Làm mẹ rồi tôi mới hiểu mỗi một chuyện nhỏ của con cũng khiến bản thân nóng lòng lo sốt vó. Hay những lần đọc được mẩu tin trên mạng về những sai lầm vô tình của người lớn gây đến hậu quả đáng tiếc cho con nhỏ, tôi lại càng tự hứa bản thân phải bảo vệ con bằng mọi giá.
Tôi mới sinh con được 1 tháng và may mắn có một người mẹ chồng rất tuyệt vời. Mẹ chăm lo cho tôi những bữa cơm ở cữ rất ngon, thậm chí còn không ngại đỡ đần tôi những chuyện lặt vặt chăm cháu để tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Thế nhưng để mà nói, tôi vẫn không thể hài lòng và cho qua được chuyện bà coi thường những lời nhắc nhở của tôi mà thoải mái chăm cháu theo cách của mình.
Đơn cử như việc ôm hôn đứa nhỏ, vì đã ngoài 70 tuổi mới có đứa cháu nội đầu nên mẹ tôi có vẻ rất cưng đứa nhỏ này. Ngay từ khi đứa bé mới lọt lòng, bà đã chạy hớt hải tới bệnh viện để được bế đứa nhỏ, ôm hôn, hít hà lấy hơi. Ngay lúc đó tôi đã thấy không vừa lòng nên nháy chồng để chồng nhắc nhở. Thế nhưng có vẻ bà quên đi luôn.
Hàng ngày cứ mỗi lần chơi với cháu hay bồng bế trên tay, bà đều không từ bỏ được thói quen thơm bé 1 cái, may là cũng chỉ thơm má. Tuy nhiên tôi cũng thẳng thắn nói với mẹ chồng rằng: "Cháu còn non nớt, mẹ đừng hôn cháu như thế, rất nguy hiểm đó". Bà cũng nhanh nhẹn xin lỗi nhưng rồi mau chóng quên đi. Trong lúc mải âu yếm cháu nội lại quên ngay lời con dâu dặn mà ôm hôn, nghiền đứa nhỏ khiến nhiều lần tôi bực mình ra mặt.
Ảnh minh họa
Hôm đó nhân lúc đưa con đi khám kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám, tôi đã nghĩ ra một kế hay đó là nhờ bác sĩ nhắc nhở bà vì tôi hiểu có lẽ bà cho rằng tôi làm quá mọi chuyện lên. Dó đó tôi đã khéo léo mượn giấy và bút viết dòng chữ "Nhờ bác sĩ nhắc nhở mẹ chồng em không được hôn cháu sơ sinh" lên 1 mẩu giấy và dúi vào tay vị bác sĩ khám cho con tôi. Như hiểu ra được tâm ý của tôi, vị bác sĩ đã dành một khoảng thời gian rất lâu để nói chuyện và phân tích cho mẹ chồng tôi hiểu những tác hại khi chúng ta hôn trẻ sơ sinh.
Đúng là con nói thì không nghe nhưng bác sĩ nói thì bà răm rắp làm theo. Cũng kể từ đó không bao giờ thấy bà ôm hôn đứa nhỏ nữa, nhiều lúc quên định hôn là bà liền rụt lại ngay. Thậm chí khi có khách tới thăm nhà, chính bà là người nhắc nhở các vị khách không được hôn cháu của bà. Tôi biết rằng bà muốn ôm hôn cháu cũng chỉ xuất phát từ tình yêu thương nhưng tôi nghĩ rằng điều gì là quy tắc thì bà cũng cần phải làm theo.
Tâm sự từ bạn đọc nguyenha.... @gmai.com
Trên thực tế không phải ở trên thế giới mà ngay tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều đứa trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng do bị người lớn hôn. Thậm chí trên thế giới đã có đứa trẻ tử vong vô cùng thương tiếc.
Theo các bác sĩ, nụ hôn của người lớn mang theo vi khuẩn và dễ lây nhiễm cho bé bằng nụ hôn. Vì sức đề kháng của người lớn khỏe hơn nên những vi khuẩn đó không thể gây bệnh nhưng cơ thể trẻ nhỏ non nớt, sức đề kháng yêu và dễ dàng mắc bệnh bởi những con vi rút, vi khuẩn này. Trong đó một số bệnh như viêm não, viêm màng não do virus Herpes gây nên, bệnh cúm do virus cúm
Vì lý do trẻ còn bé, sức đề kháng lại yếu nên có một số tuýp người mẹ nên cương quyết không cho gần con bởi những nguy hiểm vô hình sẽ rình rập bé.
Người trang điểm đậm
Hầu hết các loại mỹ phẩm trang điểm hiện nay đều có chứa chì, thủy ngân và rất nhiều hóa chất khác. Bộ Y Tế Hoa Kỳ đã báo cáo nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm độc chì vì liếm lớp phấn trên gương mặt mẹ. Một người trang điểm đậm nếu hôn em bé, rất có thể những hóa chất độc hại này sẽ theo việc tiếp xúc da xâm nhâp vào cơ thể trẻ, gây hại cho bé, dễ dẫn đến viêm da tiếp xúc, nhiễm độc chì và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Ngoài ra, mùi của mỹ phẩm lại khá khó chịu. Khứu giác trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các loại mùi, việc phải ngửi mùi mỹ phẩm sẽ khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
Người có dấu hiệu ho, sổ mũi
Những biểu hiện cảm cúm thông thường của người lớn như ho, sổ mũi có thể bắt nguồn từ một loại virus phổ biến là RSV – hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp. RSV không nghiêm trọng đối với người lớn nhưng nó lại trở nên đặc biệt nguy hiểm và có thể cướp đi tính mạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi nếu chẳng may bị lây nhiễm.
Người có xuất hiện mụn rộp trên cơ thể
Nếu cha mẹ quan sát thấy ở mặt, môi, mắt, tay, chân và các bộ phận khác trên ở thể mình hay ai đó có những hạt mụn nước có kích thước to nhỏ khác nhau xuất hiện, số lượng ít hoặc thậm chí thành chùm, và kèm theo sốt thì có thể người này đã bị nhiễm virus herpes simplex. Virus herpes simplex có thể lây lan thông qua đường hôn. Tuy virus này không gây tổn hại rất nghiêm trọng cho người lớn, nhưng nó có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh.
Ảnh minh họa
Người hút thuốc lá
Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe người hút điều này ai cũng biết nhưng hầu như không ai quan tâm rằng thuốc lá có nhiều tác hại rõ rệt đến sức khỏe trẻ em dù rằng các bé chỉ hít phải khói thuốc lá do người lớn thải ra một cách thụ động.
Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, phổi, đường ruột… mà còn có thể làm giảm nhịp thở và nhịp tim của bé, khiến bé có nguy cơ đối mặt với Hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS).
Ngoài ra, các nhà khoa học tại trung tâm sức khoẻ môi trường trẻ em ở Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trên gần 4.400 trẻ em tuổi 6 - 16. Kết quả cho thấy những đứa trẻ ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác. Một lượng khói thuốc nhỏ trong nhà thôi cũng đủ ảnh hưởng tới khả năng đọc và làm toán của trẻ sau này.
Người đang bị tiêu chảy
Mặc dù bệnh tiêu chảy mang dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột nhưng các vi khuẩn gây tiêu chảy lại chủ yếu thông qua miệng mà vào ruột. Do đó, miệng là nơi tồn tại rất nhiều vi khuẩn lây nhiễm như E. coli, hay Helicobacter pylori..Người bị bệnh tiêu chảy, kiết lỵ hôn trẻ sơ sinh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tiêu chảy cho bé.
Người mắc bệnh răng miệng
Một người mắc bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm tủy răng, sâu răng…, đôi môi và khoang miệng sẽ có rất nhiều vi khuẩn tồn tại. Nếu người mắc bệnh răng miệng hôn em bé, các vi khuẩn sẽ theo nụ hôn vào miệng của bé, khiến trẻ cũng mắc bệnh răng miệng hoặc nặng hơn là những biến chứng khó lường khác.
Người bị viêm gan
Viêm gan A lây lan chủ yếu qua đường phân-miệng và tiếp xúc gần gũi trong cuộc sống. Viêm gan B lại lây truyền thông qua tiêm, truyền máu hoặc các sản phẩm máu. Virus viêm gan A và virus viêm gan B là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan.