Con dậy thì sớm thường hỏi em bé được sinh ra thế nào
Mới đây, chị Trần Thị Kim Loan (38 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ chuyện khó nói của con gái năm nay 9 tuổi, đang học lớp 4 và những băn khoăn của mình lên một hội nhóm có nhiều phụ huynh có con dậy thì sớm tham gia.
Chị Loan kể, bé Quỳnh - con gái chị nghiện điện thoại và bắt đầu có các dấu hiệu dậy thì sớm: ngực phát triển, mọc lông nách từ lúc 8 tuổi. Sau khi đọc các thông tin về dậy thì sớm ở bé gái, chị đưa con đến một bệnh viện nhi đồng khám thì bác sĩ kết luận, bé Quỳnh thuộc trường hợp dậy thì sớm. Cũng từ đây, chị bắt đầu luôn “để mắt” đến con gái.
Nhiều bé gái dậy thì từ lớp 3-4. (Ảnh minh họa)
Dạo gần đây, bé Quỳnh thường xuyên hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Em bé được sinh ra thế nào” làm người mẹ luôn thấy bất an. Chị lên kế hoạch “điều tra” con gái xem con đã có bạn trai chưa hoặc có bị xâm hại gì không. “Con chưa có bạn trai và cũng chưa quan hệ tình dục”, chị Loan chia sẻ.
Hiện chị Loan đang băn khoăn, không biết vì sao con mình lại bị như vậy. “Tôi phải làm như thế nào để có thể giúp con gái có một tuổi thơ bình yên”, chị đặt câu hỏi.
Đã có nhiều phụ huynh cho rằng, việc bé Quỳnh đặt câu hỏi như vậy với mẹ là chuyện bình thường, rất nhiều trẻ cũng hay hỏi cha mẹ như vậy. Nguyên nhân có thể do bé bị ảnh hưởng bởi các video hoặc các tình huống trên mạng xã hội mà bé đã từng xem. Điều chị Loan cần làm là cần hạn chế cho con gái sử dụng điện thoại và nói với con các câu chuyện về giới tính và các phòng ngừa khi quan hệ tình dục ở tuổi dậy chị.
Cha mẹ hãy giúp con tự bảo vệ mình từ khi còn nhỏ
Chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho rằng, việc trẻ dùng mạng xã hội hiện nay đều có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là trẻ sẽ được thoải mái tán gẫu, kết bạn, hẹn hò, bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm cá nhân hay tạo dựng hình ảnh cá nhân theo cách mình mong muốn.
Tuy nhiên, khi bị “nghiện” mạng xã hội trẻ sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe, học tập cũng như các vấn đề về trạng thái: căng thẳng, trầm cảm, lo âu hay rối loạn giấc ngủ. Nguy hiểm hơn, trẻ sẽ học theo các hành vi, việc làm trên mạng xã hội dẫn đến có việc làm sai lầm.
Cha mẹ luôn đồng hành, hướng dẫn sẽ giúp con vượt qua giai đoạn dậy thì dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyệt cho rằng, không chị chị Loan mà các cha mẹ nào cũng cần là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội, các thiết bị điện tử của con. Cha mẹ cũng cần dành thời gian quan tâm, nhắc nhở và xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, để sớm phát hiện những vấn đề khó khăn, căng thẳng, rối nhiễu tâm lý để hỗ trợ giải tỏa kịp thời. Ngoài ra, cần khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe và có cuộc sống tích cực hơn.
Bàn về việc giáo dục giới tính cho trẻ, P.G.S.TS.BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh ở một bệnh viện tư cho rằng, giáo dục giới tính cho trẻ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ chính mình. Bởi hiện nay, vấn nạn ấu dâm và xâm hại tình dục ở trẻ em đang ngày càng được quan tâm. Việc làm này, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình tạo nền tảng vững vàng, giảng giải cho con hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính và tình dục ngay từ khi còn nhỏ.
Ở độ tuổi như con gái chị Loan, trẻ đã bắt đầu tò mò về những hành vi tình dục, mang thai, chu kỳ kinh nguyệt… Vì vậy, việc cha mẹ và nhà trường cần làm là trang bị cho trẻ một cách chi tiết về chu kỳ kinh nguyệt ở bé gái và sự xuất tinh ở bé trai. Quan trọng hơn, trẻ cần học cách phòng tránh việc mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào để tự phòng tránh cho mình.
Theo các bác sĩ, cha mẹ hãy thẳng thẳn chia sẻ các vấn đề về giới tính cho con. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Loan, việc giáo dục giới tính cho con nên diễn ra hàng ngày, cha mẹ hãy tận dụng những cơ hội và tình huống thực tế để thảo luận với con. Ví dụ, nếu trong gia đình hoặc họ hàng có người mang thai, hãy nói với con rằng em bé đang phát triển lớn dần ở một nơi đặc biệt bên trong bụng người mẹ, được gọi là tử cung. Nếu con tò mò, muốn biết thêm chi tiết về sự hình thành của thai nhi hoặc em bé được sinh ra như thế nào, hãy cung cấp những thông tin đó một cách dễ hiểu nhất.
“Khi con trưởng thành sẽ bắt đầu đặt những câu hỏi chi tiết hơn, cha mẹ nên giải đáp bằng những câu trả lời chi tiết hơn. Nên sử dụng chính xác những thuật ngữ, tên gọi các bộ phận để giải thích cho con hiểu” bác sĩ Loan nhấn mạnh.
Bác sĩ Loan lưu ý, giáo dục giới tính cho con là để giúp trẻ tự bảo vệ mình trong những năm tháng sắp tới, giúp con xử lý tình huống tốt hơn khi gặp phải ấu dâm hoặc xâm hại, đồng thời qua đó còn xây dựng một nếp sống lành mạnh và tích cực hơn. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy với con bằng tất cả tình yêu thương, đừng nên ngại, cho rằng phải tránh “vẽ đường cho hươu chạy” mà vô tình làm hại con.
* Tên người mẹ và bé gái đã thay đổi.