn tụ, nhất là với những hoàn cảnh mẹ xa con như chị Trúc Hương.