Các bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu khi về cuối thai kỳ cần hết sức chú ý, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ chuyển dạ nên đến bệnh viện luôn để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Vì quá trình chuyển dạ, sinh con luôn tiềm ẩn nhiều biến chứng, rủi ro khó lường nên đừng chủ quan như bà mẹ dưới đây.
Thông tin do bác sĩ Zou Wen (làm việc tại bệnh viện Phụ sản và Nhi Hồ Nam, Trung Quốc chia sẻ. Tối ngày 19/5 vừa qua, bác sĩ Zou nhận được tin có ca cấp cứu khẩn cấp nên lập tức cùng hai y tá mang theo xe cáng đứng trước cửa bệnh viện để đón bệnh nhân. Trước đó, người nhà đã gọi điện và thông báo đây là trường hợp sản phụ mang thai đôi 34 tuần có dấu hiệu đau bụng dữ dội.
Khi tiếp nhận sản phụ, bác sĩ Zou để cô nằm lên xe cáng và lập tức trèo lên giường kiểm tra tại chỗ trong lúc y tá đẩy xe vào tháng máy, lên khoa cấp cứu. Khi vừa sờ vào phần dưới sản phụ, cô thấy cổ tử cung đã mở khá lớn, chân của một thai nhi đã sa ra ngoài, chứng tỏ thai nằm ngôi ngược. Nhận thấy đây là trường hợp nguy hiểm, bác sĩ Zou giục y tá di chuyển nhanh hơn nữa, còn cô quỳ trên giường, dùng tay đỡ chân của thai nhi.
Bác sĩ quỳ trên cáng cấp cứu để đỡ chân thai nhi đã thò ra ngoài.
Đúng 6 phút sau, sản phụ đã ở trong phòng mổ và nhanh chóng được mổ lấy hai thai ra ngoài. May mắn thay, nhờ phản ứng nhanh chóng của các y bác sĩ, 3 mẹ con đã được an toàn. Hiện tại, người mẹ và hai con sơ sinh đang tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.
Sau khi sinh xong, người mẹ mới thú nhận thực chất cô đã có dấu hiệu đau bụng từ chiều hôm đó. Tuy nhiên vì một vài tuần gần đây thường xuyên bị gò nên cô chủ quan, không nghĩ mình đã chuyển dạ và cố chịu tới 3 tiếng mới báo người nhà cho nhập viện. Bác sĩ Zou cho biết cô mang thai đôi, trong đó một bé ngôi thai ngược đã sa ra ngoài nên nếu chỉ cấp cứu muộn thêm 10 phút nữa, em bé đó hoàn toàn có thể bị thiếu oxy dẫn đến tử vong từ trong bụng.
Trường hợp ngôi thai ngược sẽ rất nguy hiểm khi không nhập viện sớm. (Ảnh minh họa)
Sau trường hợp của bà mẹ này, bác sĩ cảnh báo mẹ bầu nên nhập viện ngay khi có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là những trường hợp đã được cảnh báo thai kỳ nguy cơ cao.
Nguy cơ nào cho cả mẹ và bé khi có ngôi thai ngược? Ngôi ngược hay còn gọi là ngôi mông là phần mông hoặc chân của bé xuống phía dưới, vùng xương chậu của mẹ. Còn đầu của bé sẽ ở phía trên gần ngực của mẹ. Tỷ lệ ngôi mông khá thấp (chiếm từ 1 - 3%) trong các ca sinh nở. Tuy nhiên đây là những trường hợp sinh có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con. - Ngôi ngược thai nhi dễ xảy ra vỡ nước ối trước và sau khi đau đẻ, cuống nhau thai sẽ theo nước ối đi ra ngoài. Dẫn đến tình trạng cạn ối, thai nhi thiếu oxi dễ gây ngạt và tử vong cho thai nhi. Vỡ nước ôi cũng là nguyên nhân làm mất cơn đau đẻ tự nhiên ở các mẹ bầu. - Thai ngược nên việc thai nhi ra khỏi bụng mẹ trở nên khó khăn. Nếu như thông thường ở ngôi thuận đầu của bé sẽ đi ra trước, sau đó sẽ đến vai và chân đi ra sau. Các bộ phận gọn gàng hơn khi đi ra khỏi bụng mẹ. Còn với ngôi thai ngược, phần chân hoặc mông của bé sẽ ra ngoài trước, rồi đến vai và đầu. Khi mông hoặc chân của bé ra trước với trường hợp xử lý không khéo có thể rất khó để phần đầu của bé đi ra ngoài được, dẫn đến bé bị ngạt thở. Hoặc có trường hợp bé bị gãy tay chân do không thể ra khỏi cơ thể mẹ một cách thuận tiện. - Ngôi thai ngược gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu và em bé với các ca khó sinh có thể gây biến chứng cho thai phụ. Vì vậy, các trường hợp ngôi thai ngược cần được khám xét thường xuyên và cẩn thận ở những tuần cuối của thai kỳ. Tiên lượng kỹ càng để có phương án xử trí chính xác an toàn cho cả mẹ và bé. |