Hè đến trẻ dễ mắc căn bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề, cách phòng bệnh cực đơn giản tiếc là nhiều...

Theo các bác sĩ, để tránh cho trẻ dậy thì sớm, nên lựa chọn sữa cho trẻ uống phù hợp, làm sao giúp con duy trì mức cân nặng, tránh bị béo phì.

Bỏ sữa bò, cho con uống sữa hạt để kìm hãm dậy thì

Dậy thì sớm là hiện tượng dậy thì ở bé gái dưới 8 tuổi và bé trai dưới 9 tuổi. Bé gái dậy thì sớm có ngực to, chiều cao tăng nhanh, mọc lông... Ở trẻ nam, bé tăng nhanh kích thước cơ quan sinh dục, vỡ giọng, cao hơn các bạn cùng lứa...

Theo các bác sĩ, trẻ dậy thì sớm thường không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, nhưng dễ bị ảnh hưởng về chiều cao, tâm lý do các biểu hiện cơ thể có sự khác biệt so với bạn cùng tuổi, cộng với việc trẻ dễ bị lạm dụng hơn khi phải sống trong cơ thể người lớn mà tâm hồn còn non nớt. Chính vì điều này làm nhiều cha mẹ thường lo lắng, tìm mọi cách “kìm hãm” dậy thì sớm cho con.

Trẻ dậy thì sớm có thể chịu nhiều tác động về sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa.

Trẻ dậy thì sớm có thể chịu nhiều tác động về sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa.

Con gái thứ hai của vợ chồng chị Phan Yến Ngọc (ở TP Thủ Đức) hiện 8 tuổi, học lớp 2, cao 1m28, nặng 30kg, có sức khỏe bình thường. Điều chị lo lắng là, từ đầu năm học lớp 2, con gái thường xuyên kêu đau quanh vùng ngực. Quan sát kỹ, chị thấy vòng 1 của con đã bắt đầu phát triển nên sợ con dậy thì sớm. Đưa con đi khám, bé được bác sĩ chẩn đoán bình thường, chị Ngọc vẫn lo lắng.

“Con gái lớn của tôi bước sang 13 tuổi mới có biểu hiện tiền dậy thì. Còn bé thứ hai mới hơn 7 tuổi đã có dấu hiệu rồi”, chị Ngọc chia sẻ.

Chị Ngọc cho biết, con gái lớn của chị năm nay 16 tuổi, thường ngày thích ăn rau, trái cây và uống ít sữa. Vì vậy bé có cân nặng vừa đạt chuẩn, đến năm 15 tuổi mới bắt đầu dậy thì. Còn bé thứ hai lại thích ăn thức ăn nhanh, lười ăn rau và trái cây. Với sữa tươi và các chế phẩm từ sữa, bé có thể uống hay ăn lúc nào cũng được.

Cho rằng con gái thứ 2 có nguy cơ dậy thì sớm là do sữa, chị quyết định cắt hoàn toàn sữa tươi và các chế phẩm từ sữa, thay bằng sữa từ các loại hạt. Chị cũng ép con ăn nhiều rau, trái cây hơn.

Ngoài ra, chị còn cho con gái đi bơi tuần 3 lần, leo cầu thang bộ, chạy nhảy nhiều hơn để con không tăng cân, khỏe mạnh hơn. Nhờ vậy, hiện bé gái vẫn đang kiểm soát được dậy thì.

Sữa hạt và sữa bò loại nào tốt hơn?

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong một ly 250ml sữa bò nguyên chất có chứa 276mcg canxi, 205mcg photpho, 2,4g chất béo, 7g protein cùng các vitamin và khoáng chất khác. Do đó, sữa bò là thực phẩm bổ sung dưỡng chất hiệu quả. Đồng thời, cho trẻ uống sữa bò sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe như giúp xương và răng chắc khỏe, bảo vệ sức khỏe tim mạch và giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt.

Cả sữa bò và sữa hạt đều có các thành phần tốt cho sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa..

Cả sữa bò và sữa hạt đều có các thành phần tốt cho sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa..

Đối với sữa hạt, tùy vào từng loại hạt, đậu chế biến nên sữa, mà sữa hạt sẽ có các thành phần dinh dưỡng khác nhau. Trung bình trong 100ml sữa hạt chứa 15g chất đạm, 30g chất béo, chất xơ, cùng nhiều vitamin, khoáng chất có lợi như magie, sắt, kali, canxi, vitamin D và các axit béo rất tốt cho sức khỏe. Cho trẻ uống sữa hạt sẽ mang lại các lợi ích cho sức khỏe như dễ tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, tốt cho hệ tiêu hóa.

Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, sữa bò hay sữa hạt đều có những mặt lợi ích nổi trội và các điểm hạn chế riêng đối với trẻ. Không phải tự nhiên mà sữa bò lại được nhiều bố mẹ lựa chọn để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số lo ngại về việc sữa bò chứa vi khuẩn E.coli hoặc tình trạng trẻ không dung nạp lactose.

Tương tự, sữa hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng calo thấp và được đánh giá cao về đa dạng hương vị. Nhưng nó vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ sức khỏe cho trẻ dị ứng với hạt hay thành phần protein trong một số loại sữa hạt là dạng protein không hoàn chỉnh vì thiếu một số axit amin cần thiết cho cơ thể, dễ gây nên hiện tượng khó hấp thu ở trẻ.

Trẻ dậy thì sớm không phải do uống sữa

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trẻ dậy thì sớm hơn chịu tác động của nhiều yếu tố, nhưng cho đến nay, nguyên nhân chính vẫn là vô căn.

Béo phì là một trong những lý do khiến trẻ dậy thì sớm. Ảnh minh họa.

Béo phì là một trong những lý do khiến trẻ dậy thì sớm. Ảnh minh họa.

Yếu tố có thể ảnh hưởng đến dậy thì sớm của trẻ là béo phì. Trẻ bị béo phì là do vấn đề dinh dưỡng, lười vận động gây nên. Bác sĩ Hậu lý giải, hiện nay số lượng thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp, thức ăn có chứa chất tăng trưởng quá nhiều. Khi trẻ ăn phải thức ăn này, kết hợp với các nguyên liệu chế biến có sử dụng các hormone tăng trưởng sẽ dễ khiến trẻ bị béo phì và sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nội tiết. “Đây mới chính là nguyên nhân khiến trẻ béo phì, từ đó dễ bị dậy thì sớm”, bác sĩ Hậu khuyến cáo.

Bác sĩ Hậu khẳng định, trẻ dậy thì sớm không phải do uống bất cứ loại sữa nào cả. Bỏ sữa bò cho con uống sữa hạt cũng không thể kìm hãm dậy thì nếu không giải quyết vấn đề béo phì cho con. Vị bác sĩ giải thích, vốn dĩ sữa dễ trở thành yếu tố gây béo phì ở trẻ là do trẻ dưới 1 tuổi, sữa là thức ăn chủ yếu, rất nhiều dinh dưỡng. Trên 1 tuổi, trẻ vẫn cần duy trì 400-500ml sữa hoặc chế phẩm sữa mỗi ngày, để đảm bảo đủ canxi giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa.

Khi trẻ 2 tuổi, cấu trúc não đạt 80% so với người lớn, nhu cầu chất béo không nhiều như trước. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cho trẻ uống sữa nguyên kem, sữa nhiều đường với số lượng lớn. Từ đó, trẻ dễ dàng bị dư cân, béo phì. “Lỗi không phải tại sữa, mà do cha mẹ đã cho con uống sữa không đúng”, bác sĩ Hậu kết luận.

Bác sĩ Hậu cũng cho rằng, nhiều phụ huynh thấy con béo phì, hay thấy con có các dấu hiệu dậy thì đã tự ý cắt sữa của con là điều không nên. Tốt nhất, cha mẹ nên chọn sữa phù hợp cho con chứ không phải cắt hoàn toàn một loại sữa nào đó.

Theo bác sĩ Hậu, nếu phát hiện con có các biểu hiện của thừa cân so với chiều cao, cân nặng của tuổi, cha mẹ có thể giúp con tránh dậy thì sớm bằng cách ngăn con béo phì. Việc này có thể thực hiện bằng cách, cha mẹ hãy lựa chọn loại sữa, thực phẩm phù hợp cho trẻ, nhưng phải làm sao vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển chiều cao, thể chất và trí não cũng như tăng sức để kháng tốt.

Ngoài ra, hãy cho trẻ vận động nhiều hơn bằng các môn như bơi lội, đá bóng, đánh cầu lông, leo cầu thang, vui chơi… nhiều hơn để trẻ ra nhiều mồ hôi, từ đó sẽ giảm được cân nặng và rèn luyện sức khỏe tốt.    

Con gái 2 tuổi có dấu hiệu này trên cơ thể, mẹ chẩn đoán dậy thì sớm khiến bác sĩ phải nhắc một điều