Khi trưởng thành người ta thường không có khái niệm yêu thích một thứ gì đó rõ ràng nhưng với trẻ nhỏ thì khác hẳn, các bé thường có món đồ vật mà mình vô cùng yêu thích mặc dù nhiều khi đến bố mẹ cũng không thể hiểu được lý do vì sao con mình lại yêu quý món đồ đó như vậy. Việc này cũng không phải là xấu mà đem lại nhiều lợi ích cho bé, đơn giản như cảm giác an tâm nên bố mẹ cũng đừng quá lo lắng.
Một câu chuyện khá đáng yêu được chia sẻ trên mạng xã hội Malaysia cũng về chủ đề này được mọi người vô cùng quan tâm. Theo chia sẻ từ một giáo viên mẫu giáo có tên Aidil Papadil, khi đang tiến hành dạy học trong lớp thì cô phát hiện có một mùi hôi gì đó bốc lên khá khó chịu.
Chính vì thế cô đã đi kiểm tra tất cả các ba lô của học sinh trong lớp thì bất ngờ phát hiện quả đúng từ ba lô của một em học sinh 5 tuổi bốc ra thứ mùi khủng khiếp vậy. Cô giáo đã mở chiếc ba lô ra thì vô cùng kinh ngạc khi có một món đồ gì đó lạ lạ, khá bẩn và có mùi hôi khó chịu.
Ngay lập tức cô giáo cũng tìm được chủ nhân của món đồ lạ đó là một bé trai trong lớp. Ngay lập tức cô đã hỏi học sinh về món đồ đó và cậu bé cũng thừa nhận là của mình nhưng lại ôm chúng như một báu vật. Không chỉ thế, cậu bé còn hướng dẫn cô giáo và các bạn cách sử dụng món đồ đó như thế nào khiến cô không khỏi bật cười vì sự ngây thơ, đáng yêu.
Chị Aaina Shazwani Ajma'ain, 26 tuổi, mẹ của bé trai cho rằng không ngờ câu chuyện về báu vật của con trai lại được nhiều người quan tâm đến vậy. Bà mẹ giải thích đó là món đồ mà con trai chị vô cùng yêu thích từ hồi sơ sinh cho đến tận bây giờ lúc nào cũng mang theo bên mình. Thỉnh thoảng chị cũng giặt cho con trai nhưng cũng không thể tránh khỏi bị bẩn nên món đồ mới mang mùi hôi đến vậy.
Trong khi mọi người cảm thấy món đồ đó rất bẩn và có mùi khó chịu thì con trai chị lại không thấy vậy và yêu nó vô cùng, chị cũng không thể giải thích nổi. Và cũng nhờ có món đồ đó mà mỗi sáng con chị luôn cảm thấy an tâm khi đi học.
Thực tế không chỉ cậu nhóc có sở thích đặc biệt này mà nhiều đứa trẻ khác cũng có sở thích tương tự như thế. Mỗi đứa trẻ sẽ hình thành sự gắn kết với một thứ đồ mà bé có ấn tượng hoặc thích thú, chẳng hạn như gối ôm, chiếc mềnh hoặc quần áo, gấu bông, búp bê...
Vậy, lý do vì sao trẻ nhỏ thường có "vật bất ly thân" đồng hành bên cạnh?
Điều đặc biệt là, đối với trẻ nhỏ thì "vật bất ly thân" không chỉ là một thứ đồ đơn thuần, mà nó mang theo cả tình cảm và ý nghĩa lớn lao về mặt tâm lý.
Những lúc xa nhà, trẻ nhỏ rất dễ hình thành cảm giác lo lắng và sợ hãi trong môi trường mới, những nơi chưa từng biết đến. "Vật bất ly thân" trở thành nguồn sức mạnh, là người bạn đồng hành trung thành, luôn sẵn sàng để trao cho trẻ một sự an ủi và niềm tin. Nó như một "liều thuốc" giữ cho tâm hồn trẻ khỏi những lo lắng, bất an và mang đến cho trẻ cảm giác vô cùng quen thuộc, an lành.
Với trẻ, "vật bất ly thân" giống như biểu tượng của tình yêu và sự quan tâm, luôn đồng hành bên cạnh của gia đình dành cho mình. Nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, một món quà cực kỳ ý nghĩa và đáng trân trọng. Trẻ nhỏ luôn có niềm tin rằng "vật bất ly thân" sẽ mãi mãi ở bên cạnh chúng, là sự hiện diện thay thế cho bố mẹ hoặc người thân thiết mỗi khi họ không thể đồng hành cùng trẻ.
Mặc dù bên cạnh những mặt tích cực mà "vật bất ly thân" mang lại, giúp trẻ thêm tự tin, giảm căng thẳng, lo âu, nhưng việc quá phụ thuộc vào nó sẽ không tốt cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Về vấn đề này, bố mẹ cần có sự can thiệp và hướng dẫn cụ thể để không khiến con trẻ rơi vào những tình huống mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân.
Theo đó, bố mẹ nên phản ứng như thế nào cho phù hợp nếu phát hiện con có sự "tôn thờ" quá mức với một thứ đồ vật?
- Tạo sự thoái mái: Để giảm độ phụ thuộc quá mức vào vật bất ly thân, bố mẹ có thể dần giúp trẻ có những thay đổi nhỏ. Ví dụ, hạn chế thời gian sử dụng vật bất ly thân trong một số hoạt động nhất định hoặc đề xuất một sự thay thế như một trò chơi mới hoặc một vật phẩm khác. Quan trọng là thực hiện điều này một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn, để trẻ dần thích nghi và cảm thấy an toàn hơn.
- Xây dựng niềm tin và sự an toàn về tâm lý: Bố mẹ có thể tạo ra một môi trường ổn định và yêu thương, nơi trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Tăng cường xây dựng một mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ với trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm hơn, dần giảm sự gắn bó quá mức với vật bất ly thân của mình.
- Khám phá sở thích mới: Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ khám phá sở thích mới và đa dạng hóa các hoạt động. Điều này có thể bao gồm việc tham gia vào các hoạt động nhóm, tham gia các câu lạc bộ hoặc khám phá các sở thích khác. Bằng cách mở rộng lĩnh vực quan tâm của trẻ, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển sự đa dạng và giảm sự phụ thuộc vào một đồ vật cụ thể.
- Tạo sự tương tác xã hội: Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, chơi cùng bạn bè và tham gia các trò chơi nhóm. Việc tạo ra một môi trường xã hội tích cực và khuyến khích trẻ hòa nhập sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, và tìm thấy niềm vui từ sự tương tác với con người thay vì chỉ dựa vào một vật bất ly thân.
- Tìm hiểu nguyên nhân: Bố mẹ nên thảo luận và hiểu rõ nguyên nhân khiến con trẻ gắn bó quá mức với vật bất ly thân. Có thể có những sự thay đổi trong cuộc sống của trẻ, hoặc sự kiện cụ thể đã góp phần vào sự gắn bó này. Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân, bố mẹ có thể tìm cách giúp trẻ vượt qua và phát triển một cách lành mạnh.