Nghén là một hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai, gây ra tình trạng buồn nôn, mệt mỏi, ăn uống kém… Tuy nhiên, tình trạng nghén ở mỗi người lại khác nhau, có người sẽ chỉ có cảm giác nghén "nhè nhẹ" như mệt mỏi, chán ăn nhưng cũng có mẹ bầu rơi vào tình trạng nghén nặng gọi là hội chứng Hyperemesis Gravidarum giống như bà mẹ Ashleigh Kirkwood, sinh sống ở East Kilbride, Scotland (Anh).
Theo lời chị Ashleigh kể thì tình trạng này xảy ra khi chị mang thai vào năm 2013, và đã bị ốm nghén suốt 9 tháng trời. Tình trạng nghén nặng này đã khiến bà mẹ này không những không lên cân mà còn giảm đến 12,7kg. Đã thế chị còn liên tục nôn nửa đến mức nhau thai bị bóc tách gần hết.
Chị Ashleigh đang mang thai ở tháng thứ 8, chị đã sụt cân liên tục trong suốt thai kỳ.
Phát biểu trước ngày nhận thức về Hyperemesis Gravidarum, chị Ashleigh kể: “Tôi bắt đầu bị nghén ở tuần thứ 6 của thai kỳ. Tôi ói một vài lần một ngày. Sau đó, bắt đầu từ tuần thứ 8, cứ mở mắt ra vào buổi sáng là tôi ói. Thậm chí trong vòng 1 giờ, tôi đi ói từ 2 đến 3 lần. Thông thường tôi sẽ đi bộ đến nơi làm việc, nhưng thật xấu hổ khi tôi phải dừng lại không biết bao nhiêu lần chỉ để nôn ói”.
Bác sĩ chẩn đoán chị Ashleigh bị mắc chứng nghén nặng Hyperemesis Gravidarum khi mang thai khiến cho thai phụ buồn nôn, nôn mửa liên tục, sụt cân và mất nước. Vậy là bà mẹ 3 con đành phải nghỉ việc ở nhà cho đến khi sinh con.
“Cả ngày tôi chỉ ở trong nhà mà không thể đi đâu được vì nôn ói liên tục. Tình trạng này khiến tôi tự hỏi làm thế nào mà tôi vẫn có thể sống khi mà trong người còn cái gì. Cuối cùng, tôi phải nhập viện và truyền dịch, nhưng bên cạnh luôn có sẵn một cái chậu nhỏ vì càng truyền dịch tôi càng ói, và càng ói tôi càng ốm. Tôi hoàn toàn không có bụng, tôi sụt cân đến nỗi mỗi khi đi siêu âm, em bé lại nhỏ đi trông thấy. Đây thật sự là một vấn đề đáng lo lắng. Cho đến tuần thứ 32, tôi mới có thể giữ được một bữa ăn trong người”, bà mẹ 3 con chia sẻ.
Thế nên lúc chào đời, Jacob chỉ nặng 2,8kg. Cậu bé trông rất nhỏ.
Bé Jacob được sinh ra tại Bệnh viện Đa khoa Wishaw với cân nặng 2,8kg. Nhưng điều làm chị Ashleigh kinh ngạc đó chính là phát hiện ra mình đã sụt đến 12,7kg so với trước khi mang thai. Bác sĩ cũng nói rằng Jacob còn sống sót sau một thai kỳ thiếu dinh dưỡng là một điều may mắn.
Chị Ashleigh tâm sự thêm: “Khi tôi nói chuyện với một nhà tư vấn, cô ấy nói rằng tôi đã rất may mắn vì Jacob còn sống khỏe mạnh, do lượng máu và oxy mà nhau thai của tôi nhận được rất kém. Tuy cân nặng lúc chào đời của con trai tôi không thấp nhưng trông con rất nhỏ. Còn tôi, sau khi sinh con xong đã mặc vừa bộ đồ mà tôi đã không mặc trong 3 năm qua”.
Thế nhưng, bây giờ Jacob đã là anh hai của hai đứa em nhỏ.
Gia đình 5 người của chị Ashleigh.
Sau khi sinh Jacob, chị Ashleigh tiếp tục sinh thêm Jessica (5 tuổi) và Romeo (9 tuần tuổi), nhưng may mắn là chị không bị lặp lại tình trạng nghén nặng. Tuy vậy, bà mẹ 3 con vẫn muốn cảnh báo đến những phụ nữ khác rằng ốm nghén nặng là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng có thể khiến cả mẹ và em bé gặp nguy hiểm.
Hội chứng Hyperemesis Gravidarum là gì ?
Theo các chuyên gia, chỉ có khoảng 0,3 – 3% phụ nữ mang thai bị nghén nặng, còn gọi là hội chứng Hyperemesis gravidarum. Tình trạng này khiến cho mẹ bầu nôn ói nhiều, làm giảm trên 5% cân nặng và các biến chứng khác của tình trạng mất nước.
Những bà mẹ mang đa thai hay có mẹ hoặc chị em gái bị nghén nặng hoặc có tiền sử chóng mặt khi thay đổi tư thế sẽ dễ rơi vào tình trạng bị ốm nghén nặng. Tuy nghén thường không ảnh hưởng đến thai nhi, ngược lại nghén còn là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu mẹ nghén quá nặng, bị sụt cân thì sẽ sinh con nhẹ cân do trẻ không nhận được đủ dinh dưỡng trong thai kỳ.
Để giảm bớt tình trạng nghén khi mang thai, các mẹ bầu cần: - Không ăn quá no hoặc để quá đói: vì điều này làm tăng cảm giác buồn nôn: Mẹ bầu nên chia nhỏ cữ ăn ra thành nhiều bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Bạn hãy thử ăn vài cái bánh quy vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy để trung hòa axit trong dạ dày sau một đêm dài không ăn. - Tránh xa những loại mùi gây khó chịu: Những mùi khiến bạn cảm thấy buồn nôn như mùi cơm, mùi cá, mùi nước hoa, mùi tỏi, cà phê… thì bạn nên hạn chế ngửi. - Tránh ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt: Mẹ bầu nên ăn các loại thức ăn dễ ăn, không mùi như chuối, bánh mì, mì ý, khoai tây, sữa chua, trái cây… - Thử ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹo gừng, trà gừng để giảm cảm giác buồn nôn. - Uống nhiều nước: Các loại nước lạnh, chua, có mùi dễ chịu như nước chanh, nước cam, bạc hà, trà xanh…có thể làm mẹ dễ chịu hơn. Nên uống nước 30p trước và sau khi ăn thức ăn đặc để tránh làm dạ dày quá đầy sau ăn. |