Lần đầu tiên mang thai, mẹ chắc hẳn còn nhiều bối rối, chưa biết cách chăm sóc bản thân cũng như nên làm gì, tránh làm gì để đảm bảo mẹ khỏe mạnh, con phát triển tốt. "Địa chỉ" uy tín nhất để mẹ tham khảo những kiến thức cần thiết khi mang thai chính là bác sĩ sản khoa trực tiếp thăm khám cho mẹ định kỳ.
Dưới đây là những câu hỏi căn bản mẹ có thể liệt kê ra trước để hỏi bác sĩ sản khoa khi đi khám và được tư vấn trong thai kỳ:
1. Mang bầu nên ăn gì, kiêng gì?
Các mẹ cần phải tuân theo một chế độ ăn cân bằng và giàu dinh dưỡng khi mang thai. Tuy nhiên, tốt hơn hết hãy tránh xa các loại thực phẩm độc hại và ô nhiễm. Việc mang thai có thể đòi hỏi các mẹ phải được cung cấp thêm các dưỡng chất thiết yếu như vitamins hay folate,... Hoặc nếu các mẹ mắc các chứng như tiểu đường thai kỳ hay thiếu máu, thì trong thực đơn cần phải có sự điều chỉnh và bổ sung nhất định. Lên kế hoạch ăn uống phù hợp và tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ là những việc đáng phải lưu tâm.
Bác sĩ luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của mẹ bầu nên đừng ngại đặt câu hỏi. (Ảnh minh họa)
2. Mang bầu có thể tập thể dục được không?
Các bài tập thể chất là cách tuyệt vời để giữ gìn và cân bằng sức khỏe cho cơ thể mẹ bầu. Tuy nhiên trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào, các mẹ trước tiên cần phải tư vấn bác sĩ bởi cơ địa, sức khỏe, thai nhi của mỗi người lại khác nhau và chỉ có bác sĩ trực tiếp khám cho bạn là hiểu rõ nhất.
Theo các chuyên gia, bơi lội và đi bộ được coi là an toàn với thai nhi còn một số loại hình vận động khác như yoga, aerobics hay gym chỉ có thể được thực hiện dưới sự tư vấn của chuyên gia. Chế độ tập luyện cần phải phù hợp với gia đoạn mang thai cũng như thể trạng của mẹ bầu.
3. Mẹ bầu cần được tiêm những loại vaccine nào, uống bổ sung gì?
Một số loại kháng thể cần được tiêm chủng khi mang thai như vaccine phòng cúm hay vaccine phòng uốn ván giúp bảo vệ cơ thể mẹ và bé khỏi các biến chứng có thể gây ra bởi virus. Nhưng các mẹ nên tuyệt đối tránh các loại vaccine có thể chứa virus hoạt tính. Tốt nhất, các mẹ hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi lên lịch chích ngừa.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên hỏi bác sĩ mình có cần bổ sung thêm vitamin hay khoáng chất nào hay không và nên bổ sung từ thực phẩm hay uống thuốc.
Mỗi giai đoạn của thai kỳ, cách chăm sóc sức khỏe lại khác nhau. (Ảnh minh họa)
4. "Yêu" khi mang thai có an toàn không?
Đừng ngần ngại mà hãy làm rõ với bác sĩ xem vấn đề giường chiếu có phải sự lựa chọn an toàn cho mẹ bầu hay không. Thực chất, các hoạt động quan hệ đều được cho là an toàn và thậm chí hormone sản sinh khi mang thai còn kích thích ham muốn được gần gũi của mẹ, nhưng nếu mẹ bị chứng đa thai, chảy máu âm đạo hay gặp vấn đề với nhau thai, tốt nhất hãy tránh các hoạt động giường chiếu. Hãy tư vấn bác sĩ sản khoa để có thêm thông tin chi tiết.
5. Liệu pháp giảm đau nào phù hợp với mẹ bầu?
Dựa theo các chính sách của bệnh viện hay các điều kiện thể chất của mẹ khi chuyển dạ, các mẹ có thể được hỗ trợ một số liệu pháp giảm đau như khí gas, thuốc giảm đau, gây tê tại chỗ,v.v. Tuy nhiên, các mẹ phải có sự trao đổi với bác sĩ về các mặt lợi và hại của những biện pháp trên để có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.
6. Nên chọn phương pháp sinh nào?
Đương nhiên sinh thường luôn được khuyến khích bởi các chuyên gia sản khoa. Tuy vậy, có một số yếu tố nhất định làm tăng khả năng mẹ phải đẻ mổ như tuổi tác, cân nặng của mẹ; nhau thai có gặp biến chứng nào không; mẹ có bị tiểu đường thai kỳ không;... Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp sinh phù hợp, an toàn cho bản thân mẹ và em bé.
Những góp ý từ bác sĩ sẽ giúp các mẹ lên kế hoạch thai kỳ phù hợp nhất với điều kiện thể chất của mình. Hơn nữa, việc tiếp nhận thông tin đầy đủ sẽ rất hữu ích, giúp cho việc mang thai và sinh con của các mẹ được diễn ra suôn sẻ và thoải mái.