Trẻ đến trường đi học, bố mẹ nửa mừng nửa lo. Mừng vì con bước vào hành trình mới với những bài học bổ ích từ thầy cô, tích luỹ kiến thức để phát triển ngày càng toàn diện hơn. Nhưng cũng lo lắng vì không biết ở trường vắng bố mẹ bên cạnh, con có khoẻ và vui không. Nếu chẳng may con rơi vào tình huống là nạn nhân của bạo lực học đường thì điều này sẽ càng khiến bố mẹ rất đau lòng.
Dạo gần đây trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ những hình ảnh được trích xuất từ camera ở một ngôi trường tiểu học (Trung Quốc) liên quan đến vấn đề bạo lực học đường. Trong đó, một người đàn ông đã có hành vi tác động vật lý dã man cậu bé học sinh 9 tuổi. Điều này đã tạo nên làn sóng lên án gay gắt từ cư dân mạng.
Tuy nhiên điều đáng chú ý là sau khi sự thật về tình huống trên được phơi bày, đã có 2 luồng ý kiến khác nhau tranh cãi nảy lửa giữa các bậc phụ huynh với nhau. Một bộ phận lên tiếng bênh vực, cảm thông cho hành động của người đàn ông trong hình. Bộ phận còn lại bày tỏ sự không đồng tình, phẫn nộ trước cách giải quyết bằng bạo lực của ông.
Theo đó cụ thể câu chuyện như sau, cậu bé bị đánh là nhân vật nổi tiếng chuyên đi bắt nạt bạn cùng tuổi trong trường. Cậu bé thường xin tiền tiêu vặt của các học sinh khác và sẽ hăm doạ, dùng vũ lực nếu họ không đưa. Con gái của người đàn ông cũng không may mắn khi trở thành mục tiêu bị nam sinh này bắt nạt lâu dài.
Cô con gái đã nhiều lần tâm sự với bố rằng mình bị bạn bắt nạt ở trường, người đàn ông sau đó cũng đã nhiều lần báo cáo vụ việc với nhà trường và bố mẹ cậu bé. Ban đầu, bố mẹ đứa trẻ đã đến trường để giải quyết sự việc. Sau nhiều lần liên lạc, hòa giải, bố mẹ nam sinh đã xin lỗi gia đình người đàn ông và đưa ra lời bảo đảm trước mặt cả lớp.
Bố mẹ cậu bé cho biết họ sẽ trả lại toàn bộ số tiền tiêu vặt mà con đã lấy từ các bạn, và sẽ kỷ luật con thật tốt. Họ cũng yêu cầu con trai phải xin lỗi bạn bị bắt nạt. Tuy nhiên điều không ngờ đến là cách một khoảng thời gian sau, cậu bé lại tiếp tục "chứng nào tật nấy".
Vì quá tức giận, không thể kiềm chế được cảm xúc khi thấy con gái bị bạn ăn hiếp. Ông bố này đã tự xử lý theo cách riêng của mình, lập tức đến trường "trả thù" cho con gái. Đó là toàn bộ đầu đuôi câu chuyện dẫn đến tình huống một học sinh nam bị người đàn ông lạ đánh ngay trước cổng trường. Vụ việc vẫn đang gây xôn xao dư luận xứ Trung mấy ngày vừa qua, và đang được giải quyết nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Là bố mẹ, dĩ nhiên ai cũng không mong muốn con cái của mình rơi vào hoàn cảnh bị bắt nạt, trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, hoặc thậm chí là đối tượng bắt nạt người khác. Vì điều này hoàn toàn không mang lại lợi ích gì mà chỉ dẫn đến vô số hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống và tâm sinh lý của trẻ, cản trở sự phát triển lành mạnh của các con trong tương lai.
Để bảo vệ và ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra với con trẻ, bố mẹ cần lưu ý gì?
- Xây dựng một môi trường gia đình ủng hộ: Tạo ra một môi trường gia đình yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ là quan trọng để con trẻ cảm thấy an toàn, tự tin. Bố mẹ nên tạo ra một không gian, nơi con trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm, lo lắng và nỗi sợ của mình mà không dè chừng vì bị phê phán hay trừng phạt.
- Xây dựng kỹ năng xã hội và giải quyết xung đột: Hỗ trợ con trẻ phát triển kỹ năng xã hội để xây dựng mối quan hệ tốt với người khác, và giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Điều này bao gồm việc hướng dẫn trẻ cách giao tiếp, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, cũng như khuyến khích trẻ tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn khi cần thiết.
- Giáo dục về sự đa dạng và tôn trọng: Hướng dẫn trẻ về sự đa dạng và khuyến khích thái độ tôn trọng đối với những người khác, bất kể họ khác biệt về ngoại hình, năng lực hay quan điểm. Bố mẹ có thể truyền đạt giá trị tôn trọng và đối xử công bằng bằng cách làm gương, đảm bảo rằng môi trường gia đình không chứa đựng bạo lực, phân biệt hay đánh đồng người khác.
- Giám sát và tham gia vào cuộc sống học đường của con: Theo dõi tiến bộ học tập và quá trình tham gia hoạt động xã hội của con trẻ trong môi trường học đường. Tích cực góp mặt vào các hoạt động của trường, gặp gỡ giáo viên và quan tâm đến quan hệ bạn bè của con trẻ sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan về tình hình học đường của con, từ đó dễ dàng phát hiện các dấu hiệu bạo lực hoặc hành vi không tốt.
- Khuyến khích con trẻ báo cáo và tìm kiếm sự trợ giúp: Hướng dẫn trẻ về tầm quan trọng của việc báo cáo bất kỳ hành vi bạo lực hoặc bất lợi nào mà con chứng kiến hoặc trải qua. Tạo ra một môi trường an toàn và tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình, và khuyến khích con tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn như giáo viên, cố vấn hoặc bố mẹ.
- Hợp tác với trường học: Tìm hiểu chính sách và quy trình của trường học liên quan đến việc ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường. Hợp tác với giáo viên và nhân viên trường để đảm bảo rằng, các biện pháp phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường được thực thi một cách hiệu quả. Bố mẹ có thể tham gia vào các cuộc họp phụ huynh, gửi thư cho nhà trường hoặc tham gia vào các chương trình và hoạt động liên quan đến an toàn học đường.
Ảnh minh hoạ
Đâu là những biểu hiện của trẻ bố mẹ cần kịp thời nhận biết con đang bị bạo lực học đường?
- Thay đổi trong hành vi và tâm trạng: Con trẻ có thể thể hiện những thay đổi rõ rệt trong hành vi và tâm trạng. Điều này bao gồm các trạng thái như trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, tức giận, hoặc trở nên cô đơn và thu mình lại.
- Thay đổi trong hành vi học tập: Nếu trẻ trước đây có thành tích học tập tốt mà bất ngờ giảm sút, hoặc có sự suy giảm đáng kể trong khả năng tập trung và tham gia vào hoạt động học tập, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bạo lực học đường.
- Thay đổi trong quan hệ xã hội: Trẻ có thể thay đổi cách tương tác với bạn bè đồng trang lứa, trở nên cô đơn, rụt rè, tránh xa bạn bè hoặc không muốn tham gia vào các hoạt động nhóm.
- Thay đổi về cơ thể: Trẻ có thể có những biểu hiện về sức khỏe như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, thay đổi về khẩu vị ăn uống, giấc ngủ bị ảnh hưởng, hoặc có dấu tích về những tổn thương trên cơ thể.
- Thường xuyên mất đồ cá nhân: Trẻ thường bị mất đồ cá nhân như sách vở, đồ chơi, tiến hoặc quần áo một cách bất thường, có thể là do bị đánh cắp hoặc bị bắt nạt.
- Không có hứng thú, sợ hãi và trốn tránh việc đi học: Nếu trẻ thường xuyên tìm cách trốn tránh, đối phó với việc đến trường học bằng cách giả bệnh, trốn học, hoặc bày tỏ sự không thích, không muốn đi học, đây cũng là biểu hiện điển hình khi trẻ đang gặp vấn đề liên quan đến bạo lực học đường mà bố mẹ cần lưu ý.