Ngày nay, nhiều bệnh viện cho người nhà sản phụ cùng vào phòng sinh và không ít bà mẹ chọn chồng làm người đồng hành cùng mình trong lúc “vượt cạn”. Tuy nhiên, nhiều ông chồng không những không thể an ủi, trấn an vợ trong thời khắc quan trọng đó ngược lại còn làm sản phụ "tăng xông" hoặc áp lực thêm. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây về chủ đề này hiện đang thu hút đông đảo sự chú ý.
Bà mẹ đăng tải tâm sự của mình trên Reddit cho biết cô 32 tuổi và chồng 34 tuổi vừa đón con đầu lòng cách đây vài ngày.
Bà mẹ mới sinh bức xúc vì cách hành xử thiếu suy nghĩ của chồng. (Ảnh minh họa)
Cô kể lại sự việc: "Chúng tôi đã ở trong phòng sinh cùng nhau, mọi thứ ban đầu diễn ra rất tốt đẹp. Mỗi khi tôi đau đớn, anh ấy đều ở bên cạnh động viên, chăm sóc. Sau đó, nữ y tá đã hỏi chúng tôi một vài câu hỏi về em bé để đánh lạc hướng, tránh cho tôi tập trung quá nhiều vào cơn đau.
Cô ấy nói chắc hẳn tôi vui lắm vì cuối cùng những ngày tháng thai kỳ mệt nhọc đã qua đi. Nghe vậy, chồng tôi đã nói: "Tôi cũng mệt, cô ấy khó tính lắm". Nữ y tá đã cố gắng thay đổi chủ đề nhưng tôi không thể bỏ qua câu nói đó. Tôi hỏi lại ý chồng là gì và anh ấy nói cảm thấy vui vì tình trạng thay đổi nội tiết tố của tôi đã kết thúc và tôi sẽ trở lại dễ chịu như xưa.
Nghe đến đấy, tôi thực sự quá tức giận rồi và yêu cầu chồng ra khỏi phòng sinh. Chồng tôi nói con anh đang sinh ra nên anh sẽ chẳng đi đâu cả. Cuối cùng tôi phải hét lên đuổi đi thì anh ta cũng nổi khùng, gọi tôi là đồ điên rồi bỏ đi. Sau đó, khi con gái chào đời thì anh ta cũng không quay lại. Mãi đến đêm muộn mới vào gặp con".
Hầu hết mọi bình luận phía dưới đều đứng về phía bà mẹ mới sinh, cho rằng người chồng đã thiếu tinh tế và nói một câu dễ khiến rạn nứt tình cảm vào đúng thời khắc nhạy cảm.
Một người nói: "Mang thai thật sự rất khó khăn nên bất kỳ người đàn ông nào không thể dành cho vợ sự tôn trọng thì cũng đáng bị như vậy".
"Ai cũng biết không dễ để chiều bà bầu nhưng câu nói ấy chẳng phù hợp khi cả hai đang trong phòng sinh và chuẩn bị đón con chào đời", một người khác bình luận.
Dân mạng chia thành hai phe sau khi đọc tâm sự của bà mẹ này. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng bà mẹ này đang làm quá vấn đề và người chồng không cố ý làm tổn thương cô. Việc cô đuổi anh ra khỏi phòng sinh là không nên vì cũng giống như phụ nữ, việc chứng kiến con mình chào đời cũng là sự kiện quan trọng trong cuộc sống của một người đàn ông.
Hiện câu chuyện vẫn đang thu hút nhiều sự chú ý và gây ra tranh cãi. Vậy những người như thế nào không nên cùng sản phụ vào phòng sinh để tránh trường hợp như trên?
1. Tính cách cục cằn, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân
Dù là mẹ hay chồng, nếu một trong hai bên có tính cách cục cằn, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân thì không nên cùng sản phụ vào phòng sinh. Xét cho cùng, sinh nở là một quá trình rất dài, cơn đau đẻ có thể khiến người mẹ không làm chủ được bản thân, có những hành vi quá khích, lời lẽ khó nghe. Nếu người đồng hành cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình thì hai bên rất dễ xảy ra cãi vã, gây ảnh hưởng tới việc sinh nở.
2. Thiếu tinh tế, không để ý đến cảm xúc của người mẹ
Nếu để thành viên có tâm lý như vậy cùng vào phòng sinh thì người đó không những không giảm bớt gánh nặng cho sản phụ mà còn tăng thêm áp lực tâm lý cho người mẹ. Suy cho cùng, mục đích cho người nhà sản phụ cùng vào phòng sinh không phải là để người ấy quan sát cách đứa trẻ chào đời mà là để chăm sóc, an ủi cảm xúc của người mẹ. Vì vậy, nếu người đồng hành chỉ chú ý tới đứa trẻ thì sẽ gây ra một cú sốc tâm lý nhất định cho sản phụ, đồng thời gây ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình sinh nở.
3. Sợ máu
Qúa trình sinh nở sẽ có rất nhiều máu, nên những người sợ máu không nên cùng sản phụ vào phòng sinh. Nếu cứ cố chấp đi vào thì người ấy rất dễ bị ngất xỉu. Lúc này, bác sĩ vừa phải chăm sóc cho người nhà sản phụ vừa phải đỡ đẻ, có thể làm tăng độ khó sinh.