Trải qua một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc, chị Hoài Thương chưa bao giờ nghĩ đến việc lập gia đình lần nữa. Vậy mà hạnh phúc vẫn mỉm cười với người mẹ đơn thân, để chị gặp được người đàn ông Đức tử tế, là người chồng và người cha hết lòng vì gia đình, như phần nào bù đắp những tổn thương trong quá khứ.
Đặc biệt hơn, con gái riêng chính là "cầu nối" giữa chị Thương và ông xã hiện tại - anh Armin. Anh vì đồng cảm với hoàn cảnh của chị, quý mến con gái chị mà ngỏ lời muốn cùng mẹ đơn thân chăm sóc bé Suri (sinh năm 2013). Họ tìm hiểu nhau rồi quyết định tiến đến hôn nhân. Hiện tại gia đình chị Thương đang sống ở Đức, có thêm 2 thành viên nhí là Felix (sinh năm 2018) và Valentina (sinh năm 2020).
Tổ ấm của chị Thương và anh Armin.
Trước khi sinh con đầu lòng, chị từng làm spa chăm sóc và phun xăm. Chị trở thành mẹ đơn thân khi mới con gái mới 1 tuổi, quay trở về quê nhà tại Huế để trốn khỏi chồng cũ và bắt đầu công việc dọn dẹp homestay cho người thân. Chị nhớ lại: "Rời xa Huế từ những năm còn trẻ, mình bỗng trở thành một người mẹ đơn thân đơn độc ở chính quê nhà của mình. May thay cô em họ vừa mở một homestay ở Huế, thấy hoàn cảnh hai mẹ con khó khăn, liền đề nghị mình đến dọn dẹp để kiếm ít tiền để đỡ đần cuộc sống. Những ngày đấy mình tất bật dọn phòng, bé con còn nhỏ chả ai trông, phải vừa bế con vừa dọn".
Anh Armin là khách quen của homestay. Thấy chị làm việc vất vả, lại vướng bận con nhỏ nên đã mở lời trông con giúp, đưa bé Suri đi ăn món ngon, đi chơi công việc, làm những việc mà cha bé chưa từng làm. Khi trở về Đức, anh thấy thương cô bé người Việt Nam đáng yêu, ngoan ngoãn nhưng sớm thiếu hụt tình cảm của cha. Anh bất ngờ đề nghị với chị Thương muốn trở thành bố nuôi của Suri, giúp bé đi nhà trẻ và cho con cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Mình cảm thấy rất bất ngờ và chỉ nghĩ rằng đấy là một câu đùa thôi nên mình lại đùa dai hơn: "Nuôi con thì nuôi luôn mẹ nhé!". Và không ngờ anh đồng ý. Thế là cả 2 tìm hiểu nhau qua màn hình mỗi ngày. Đến tháng 9 năm 2015, anh ngỏ lời muốn về thăm 2 mẹ con lần nữa và muốn đưa 2 mẹ con sang Đức để anh chăm sóc tiện hơn. Vậy là sau 1 tuần "cầu hôn" thì anh bay về Việt Nam và lễ cưới nho nhỏ được diễn ra", chị Thương chia sẻ.
Chị Thương giờ đây có cuộc sống viên mãn bên người chồng tâm lý, cùng nuôi dạy 3 đứa trẻ đáng yêu là Suri, Felix và Valentina. Ngoài ra chị còn lập kênh Youtube để chia sẻ câu chuyện ở nước ngoài. Trong cuộc sống gia đình, họ là những ông bố bà mẹ hết lòng vì con, tôn trọng quyết định của các bé và có phương pháp giáo dục vừa mềm mỏng, vừa nghiêm khắc. Lắng nghe tâm sự của người mẹ gốc Huế, nhiều người tìm được động lực để tin vào sự tử tế, vào tình thương và việc ai cũng xứng đáng có được hạnh phúc cho riêng mình.
Thời điểm ly hôn chồng cũ, con gái chị vẫn còn rất nhỏ. Động lực nào thôi thúc chị nhất định phải ly hôn dù biết mình sẽ rất vất vả khi vừa làm cha, vừa làm mẹ, lại tự cáng đáng kinh tế nuôi con?
Cuộc sống hôn nhân lúc đó không còn lối thoát. Mình và chồng cũ không bao giờ có tiếng nói chung, mình còn nhiều lần bị bạo hành. Thế nên mình nghĩ thà đơn thân nuôi con còn hơn chịu đựng như thế. Mình nghĩ một mình tuy vất vả nhưng vẫn tốt hơn vừa vất vả, vừa bị khủng bố tinh thần. Chỉ cần được ở bên con là đủ rồi. Thời gian đó, mẹ và em gái luôn phụ giúp mình nuôi bé.
Trong khoảng thời gian một mình nuôi con. Có câu chuyện nào gắn liền với những khó khăn về cả vật chất và tinh thần mà chị nhớ mãi?
Điều làm mình nhớ mãi là mình phải chuyển nhà không biết bao nhiêu lần. Có khi 2 mẹ con mình vừa dọn đến, chưa kịp ở thì đã bị chủ nhà đuổi đi. Mình cũng không biết tại sao dù đi đến đâu, chồng cũ cũng tìm ra, ngay cả dọn đi trong đêm. Thế là mình và con gái phải trốn sang nhà bạn mẹ mình ở nhờ và đợi đến sáng để bắt chuyến tàu sớm nhất ra Huế. Mẹ con mình ra Huế với duy nhất một bộ đồ mặc trên người, không có hành lý. Đúng lúc đó, Huế đang mùa lạnh nên mẹ con mình phải xin quần áo chị họ mặc tạm.
Thời điểm chị Tyna quyết định làm mẹ đơn thân, con gái chị mới hơn 1 tuổi.
Điều gì đã tiếp thêm sức mạnh cho chị vượt qua những khó khăn đó?
Mỗi lần nhìn con, mình lại cảm thấy chỉ cần có con thôi. Mọi việc mình nhờ Chúa lo liệu giúp và thực sự Chúa đã sắp xếp hết mọi việc cho 2 mẹ con mình.
Con gái chính là động lực giúp chị Tyna vượt qua khoảng thời gian làm mẹ đơn thân vất vả.
Sau quãng thời gian đầy khó khăn đó, mối quan hệ giữa chị và chồng cũ như thế nào? Anh ấy có thực hiện nghĩa vụ làm cho với con gái?
Mình không bao giờ nghĩ đến chuyện nhờ chồng cũ trợ cấp nuôi con vì mình không muốn đôi bên liên quan gì nữa. Đến bây giờ, những nỗi sợ trong quá khứ vẫn ám ảnh mình. Con gái mình biết con có 2 người ba nhưng không muốn liên lạc. Con luôn nói: “Với con, ba Armin mới là ba con. Con không muốn có ba khác”.
Ông xã hiện tại của mình bảo mình nên tha thứ để không phải bận tâm nhiều nên thỉnh thoảng mình cũng gửi ảnh con cho ba ruột của bé xem, chứ không trò chuyện.
Từng trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, điều gì đã thuyết phục chị mở lòng đón nhận hạnh phúc mới?
Mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp được ông xã hiện tại. Nói thật ra là mình sợ hôn nhân. Thế nhưng tụi mình cứ nói chuyện vui qua lại, mình cảm nhận được sự quan tâm thật lòng của anh ấy. Dù ở xa nhưng anh luôn bay về gặp mẹ con mình khi có thời gian, cứ 2 - 3 tháng, anh ấy lại về 1 - 2 tuần. Có lần mình ăn chay, chỉ ăn cơm với muối tiêu cay và thật sự mình cảm thấy rất ngon thì anh gọi về hỏi mình ăn gì. Mình mới bảo là ăn cơm với muối. Anh không nói gì hết nhưng tầm 1 tiếng sau, anh gửi mã code ngân hàng để nhận tiền và bảo mình mua món gì ngon mà ăn. Ông xã mình ít nói và không phải tuýp người ga lăng nhưng luôn chiều vợ con hết lòng.
Anh chị bị thu hút điểm gì ở đối phương?
Mình nghĩ vợ chồng mình không bị thu hút lẫn nhau mà đều cùng nghĩ cho con gái mình nên đến với nhau. Anh ấy đồng cảm với hoàn cảnh của mình, thương bé nên thương luôn mẹ. Mình thương con nên cũng thương anh - một người xa lạ nhưng lại ngỏ lời cùng mình nuôi con gái.
Sau này mình hỏi vì sao anh lại thương Suri như thế thì anh có bảo vì con kêu anh là ba nên anh cảm thấy rất hạnh phúc. Anh muốn giúp 2 mẹ con mình có cuộc sống đủ đầy hơn.
Con riêng của chị Tyna chính là "cầu nối" giúp mẹ và bố dượng nên duyên.
Chị có thể bật mí thêm về mối quan hệ của ông xã chị và con riêng của vợ ở thời điểm hiện tại?
Ông xã mình và bé rất thân nhau. Anh ấy luôn đồng hành cùng con trong mọi việc, như đi học phụ huynh. Nếu trường cần gì, anh ấy sẽ là người xung phong tham gia vì không muốn bỏ lỡ bất kỳ dịp nào của con. Có lúc trường đi ngoại khoá và trường cần một vài phụ huynh giúp đỡ, thế là anh ấy xin nghỉ làm cả tuần để đồng hành cùng con. Những điều con cần, anh đều ghi chú lại và thực hiện khi có dịp. Thỉnh thoảng, 2 cha con lại đi xem phim hay nhạc kịch.
Vậy còn bố mẹ anh Armin thì sao, gia đình chồng đã đón nhận mẹ con chị như thế nào?
Ngày mình sang Đức, vợ chồng mình giữ bí mật để gây bất ngờ cho ông bà. Mẹ chồng đã khóc khi ôm mẹ con mình. Ba mẹ chồng rất tốt tính và dễ chịu, luôn quan tâm mình từ những điều nhỏ nhặt. Chẳng hạn như khi đi chơi, ông bà sẽ để ý thời tiết để mang nón cho mình khi trời nắng, nước suối không có ga cho mẹ con mình (vì nhà chồng quen uống nước suối có ga), bao tay hay áo khoác nếu trời lạnh. Mẹ chồng mình luôn âm thầm chăm sóc mình như thế.
Mẹ con chị có gặp khó khăn khi thích nghi với cuộc sống ở Đức?
Lúc mới sang, nhiều khi nhớ Việt Nam lắm nhưng ông xã và ba mẹ chồng luôn đồng hành cùng bọn mình. Cuối tuần, cả nhà sẽ ra ngoài đi chơi rồi hàng tuần ông bà đều lên thăm. Ông ba rất yêu thương 2 mẹ con. Thế nên mình không cảm thấy khó khăn mà luôn biết ơn và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Trong gia đình, anh Armin là người chồng và người cha như thế nào? Anh có thường xuyên giúp chị làm việc nhà và chăm sóc con?
Anh ấy dạy con theo kiểu nếu con không nghe lời thì để con tự làm theo ý con và tự gánh hậu quả. Có lần, bé lớn nhà mình chỉ thích ăn nui sốt cà chua, còn lại món nào bé cũng chê. Thế là ông xã mình bảo cứ cho con ăn nui sốt cà chua trong 2 tuần đi. Lúc đầu, mình cũng xót con lắm nhưng vẫn làm theo. Sau 2 tuần, bé nhà mình đến giờ không bao giờ dám kén ăn hay chê món nào mẹ nấu nữa. Ngoài ra, anh ấy cũng dạy các bé cách tự vệ và phòng thân.
Cuối tuần, ông xã mình thường là người nấu ăn. Bọn mình chia sẻ việc nhà và nuôi dạy con nhưng không phân chia hay so đo tại sao việc này em làm mà anh không làm và ngược lại. Khi mình đi gặp bè, anh ấy sẽ ở nhà trông con. Bọn nhỏ nhà mình bám ba, việc gì cũng muốn ba làm nên mình không vất vả (cười).
Vợ chồng mình có gặp mâu thuẫn trong vấn đề nuôi dạy con vì khác biệt văn hoá?
Bọn mình thống nhất với nhau, một người đang dạy con thì người kia không phản đối. Ông xã đang nói thì mình không xen vào và ngược lại.
Mình hay la con nhưng không hiểu vì sao các con lại sợ bố hơn, dù bố không bao giờ nói lớn tiếng. Thế nhưng không đứa nào lớn tiếng với mẹ cả. Có lần bé nhà mình quát lại mẹ thì anh ấy kêu lớn tên con và bảo con là con có thể làm gì cũng được nhưng tuyệt đối không được lớn tiếng với Mama.
Bé Suri xinh đẹp, dịu dàng ở tuổi lên 9.
Một số nguyên tắc nuôi dạy con của chị, chị kỳ vọng các con sẽ trưởng thành như thế nào?
Ban đầu, mình cũng kỳ vọng con sẽ làm này làm kia, nhưng ông xã bảo mình hãy để con làm những gì con thích, bố mẹ cứ đồng hành và ủng hộ con. Vợ chồng mình muốn trở thành chỗ dựa để con có thể trải hết nỗi lòng mình. Nếu con sai, tụi mình sẽ cùng con sửa sửa. Việc của bố mẹ là nhắc nhở khi con làm sai và khích lệ con, không bắt ép con làm những điều con không thích. Mình muốn con học piano hay violin nhưng bé thích thổi sao thì mình cũng ủng hộ.
Ông xã mình trước đây chơi sáo nên tối nào 2 cha con cũng luyện tập với nhau sau khi hoàn thành bài vở ở trường. Mỗi lần, bé có biểu diễn ở trường hay bất cứ đâu, vợ chồng mình, ông bà và các cô đều lái xe đến xem dù màn trình diễn chỉ khoảng 5 phút.
Cuộc sống bên này thì rất bình yên, mỗi ngày điều trôi qua nhẹ nhàng. Mình chỉ mong các con có sức khỏe và làm công dân tốt là được. Sống hạnh phúc hay không thì do mình thấy đủ là được.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!