1. Chỉ trích những thay đổi ngoại hình hay cảm xúc
Tuổi vị thành niên là độ tuổi xảy ra nhiều biến đổi hooc-môn nhất. Đây cũng là độ tuổi chứng kiến nhiều thay đổi về cả ngoại hình lẫn tâm lý nhất trong cuộc đời con người, và xu hướng dậy thì sớm đang ngày càng gia tăng.
Vì vậy, cha mẹ nên chấp nhận, thấu hiểu cho những biến đổi cảm xúc bất chợt của con, kể cả khi con "mít ướt" hay quá dễ xúc động và nhạy cảm.
Không nên trêu chọc trẻ vì những điều đó - trẻ có thể cảm thấy tổn thương. Tuyệt đối tránh trách móc hay phạt con trước mặt bạn của con. Điều đó sẽ khiến trẻ trở nên xa cách với cha mẹ hoặc không muốn nói chuyện với cha mẹ nữa. Hãy hỏi con một cách nhẹ nhàng. Tôn trọng những khó khăn mà con đang gặp phải.
Không mỉa mai hay nổi đóa với con - con có thể nhận ra sự coi thường của cha mẹ từ những chi tiết rất nhỏ như cái nhếch môi hay nhướn mày.
Trách móc hay mỉa mai con sẽ khiến trẻ trở nên xa cách với cha mẹ hoặc không muốn nói chuyện với cha mẹ nữa. Ảnh minh họa
2. Không tôn trọng không gian riêng của con
"Con không thích việc bố mẹ không cho con bất kỳ không gian cá nhân nào... Và con ghét cả việc bố mẹ không hề nghĩ rằng con cần có nó", Eleanor, 14 tuổi, chia sẻ.
Ngay cả khi con bạn ở chung phòng, hãy để cho chúng có một không gian riêng của mình, chẳng hạn như góc học tập riêng, tủ quần áo riêng... Điều đó cho trẻ thấy rằng bạn tôn trọng sự riêng tư của con, không kiểm soát không gian cá nhân của chúng, trừ khi có lý do để bạn tin rằng trẻ đang nói dối hay che giấu sai phạm gì đó nghiêm trọng.
3. Thường xuyên vắng mặt
Dù sống cùng nhà, ăn cùng bữa cơm và gặp nhau hàng ngày, nhiều cha/mẹ vẫn "vắng mặt" trong hành trình trưởng thành của con cái. Họ hoàn toàn phó mặc chuyện giáo dục con cho người còn lại.
Đặc biệt, giáo dục con cái là công việc cần sự tham gia của cả cha và mẹ. Theo Aboluowang, nếu cha ít tham gia vào sự phát triển của trẻ, bé trai có thể thiếu nam tính còn bé gái ngại tiếp xúc và không biết cách hòa hợp với người khác giới.
Không chỉ dành thời gian chơi với con, cả cha và mẹ nên tích cực tham gia vào việc giáo dục con. Việc làm này tăng sự gắn bó thân thiết, giúp con cảm nhận được sự yêu thương. Ngay cả khi không có nhiều thời gian, cha mẹ nên chủ động giao tiếp và lắng nghe con, có thể trực tiếp hoặc qua điện thoại, để con cảm nhận được sự quan tâm và ấm áp.
4. Va chạm thân thể một cách quá gần gũi đối với con
Có một sự thật cha mẹ phải chấp nhận là con cái đã đến lúc lớn. Con không còn bé bỏng như xưa về cả tâm hồn và thể chất để cha mẹ thoải mái ôm ấp, hôn, vuốt ve. Lúc này cha mẹ cần nhất phải tạo khoảng cách với con, nhất là giữa mẹ và con trai hay cha và con gái. Khoảng cách đó giúp các con biết giữ gìn thân thể, tránh sự va chạm với người bạn khác giới bởi cha mẹ chính là những người bạn khác giới đầu tiên của con.
5. Không lắng nghe con
"Con muốn tâm sự với bố mẹ mọi thứ. Nhưng con sợ bố mẹ sẽ la rầy con khi nghe chuyện đó", Keegan, 13 tuổi, cho hay.
Đôi khi con trẻ chỉ muốn có một người bạn để trải lòng tâm sự chứ không phải một "nhà tư vấn" giúp chúng giải quyết vấn đề. Chẳng hạn khi con trai than phiền rằng giáo viên trên lớp không công bằng hoặc thầy dạy bóng đá hơi khó tính, đừng vội nhảy ngay vào những lời khuyên khô khan hay can thiệp quá sâu. Thay vào đó hãy tiếp tục lắng nghe cảm xúc của con mình, gợi mở câu chuyện bằng cách hỏi những câu hỏi mở để con có thể thoải mái trút bỏ gánh nặng trong lòng. Khi tìm được sự đồng cảm từ người thân, trẻ sẽ tự biết cách vượt qua vấn đề của mình.
Ngay cả khi con bạn ở chung phòng, hãy để cho chúng có một không gian riêng của mình, chẳng hạn như góc học tập riêng, tủ quần áo riêng. Ảnh minh họa
6. Cãi nhau trước mặt con
Dù vợ chồng có mâu thuẫn thì cũng nên giải quyết riêng sau lưng con cái, đừng bao giờ để trẻ tận mắt chứng kiến 2 người mà chúng yêu thương nhất lại có thể buông ra những lời gây sát thương và có hành động bạo lực như vậy. Khi con cái bi quan về gia đình mình, chúng sẽ sợ hãi, mất niềm tin vào hôn nhân và vô số hệ lụy khác.
7. Chỉ trích khi con bị kiểm tra kém
"Con không dám nói với cha mẹ khi bị điểm kém vì con không muốn nghe cha mẹ nói rằng con đã làm họ thất vọng như thế nào. Có những lúc con cảm thấy rất nản, không muốn học nữa", Sam, 16 tuổi, bày tỏ.
Điểm số không nói lên tất cả, một bài kiểm tra thấp điểm không có nghĩa là sau này con trẻ không có cơ hội thành công trong cuộc sống. Thay vì áp đặt và chỉ trích, theo sát con với sự chân thành cho phép các bậc phụ huynh có cơ hội tìm ra và giúp con khắc phục nhược điểm trong quá trình học tập.
8. Nhận xét về bạn của con
Trong những năm tháng tuổi thiếu niên, các cô gái tuổi teen chuyển sự tập trung từ gia đình sang nhóm bạn bè. Nhóm này có thể làm những điều mà bạn không chấp nhận nhưng việc cha mẹ nhận xét tiêu cực về những người bạn của con là không hợp lý.
Nếu con chia sẻ cảm xúc của mình về người bạn với bố mẹ, hãy cố gắng đừng phản ứng thái quá hoặc chê bai người bạn đó. Hãy bình tĩnh thảo luận thay vì phán xét và chỉ trích, bởi điều đó sẽ khiến đứa trẻ lánh xa bạn và không muốn thảo luận một lần tiếp theo.
9. Đối xử không công bằng
"Con ghét chuyện bố mẹ luôn ra sức bênh vực cho thằng em. Ở tuổi nó, khi con chửi thề đã bị ăn đòn rồi trong khi nó nói thì bố mẹ không phản ứng gì cả", Henry, 13 tuổi, chia sẻ trong bức xúc.
Hãy nhớ rằng, con trẻ sẽ tôn trọng người lớn hơn nếu chúng thấy rằng bạn là một người biết xử sự công bằng trong mọi trường hợp. Ganh tỵ là bản tính của con trẻ, nhất là khi trẻ thấy rằng điều mình bức xúc là hoàn toàn hợp lý.