Bảo vệ con là nhiệm vụ hàng đầu mà hầu hết các bà mẹ đều tự đặt ra cho bản thân mình. Nhiệm vụ này sẽ bắt đầu ngay từ lúc que thử thai hiện lên 2 vạch. Không chỉ thay đổi thói quen ăn uống mà ngay cả lịch sinh hoạt của mẹ bầu cũng sẽ bị đảo lộn, bạn sẽ phải dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế vận động mạnh để bảo vệ con, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ.
Tuy nhiên, càng bước vào giai đoạn sau của thai kỳ, cơ thể mẹ bầu ngày càng nặng nề vì em bé đã lớn, sức ép lên các cơ dây chằng càng nặng khiến bạn ngày càng mệt mỏi và đau đớn. Nhưng cũng đừng vì thế mà mẹ phạm phải 3 sai lầm dưới đây, bởi những việc này ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
1. Lười tập thể dục
Tập thể dục sẽ giúp bạn giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng táo bón, bớt đau lưng, ngăn ngừa tiểu đường trong thai kỳ (Ảnh minh họa).
Bình thường, sau một ngày làm việc vất vả trở về nhà, bạn chỉ muốn được nằm dài trên giường để nghỉ ngơi và ngủ. Thế nhưng, sau khi mang thai, bạn cần phải tu dưỡng bản thân mình. Tập thể dục sẽ giúp bạn giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng táo bón, bớt đau lưng, ngăn ngừa tiểu đường trong thai kỳ.
Do vậy, nếu không thể đến phòng tập gym để tham gia các khóa thể dục dành cho phụ nữ mang thai, bạn vẫn có thể vận động nhẹ nhàng tại nhà như đi bộ, tập yoga nhẹ nhàng. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe của bạn, mà còn giúp cho thai nhi nhận được nhiều máu và oxy hơn, từ đó phát triển tốt hơn.
2. Ăn uống không lành mạnh
Thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ và rất không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi (Ảnh minh họa).
Một chế độ ăn dinh dưỡng là điều cần thiết cho sự phát triển của em bé. Song, trên thực tế có nhiều mẹ bầu lại thường bỏ bữa do mệt mỏi, chán ăn, hoặc ăn “thả ga” tùy thích không quan tâm món ăn đó có lợi hay hại đến con.
Các mẹ bầu nên biết rằng thức ăn rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn thường xuyên bỏ bữa, hoặc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con. Theo các bác sĩ, bạn cần phải ăn ít nhất là đủ 3 bữa chính, và nếu có thể hãy ăn thêm 2 bữa phụ vào lúc giữa buổi sáng và giữa buổi chiều.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ăn các món có nhiều dầu mỡ hay được chế biến mặn. Trái cây thì không nên ăn nhiều các loại hoa quả có hàm lượng đường cao vì nó sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường trong thai kỳ hoặc thai nhi tăng cân nhanh.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên vì ngại đi vệ sinh nhiều lần mà không uống nước. Uống nhiều nước không chỉ tốt cho nước ối, mà còn có lợi cho quá trình trao đổi chất. Để giảm tần suất tiểu đêm, bạn nên uống nước một cách hợp lý vào buổi tối.
3. Bỏ qua những triệu chứng nhỏ về thể chất
Có một số biểu hiện nhỏ khi mang thai cho thấy mẹ bầu đang bị thiếu máu hoặc hạ đường huyết (Ảnh minh họa).
Một số bất thường nhỏ ở bà bầu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như da dẻ kém sắc, thường xuyên mệt mỏi, hay chóng mặt… Những biểu hiện này cho thấy bạn đang bị thiếu máu, hạ đường huyết hoặc huyết áp bất thường,… Vì thế, bạn không nên bỏ qua và cho rằng các dấu hiệu này là chuyện nhỏ. Bởi nếu không được xử lý kịp thời, sức khỏe của bạn sẽ giảm sút nghiêm trọng, nguy hại đến thai nhi càng lớn.
Chung quy lại, kể từ lúc bắt đầu mang thai, mọi lời nói, hoạt động của bạn đều ảnh hưởng đến con. Do đó, bạn phải luôn thận trọng trong suốt thời gian bầu bí, và hãy nhớ tuân thủ những thói quen sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển tốt nhất có thể.