Năm 2018, đám cưới giữa Adonis Nguyễn Ngọc Dũng (Tú Lơ Khơ) và Hoàng Hải Yến (Irene Hoàng) nhận được nhiều chú ý. Chàng là doanh nhân trẻ gặt hái được nhiều thành công trong và ngoài nước, được mệnh danh là "nam thần chuyển giới" hoạt động năng nổ trong các phòng trào tôn vinh quyền bình đẳng giới cho cộng đồng LGBT. Nàng là nữ giám đốc tài hoa, được công nhận là triệu phú từ năm 2008.
Irene Hoàng lớn hơn ông xã 21 tuổi, từng lập gia đình và có một cô con gái tên Kitty. Ở tuổi 51, cô quyết định cùng chồng sinh thêm con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Cả hai đã có sự chuẩn bị từ 3 năm trước và viên mãn chào đón cặp sinh đôi nam nữ vào tháng 11/2021.
Tổ ấm của Adonis Nguyễn Ngọc Dũng (Tú Lơ Khơ) và Hoàng Hải Yến (Irene Hoàng).
Quyết định có con sinh đôi ở tuổi 51, chị đã chuẩn bị tâm lý và sức khoẻ như thế nào? Điều gì làm chị lo lắng nhất?
Quyết định có con ở tuổi 51, mình đã nghiên cứu rất kỹ và biết là khoa học bây giờ đã rất phát triển, có nhiều bà mẹ cũng sinh có ở độ tuổi 50 - 55, thậm chí 56, 57. Để chuẩn bị cho việc sinh con, mình cần có sức khoẻ tốt, các chế độ ăn uống, tập thể dục, chăm sóc bản thân đầy đủ.
Từ năm 2018, hai vợ chồng đã qua Thái Lan để kiểm tra sức khoẻ. Sau đó mình thực hiện các liệu pháp như thải độc, bổ sung vitamin và khoáng chất rồi kiểm tra lại cân bằng hóoc-môn để khẳng định cơ thể của mình đủ điều kiện mang thai và sinh con. Rất may mắn là ở tuổi 51, tuổi về sinh học của mình rất tốt. Các bác sĩ đánh giá mình có sức khoẻ như ở tuổi 30.
Vợ chồng mình quyết định có con thông qua phương pháp IVF. Mình cũng lo lắng là mình không may mắn, phải thử đi thử lại nhiều lần khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua, vì mình luôn tin tưởng vào khoa học và các bác sĩ. Khi mà các bác sĩ nhận xét sức khoẻ mình đạt chuẩn và mình có sự chuẩn bị tốt, bổ sung dinh dưỡng tốt thì sẽ có kết quả tốt thôi.
Cặp đôi hạnh phúc đón chào con sinh đôi vào tháng 11/2021.
Nhiều trẻ có tâm lý ghen tỵ hoặc sợ bị ra rìa khi có thêm em. Kitty thì sao? Chị đã chuẩn bị tâm lý cho Kitty làm chị như thế nào?
Mình rất hiểu điều này. Trước khi mình mang thai, có một thời gian Kitty luôn "đòi" ba mẹ sinh thêm em bé. Con nói: "Mẹ ơi, con muốn có nhiều em bé để con chơi” và rất hào hứng trong việc có thêm em. Con còn lên mạng và tìm kiếm về các cặp sinh đôi cũng như những gia đình đông con cho mẹ xem, cảm thấy buồn khi chỉ có một mình.
Đến lúc chuẩn bị mang thai, mình tâm sự với Kitty là sắp tới mẹ có bầu nên Kitty phải ngoan, tự giác học, chuẩn bị đồ cá nhân, không dựa vào mẹ nữa. Lúc đó cô bé bắt đầu buồn buồn và bảo với mẹ: “Mẹ ơi, con không muốn mẹ có em bé nữa. Con lúc nào cũng muốn con là người nhỏ nhất ở trong nhà". Khi nghe con nói như vậy, mình phải chia sẻ gần gũi với con hơn. Mình cho con biết mẹ lúc nào cũng yêu Kitty nhất và lúc nào Kitty cũng là em bé ngoan, bé bỏng của mẹ. Mẹ có thêm em bé không có nghĩa là mẹ không còn yêu Kitty nữa, mẹ vẫn yêu Kitty, chỉ là gia đình mình sẽ vui hơn vì các em chắc chắn vô cùng dễ thương.
Mình cũng cho Kitty biết con thế giúp mẹ chăm sóc và chơi cùng em bé, dạy các em nói tiếng Anh vì mẹ phát âm không chuẩn bằng Kitty. Khi nói đến những điều đó, mình an ủi, đồng cảm và chia sẻ rất nhiều nên con cảm thấy vô cùng hào hứng.
Kitty có lẽ đã trưởng thành hơn nhiều sau khi làm chị?
Khi biết tin mẹ phải vào viện 4 ngày để tiêm hình thành phôi cho cặp sinh đôi, Kitty vẫn phụng phịu vì không muốn mẹ đi lâu như thế. Từ trước đến nay, mình ít khi xa Kitty lắm, dù có công tác nước ngoài mình vẫn đưa con đi cùng. Trước giờ ngủ, mẹ phải sang phòng đọc truyện và tâm sự cùng con rồi mới ngủ.
Đây là lần đầu tiên Kitty xa mẹ lâu đến thế. Mình nói chính xác cho con biết mẹ đi bao nhiêu ngày và giải thích cho con hiểu mẹ cần đi để chăm sóc em bé, em bé khoẻ thì mẹ lại về. Kitty hiểu và chấp nhận việc xa mẹ. Trong khoảng thời gian đó, con đã làm quen với việc ngủ một mình một phòng riêng.
Kitty là người chị như thế nào? Con hỗ trợ mẹ chăm sóc các em ra sao?
Ồ phải nói Kitty là một người chị tuyệt vời. Tháng đầu tiên, con chưa được gặp em vì cả mẹ và hai em đều ở bệnh viện. Đến khi về nhà, phòng của hai em ở cạnh phòng Kitty nên con rất quan tâm. Môi khi nghe tiếng em khóc là Kitty lập tức chạy sang xem rồi là nhắn tin cho mẹ: "Mẹ ơi, em Money khóc, em Rubby khóc", rồi em khóc bé hay là khóc to, khóc nhiều hay khóc ít.
Đến khi 2 em bé lớn dần lên, Kitty bắt đầu quen dần và bắt đầu chơi với em bé. Con dỗ em rất giỏi. Khi Money và Ruby đang khóc lớn, Kitty chỉ cần cầm cái con chút chít nhảy nhót là các em nín luôn. Chị Kitty phải dùng nhiều phương pháp, ví dụ như đẩy nôi đi vòng quanh nhà để em bé nín rồi chơi bóng với em bé. Kitty rất yêu em, đi đâu về cũng lập tức chạy vào phòng em, cũng không quên đeo khẩu trang này, tiệt trùng tay sạch sẽ mới chơi cùng em. Vì 2 em đang theo chương trình giáo dục sớm nên Kitty còn có nhiệm vụ kể chuyện, đọc truyện bằng tiếng Anh cho 2 em.
Chị chia sẻ về mối quan hệ của ông xã và con riêng của vợ nhé, nhất là sau khi gia đình mình có thêm thành viên mới?
Về mối quan hệ thì ngay từ đầu Adonis đã rất thân thiện với bé Kitty và ngược lại Kitty cũng rất quý Adonis. Lúc mà 2 vợ chồng mới kết hôn, cô ấy còn thậm chí còn thích ngủ chung với cả mẹ và ba nữa cơ. Về sau là mình mới huấn luyện cho con ra nằm phòng riêng.
2 ba con rất quấn quýt chơi với nhau, quay tiktok, nói chuyện trao đổi,... Adonis là một người đàn ông có xu hướng rất nghiêm khắc với con. Chính vì vậy từ khi Kitty chuyển ra ở với ba mẹ thì con cũng ngoan hẳn lên. Trước đây, vì cháu học tiếng Anh từ bé nên nói tiếng Việt hay bị nói trống không. Về sau Adonis kiên trì dạy con từ việc gặp người lớn phải chào, nói cảm ơn, xin lỗi,... Kitty đã hiểu hơn và rất nghe lời ba. Ngay cả trường Kitty đang học, Adonis cũng là người đi tham khảo tất cả các trường quốc tế tại Hà Nội, để tìm ra ngôi trường tốt nhất và xin cho con vào học. Có thể nói, mình rất hài lòng khi Adonis có thể dạy được con riêng, dạy được bé Kitty ngoan ngoãn và lễ phép. Đó cũng chính là niềm hạnh phúc của một người mẹ.
Trở lại làm mẹ bỉm sữa sau nhiều năm, chị có trải qua khó khăn hay kỷ niệm nào đáng nhớ trong thời gian chăm sóc con nhỏ?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là giai đoạn các con nằm trong lồng kính. Vì sinh sớm nên các con rất nhỏ và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, viêm nhiễm,... Khi đó, cháu gái Ruby được 1,56kg và cháu Money được 1,76kg. Lúc đầu các cháu phải thở máy, sau đó thở oxi nhẹ rồi cuối cùng mới tập thở. Cái nhịp để các con ăn qua đường xông là khoảng 10ml sữa. Nhìn hình ảnh ấy, không một người mẹ nào cảm thấy yên tâm. Vợ chồng mình vào viện ngồi nói chuyện, tâm sự để con có nghị lực vượt qua.
Cảm xúc mình thăng trầm theo giờ luôn. Bác sĩ nói con thở tốt rồi, xong lúc sau bác sĩ lại nói các cháu ngừng thở. Khoảng thời gian đó cực kỳ khó khăn. Có những lúc, 2 vợ chồng ngồi xe từ bệnh viện về nhà nhưng không nói với nhau lời nào. Về phòng, mỗi người ngồi một góc, không ai dám nói chuyện với ai vì rất lo lắng, không biết con mònh có vượt qua không. May mắn là trời thương, tổ tiên phù hợp nên các cháu vẫn khoẻ mạnh.
Chăm sóc con sinh đôi chắc hẳn là vất vả gấp đôi?
Có những lúc vợ chồng mình chăm con khi các coi điều dưỡng chưa tới và gặp tình huống 2 con thi nhau khóc. Bé này khóc rồi lại đến bé kia khóc, bé đang ngủ mà nghe tiếng khóc thì cũng dậy và khóc theo. Mình rất luống cuống.
Mình cho con uống sữa nhưng cũng có lúc 2 bé quậy tưng bừng không nín. 2 vợ chồng gần như lúc nào cũng ở cạnh nhau chăm sóc 2 con, vì các cháu sinh đôi nên thường khóc cả cặp.
Cặp sinh đôi trộm vía kháu khỉnh, đáng yêu.
Điều đặc biệt khi có cặp sinh đôi nam nữ? Chị bật mí thêm về tính cách của các bé nhé?
Mình rất hạnh phúc khi có con sinh đôi là 1 bé trai và 1 bé gái. Ngay từ khi chào đời, các con đã có tính cách khác biệt. Ví dụ bé Money, vừa là con trai vừa làvanh lới nên tienh cách rất giống ba: trầm tính, nhẹ nhàng, nhường nhịn em, không quấy khóc nhiều, ăn no là nằm chơi và ngủ, rất điềm tĩnh. Nhà mình trêu cháu là giáo sư vì có cái trán cao thông minh, tóc hay rẽ ngôi, điềm đạm chứ không có gắt gỏng nhiều.
Còn Ruby là con út nên rất nhõng nhẽo. Trộm vía con trông như búp bê, tóc xoăn tít, mắt rất sáng và long lanh. Nghe tiếng ba và mẹ thì bắt đầu nhõng nhẽo và đòi bế nhưng rất là dễ thương.
Trở thành mẹ bỉm sữa, vóc dáng và sức khoẻ của chị cũng phần nào bị ảnh hưởng. Chị có bao giờ cảm thấy tự ti vì những thay đổi của cơ thể sau khi có con? Ông xã đã động viên chị như thế nào?
Mình hiểu sinh con là sứ mệnh của mình và cũng biết rằng khi làm mẹ, sức khoẻ và vóc dáng thay đổi rất nhiều. Người ta vẫn thường nói, phụ nữ mất 9 tháng mang nặng đẻ đau và cần thêm 9 tháng nữa để phục hồi.
Vì mình sinh sớm nên nặng hơn gần 10kg so với trước đây, đến giờ vẫn chưa thể quay lại cân nặng cũ. Sau sinh bụng mình to và vì đẻ mổ nên không tập thể dục ngay được. Nói chung mình cũng lo lắng và bắt đầu chăm sóc cơ thể sớm để nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Dù vậy, mình không cảm thấy tự ti, vì mình hiểu rõ đó là quy luật.
Mình cảm thấy may mắn vì Adonis luôn ở bên cạnh động viên, chẳng bao giờ chê vợ xấu. Trên thực tế mình hơn anh ấy 21 tuổi, nói về sắc đẹp thì cũng không gì quá xuất sắc nhưng mình có sự tự tin và thần thái đó đã cuốn hút chồng mình. Sau 3 tháng ở cữ, 2 vợ chồng bắt đầu tập thể dục cùng nhau, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Hiện nay cơ thể mình vẫn chưa quay trở lại như lúc chưa có bầu nhưng mình tin sẽ sớm lấy lại vóc dáng trong thời gian tới.
Ông xã có hỗ trợ chị nhiều trong việc chăm sóc con cái không? Anh ấy thường giúp vợ những công việc gì? Việc làm nào của chồng khiến chị cảm động nhất?
Mình thật sự rất là may mắn vì Adonis hỗ trợ vợ rất nhiều trong việc chăm sóc con cái. Đối với anh, việc giáo dục con cái rất quan trọng. Ngay từ trước 2 bé ra đời, Adonis đã tìm hiểu về trường học, cách giáo dục con sớm, tìm hiểu cho con cách làm sao để con có thể làm quen với ngôn ngữ thứ 2 thứ 3 tromg thời gian từ 0 đến 3 tuổi. Adonis dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về phương pháp dạy con và góp ý nhiều về cách chăm sóc chăm con của vợ và cô điều dưỡng.
Hàng ngày cứ tầm 6h30 - 8h30 sáng và buổi tối vào giờ giao ban của các cô điều dưỡng, hai vợ chồng thường lên chăm con. Vợ chồng mình phải thay phiên bế con trong 2 tiếng. Adonis có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc con cái cùng vợ chứ không chỉ có kiếm tiền rồi bỏ mặc con cái cho vợ. Vợ chồng mình cutng chăm sóc và xây dựng kinh tế gia đình. Hết giờ chăm con thì mỗi người tập trung vào việc điều hành công ty nên cảm thấy hài lòng và thoải mái.
Thật sự là rất nhiều phụ nữ bị trầm cảm, stress, buồn chán sau khi sinh con, còn mình không gặp vấn đề đó. Bởi vì ông xã luôn đồng hành trong mọi vấn đề từ việc chăm con cái cho đến sự nghiệp của 2 vợ chồng.
Được biết chị thuê tận 10 điều dưỡng chăm sóc con sinh đôi. Vì sao vậy?
Vợ chồng mình đang điều hành 2 công ty vào đúng thời điểm công ty phát triển mạnh nên thực sự rất bận. Trước khi có em bé, đặc biệt là khi biết tin sinh đôi, mình rất đau đầu trong việc tìm người hỗ trợ chăm con. Mình đã liên hệ nhiều trung tâm tìm vú em nhưng không cảm thấy hài lòng. May mắn là mình tìm được 1 đội điều dưỡng gồm 10 người thay phiên chăm sóc con, sáng 2 cô và tối 2 cô. Mình không thể tiết lộ chi phí nhưng đó là một khoản không nhỏ.
Các con được chăm sóc trong môi trường như ở trong bệnh viện quốc tế, tất cả đều phải tiệt trùng, sạch sẽ và quy chuẩn. Các con sinh non nên cần tìm người có chuyên môn để cho con ăn, xử lý kịp thời các vấn đề như bị khó thở, bị trớ hay tiêu chảy,... nhiều vấn đề mà người vú em bình thường không thể xử lý được. Đội điều dưỡng chăm các cháu rất chuyên nghiệp và chu đáo.
Là một doanh nhân nên mình luôn muốn mọi thứ vẹn toàn. Nếu mình chỉ tập trung vào việc chăm sóc con thì đôi khi cả sức khỏe và việc kinh doanh đều không đảm bảo. Có cô điều dưỡng chăm con, mình cảm thấy yên tâm hơn. Thời gian qua, cả gia đình và 2 bé bị Covid-19 nhưng trộm vía các con trải qua rất nhanh và nhẹ nhàng. Đến thời điểm này, mình rất hài lòng với quyết định thuê điều dưỡng cảm thấy những cái khoản đầu tư chăm sóc con đều rất xứng đáng.
Hiện tại, chị đã đầu tư như thế nào trong việc nuôi dạy con?
Mình được biết trẻ phát triển trí não sớm từ 0 - 3 tuổi nên cho con theo phương pháp giáo dục sớm, dạy các cháu về màu sắc và những cụm từ nhỏ. Giáo dục sớm cho con khá nhẹ nhàng, mỗi ngày bố mẹ chỉ cần dạy, nói chuyện với con khoảng 5 phút. Quan trọng nhất là mình dành thời gian giao tiếp, chơi với con, chứ không chỉ giao con cho các cô điều dưỡng. Mình không theo đuổi phương pháp nào cụ thể mà sàng lọc thông tin và làm những điều tốt nhất cho con.
Hiện tại vợ chồng mình đang tìm trường để con học khi con được 2 - 3 tuổi. Mình tin là môi trường tốt, cộng đồng tốt, văn hoá tốt sẽ giúp con phát triển. Mình luôn muốn nuôi dạy con tốt nhất để con có nhận thức đúng, có lễ giáo, biết kính trên nhường dưới và phát triển bản thân liên tục để vượt qua mọi hoàn cảnh. Mình chỉ huẩn luyện và giáo dục chứ không đặt kỳ vọng ở các con.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!