Tại SEA Games 31, vận động viên Phan Hiển cùng bạn nhảy của mình - vận động viên Đặng Thu Hương đã lập “kỷ lục” cho Đội tuyển Khiêu vũ thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 bằng cú "hattrick" Huy chương Vàng ở cả 3 nội dung mà cặp vận động viên này tham gia.
Được biết để có được thành công này, vận động viên Thu Hương đã gặp rất nhiều khó khăn và hy sinh rất nhiều, nhất là khoảng thời gian mang bầu và sau sinh con trai. Chị phải dừng luyện tập suốt gần 1 năm khi mang bầu con và sau sinh con 1 năm chị phải thường xuyên xa con để theo đuổi niềm đam mê của mình.
Vận động viên Đặng Thu Hương và Phan Hiển tại SEA Games 31.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của vận động viên Đặng Thu Hương về những kỷ niệm khi mang bầu và đi sinh bé Coca của mình!
Tại SEA Games 31 vừa qua, chị Thu Hương lập hat-trick 3 huy chương vàng, chị có hài lòng với thành tích mình đạt được?
Trước đó mục tiêu của mình chỉ có 2 huy chương vàng thôi bởi các đối thủ cũng rất là mạnh. Khi đạt được 3 huy chương vàng thì mình rất là vui, đồng đội của mình cũng vậy.
Được biết để theo đuổi niềm đam mê với dancesport chị phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, thời gian đầu bắt đầu cuộc sống làm mẹ đơn thân, chị gặp khó khăn như thế nào?
Mình bắt đầu luyện tập khi bé được 1 tuổi, hay phải bay đi bay vào Sài Gòn tập luyện, bé ở nhà với bà ngoại. Bà hỗ trợ mình nhiều lắm để có thể yên tâm công tác. Tuy nhiên bé còn nhỏ nên mình phải thường xuyên liên lạc nhắc nhở bà cho bé ăn gì để đầy đủ dinh dưỡng cho con thời kỳ phát triển đó.
Rồi sát SEA Games, mình đi du học 2 tháng ở nước ngoài, với người bình thường điều đó là đơn giản như đi chơi nhưng với mình không như vậy vì mình xa gia đình, bước vào chế độ luyện tập vô cùng hà khắc mà những vận động viên bình thường không thi đấu đỉnh cao khó có thể theo được buổi tập luyện đó.
Với dancesport nếu để tập để vui, chơi thì đúng là một bộ môn giải trí nhưng tập thi đấu chuyên nghiệp thì cũng giống bộ môn khác như bóng đá, cầu lông,… chấn thương thường gặp là phần lưng, cổ chân, đầu gối. Mình hay gặp chấn thương đó và thường xuyên phải vật lý trị liệu.
Mình bị chấn thương nghiêm trọng nhất đó là bị rạn xương ngón cái ở chân phải nghỉ đi trên giày cao gót một năm. Còn vừa rồi trong 2 tháng luyện tập ở nước ngoài mình có chấn thương dây chằng đầu gối rất đau nhưng vẫn phải tập luyện liên tục chứ không nghỉ được. (Cười)
Chị Hương hiện đang làm mẹ đơn thân.
Theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp, không biết bé Coca đến có nằm trong kế hoạch của chị và chồng cũ?
Bé Coca đến với mình vào năm 2018 khi mình và ba bé vừa kết thúc Đại hội Thể thao năm 2018 xong và có nhiều kế hoạch cho năm 2019. Mình phát hiện bé đến vào đúng ngày mình đi khám bệnh về tuyến giáp định kỳ. Mình hơi bất ngờ, sốc, không chuẩn bị tâm lý gì cả vì trước đó dùng các biện pháp tránh thai nhưng bằng cách nào đó bé vẫn đến. Tuy nhiên, sau một vài phút định thần mình cảm thấy dù đó là tin sốc nhưng vẫn vui và hạnh phúc. Sau đó, mình thông báo với ba bé.
Phải nói mọi quyết định của mình đều có sự chuẩn bị từ trước nhưng chỉ có riêng Coca là nằm ngoài kế hoạch, chính vì vậy mình cũng rất lo lắng, không biết làm mẹ sẽ như thế nào. (Cười)
Bị bệnh về tuyến giáp lại mang bầu, chị có gặp nhiều khó khăn?
Bác sĩ ngay khi biết mình có bầu đã khuyên mình rất nhiều rằng không nên giữ em bé vì mình bị tuyến giáp, thời kỳ có bầu vẫn phải uống thuốc. Nếu mình dừng uống thuốc thì sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, sức khỏe của mẹ còn uống thuốc thì sẽ như thuốc độc dành cho con. Lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều, và quyết định giữ bé nên dừng uống thuốc trong suốt khoảng thời gian mang bầu.
Việc dừng uống thuốc cũng có ảnh hưởng sức khỏe của mình nhưng không ảnh hưởng nặng nề lắm. Mình luôn cảm thấy mệt mỏi, bực dọc, cáu gắt vì hormon tuyến giáp lên cao làm cơ thể bị mệt mỏi. Thế nhưng mình biết đó là do tác dụng phụ của việc không uống thuốc điều trị nên có thể kiểm soát điều chỉnh tâm lý của bản thân.
Bé Coca đến không nằm trong kế hoạch của chị.
Mang bầu ảnh hưởng như thế nào đến quá trình luyện tập của chị?
Mang bầu mình không thể tập luyện được, mình chỉ đảm bảo đi dạy dancesport thôi. Mỗi tối mình dạy 2-3 tiếng, có hôm dạy 4 tiếng rất mệt, chưa kể thứ 7, chủ nhật dạy 6-7 tiếng. Đó là khối lượng rất nặng với bà bầu. Có những hôm 11h mình mới dạy xong và mình dạy đến tận hôm đi sinh. Mình đi dạy 3 tiết xong mới đi sinh bé. (Cười)
Chị tăng bao nhiêu kg trong thai kỳ? Là một vận động viên chị áp dụng chế độ dinh dưỡng khi bầu bí ra sao?
Mình tăng 15kg, không tăng nhiều vì do bệnh của mình là tuyến giáp không tăng cân nhiều. Thực phẩm mình ăn là dầu mỡ thực vật không ăn động vật, không ăn nhiều tinh bột, mỗi bữa chỉ ăn nửa bát cơm thôi và chủ yếu ăn rau thịt cá trứng. Mình cũng thường xuyên xay hạt làm ngũ cốc uống như hạt đậu xanh, đậu nành, mè nên mình vẫn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe mà không bị tăng cân nhiều.
Đi dạy đến tận lúc sinh, chắc hẳn ngày đi sinh của chị có rất nhiều kỷ niệm?
Mình mang bầu đến tháng thứ 8 bác sĩ vẫn khuyên nên sinh thường và mình cũng muốn như vậy. Bác sĩ nói mình có thể sinh thường được nhưng vẫn phải lựa sức khỏe thời điểm sinh. Thế nhưng khi mang bầu đến tuần 39 đi khám thai, bác sĩ nói với mình “Thôi cháu phải mổ ngay lập tức đi”. Nghe đến đó mình chảy 2 hàng nước mắt luôn vì bất ngờ không có sự chuẩn bị gì. Mình vừa đi dạy về xong đi khám thì bác sĩ bắt cóc ở lại luôn, cho lên bàn mổ. Mình chỉ kịp báo với mọi người ở nhà “Thôi con vào đi đẻ đây”. May mắn mình kịp chuẩn bị giỏ đồ đi sinh trước đó rồi nên mọi người chỉ xách đồ đến thôi.
Sau khi mổ xong, bác sĩ chỉ kịp giơ đúng đầu em bé bảo mình “đây nhé con trai” rồi đi luôn khiến mình chưa kịp nhìn định thần. Mình nằm đó để bác sĩ khâu rồi được chuyển về phòng hậu phẫu 1 tiếng. Ở đó mọi người ngủ nhưng mình không thể ngủ được vì không biết con mình ra sao. Mình vừa khóc vừa tủi thân.
Mình có bệnh đặc biệt nên bác sĩ tách mẹ và con. Bác sĩ bảo phải khỏe mới cho gặp con nên mình đã quyết tâm phải tập đi thật nhanh và 24h sau sinh mổ mình đã đi lại được bình thường khiến bác sĩ rất choáng. Và sau 2 ngày mình được gặp con. Bé Coca chào đời nặng 3kg.
Bé chào đời nặng 3kg.
Tăng 15kg khi mang bầu, việc lấy lại vóc dáng sau sinh của chị mất bao lâu?
Từ khi bầu đến sau sinh mình tập nhẹ những bài tập yoga để cơ tăng đàn hồi. Mỗi ngày mình tập 2 lần sáng tối. Bên cạnh đó, mình dùng dầu xoa hạn chế rạn da, tăng đàn hồi collagen cho da, mát xa cơ thể bằng nước ấm cho cơ thể dễ chịu, làm da tăng lại cảm giác.
Bên cạnh đó, mình cố gắng ăn ngủ điều độ. Mình quyết định tìm phương pháp EASY rèn con và mình theo EASY nửa mùa, theo dõi cữ ngủ và ăn theo giờ của con để thoải mái, không bỡ ngỡ trong việc chăm con. Và sau sinh 2 tháng là mình lấy lại vóc dáng về cân cũ 43kg.
Nhiều vận động viên sau sinh đã trở lại guồng quay tập luyện sớm, chị có vậy không?
Mình có, sau sinh 2 tháng mình bắt đầu tập luyện lại nhưng vẫn cảm thấy bị chóng mặt, choáng váng lắm nên mình giảm cường độ lại, tập luyện nhẹ thôi. Vết mổ của mình 5-6 tháng sau sinh mới bắt đầu cảm nhận da bình thường được. Thời gian đầu mình tập với Phan Hiển, những động tác uốn mình về sau vẫn còn cảm nhận đau ở vết mổ.
Sau 2 tháng sinh con chị đã về cân nặng 43kg và trở lại với luyện tập nhẹ.
Bé Coca là nguồn động viên như thế nào đối với chị trong suốt thời gian luyện tập vất vả để có được trái ngọt ngày hôm nay?
Bé thường xuyên gọi điện cho mình và nói “mẹ Hương cố lên nhé”. Trước khi thi thì nói “Con chúc mẹ Hương đi tốt”.
Mình hay nói “mẹ đi làm kiếm tiền nhé”, bé lại bảo “Mẹ ơi, mẹ đi kiếm tiền nhé”. Rồi khi mình hỏi “Mẹ kiếm tiền làm gì?” thì bạn nói “Mẹ Hương đi làm kiếm tiền mua Hamburger cho Coca nhé”. (Cười)
Những câu nói đáng yêu vậy của con khích lệ tinh thần của mình nhiều vì dancesport không chỉ là niềm đam mê mà còn là sự nghiệp, công việc của mình nữa nên mẹ đang đi làm thật chứ không phải mẹ đang đi nhảy nhót vì đam mê.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!