Cậu bé 12 tuổi Trần Gia Hưng đã khiến cả nước trầm trồ với màn thể hiện xuất sắc trong tập 3 chương trình "Siêu trí tuệ Việt Nam". Đây là cậu bé 12 tuổi với khả năng tính nhẩm cực siêu. Để có được những thành tích nổi bật đó, em đã phải tập trung và nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập, hơn nữa một yếu tố không thể không kể đến đó là sự đồng hành hỗ trợ giáo dục vô cùng bài bản của gia đình, đặc biệt là từ ông nội và bố.
Gia đình nhỏ của chị Thu Hà có tất cả 5 thành viên, bé Gia Hưng là con út trong nhà
Hãy cùng trò chuyện với chị Phạm Thu Hà - mẹ của bé Trần Gia Hưng để hiểu hơn về cuộc sống hiện tại và chặng đường em đã đi qua trên hành trình vươn tới đỉnh cao toán học.
Chào chị Thu Hà, được biết ngày mang bầu bé Gia Hưng chị đã bước sang tuổi ngoại tứ tuần. Có thai khi đã lớn tuổi chị có gặp khó khăn nào không?
Mình mang bầu bé Gia Hưng rất muộn vào tuổi ngoài 40, nên bao nhiêu niềm vui cũng là bấy nhiêu nỗi lo âu. Ngày mình nhận được tin có bầu bé cũng là khi biết tin bà nội của Gia Hưng mắc bệnh ung thư thanh quản. Vì bố của bé phải thường xuyên ở bệnh viện chăm sóc bà nội nên mình phải một mình vượt qua những khó khăn trong thai kỳ.
Trong 3 tháng đầu có đến 2 đợt động thai và khi đi bác sĩ kiểm tra thì thấy phần lớn phôi thai không còn bám vào dạ con. Khi đó, bác sĩ cũng lắc đầu nói “Tiếc quá chị ạ”. Mình quyết tâm bằng mọi giá giữ con lại bằng cách nằm bất động trong nhiều ngày. Điều kỳ diệu đã đến khi mình bắt đầu bị nghén nặng và sụt đến 6kg trong 3 tháng, mặc dù vậy mình rất vui vì điều đó có nghĩa là con đã ở lại và đang phát triển bình thường.
Sự ra đời của Gia Hưng cũng đã trở thành niềm động lực lớn lao giúp bà nội của bé cố gắng vượt qua quá trình điều trị đầy gian nan để được nhìn thấy bé ra đời và khôn lớn.
Chị Hà mang bầu bé Gia Hưng rất muộn, ở tuổi ngoài 40
Chị đã trải qua cuộc “vượt cạn” chào đón Gia Hưng như thế nào?
Có một điểm thú vị là cô nữ hộ sinh hôm đó vô tình cũng chính là người đã đỡ bé thứ hai của mình 5 năm trước và cô cũng luôn động viên mình nhiều trong quá trình vượt cạn suốt hơn 8 tiếng. Mình đã rất cố gắng vượt qua đau đớn của bản thân để con được sinh thường nhưng cuối cùng phải sinh mổ do con bị tràng hoa quấn cổ mà bác sĩ nói có lẽ đã xuất hiện gần ngày sinh. Giây phút được nghe tiếng khóc của con, biết con đã an toàn và khoẻ mạnh thật thiêng liêng và ý nghĩa đối với gia đình.
Bật mí là không ai biết trước giới tính của bé trước khi ra đời nhé. Mình luôn quan niệm con là món quà vô giá mà ông trời ban tặng, dù trai hay gái đều là tuyệt vời.
Sự ra đời của Gia Hưng cũng đã trở thành niềm động lực lớn lao giúp bà nội cố gắng vượt qua quá trình điều trị đầy gian nan để được nhìn thấy bé ra đời và khôn lớn.
Sau sinh bé Gia Hưng, chị còn rất nhiều việc phải lo. Lo cho con gái đầu 14 tuổi, lo cho con gái thứ 2 hơn 5 tuổi chập chững chuẩn bị những ngày đầu tiên vào lớp 1. Vậy đâu là quỹ thời gian mà mẹ dành cho em út?
Những năm Gia Hưng còn nhỏ, dù bận rộn mấy, mẹ vẫn phải phân bổ quỹ thời gian để có thể chăm con được tốt, vì con nhỏ vẫn cần sự quan tâm chăm sóc của mẹ nhất. Rất may là có sự hỗ trợ của bà ngoại và nhiều người khác, nếu không sẽ rất khó khăn với tính chất công việc ngân hàng khá bận rộn của mẹ.
Khi con lớn hơn chút và đã có nhu cầu vận động thể thao thì mẹ bàn giao cho bố để cùng đá bóng, tập bơi, và sau này là chơi cờ …
Có phải chị muốn Gia Hưng biết chơi bóng, đánh cờ… nên giao trọn trách nhiệm kèm cặp con trai cho bố không ạ?
Giao nhiệm vụ cho bố kèm cặp con trai cũng một phần mong muốn bố con có điều kiện gần gũi và gắn kết hơn về mặt tình cảm và cũng để con trai được phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Còn mẹ dù không trực tiếp hướng dẫn kèm cặp con học hay chơi thể thao cùng con thì vẫn là người ở bên cạnh con trên từng chặng đường, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, quần áo, sức khoẻ và nhiều thứ khác nữa.
Vì vậy, cả con và bố đều luôn hiểu và trân trọng những gì mẹ đã âm thầm làm cho gia đình. Và đối với mình đó là điều quan trọng và đáng quý nhất. Hơn nữa mình cho rằng bố mẹ cũng nên san sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái cùng nhau sao cho phù hợp.
Ví dụ, con gái sẽ hay cần mẹ để tâm sự tỉ tê và con trai sẽ hay nói chuyện với bố hơn, nhất là về chuyện bóng đá.
Anh Trần Ngọc Sơn (Bố của bé Gia Hưng) chính là người có trách nhiệm kèm cặp con trai nhiều nhất
Vậy có phải bố là người giúp Gia Hưng học và tính nhẩm không, thưa chị?
Gia đình chỉ có mình ông nội của Gia Hưng là tính nhẩm rất giỏi vì ông từng là giáo viên toán cấp 3, từ thời mọi người không bị lệ thuộc vào máy tính và ông cũng là người thầy đầu tiên dạy Gia Hưng các phép tính nhẩm đơn giản từ khi Gia Hưng chưa đến trường.
Còn để có thể tính nhẩm siêu tốc như hiện nay, thì vai trò của các thầy cô đã từng dạy con theo phương pháp dùng bàn tính soroban là vô cùng quan trọng.
Gia Hưng thừa hưởng trí thông minh và những lập luận sắc bén từ ông nội từng là Hiệu trưởng một trường cấp 3
Gia Hưng mấy tuổi thì gia đình cho con tiếp xúc với phương pháp tính nhẩm?
Gia đình bắt đầu cho con đi học tính nhẩm từ khi 8 tuổi, đều đặn 2 giờ mỗi tuần, bắt đầu với phương pháp dùng bàn tính Soroban. Sau một thời gian dùng quen bàn tính Soroban rồi thì con chuyển sang tính bằng bàn tính ảo.
Đến năm 2018 thì Gia Hưng thật sự bộc lộ khả năng tính nhẩm cũng như tư duy toán học của mình. Đó là khi con tham dự một số kỳ thi tính nhẩm và toán olympic quốc tế và luôn đạt giải cao trong các kỳ thi này.
Nhiều người nói Gia Hưng thông minh là do gene di truyền từ ông nội và bố, họ đều là những người rất giỏi, điều này có đúng không?
Các yếu tố đó chắn chắn cũng là một phần giúp con thông minh, tuy nhiên gia đình và bé cho rằng các yếu tố về gene di truyền chỉ chiếm khoảng 10% thôi. Phần lớn là dựa vào sự nỗ lực và kiên trì luyện tập của bé.
Hình ảnh Gia Hưng ngày nhỏ
Sau tập phát sóng của chương trình Siêu trí tuệ Gia Hưng nhận được nhiều sự quan tâm và khâm phục của mọi người, con trở thành tâm điểm của sự chú ý, điều này liệu có ảnh hưởng gì tới cuộc sống cũng như học tập của Gia Hưng?
Gia đình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc vì con có điều kiện được tham gia một sân chơi bài bản và chuyên nghiệp như Siêu Trí Tuệ Việt Nam để bé thể hiện tài năng cũng như thử thách giới hạn của bản thân, có được sự ủng hộ và yêu mến từ số đông khán giả.
Tuy vậy, gia đình cũng muốn tạo điều kiện cho con phát triển và tận hưởng tuổi thơ một cách bình thường như các bạn đồng trang lứa. Vậy nên, ngay sau chương trình, Gia Hưng đã ngay lập tức quay trở lại trường để tiếp tục việc học. Các hoạt động hàng ngày của con vẫn diễn ra như thường lệ và không có thay đổi gì nhiều.
Với người lạ Gia Hưng tỏ ra là cậu bé ít nói nhưng với bạn bè và người quen cậu nói liên mồm, thường đưa ra những lập luận sắc bén
Xuất hiện trên sóng truyền hình Gia Hưng là cậu bé lanh lợi, thông minh, ít nói. Vậy ở nhà, tính cách của con như thế nào?
Gia Hưng vốn ít nói trước đám đông và người lạ. Còn với bạn quen hay ở nhà thì con nói rất nhiều, và thường đưa ra những lập luật chặt chẽ sắc bén trong các câu nói của mình.
Từ chính quan điểm nuôi dạy con cái của mình, chị có muốn nhắn nhủ gì đến các bậc phụ huynh có con cùng trang lứa với Gia Hưng không?
Gia đình nghĩ rằng tương lai và sự phát triển của con cái phụ thuộc vào một phần không nhỏ của yếu tố môi trường, bao gồm gia đình, nhà trường và bạn bè. Vậy nên, nếu các gia đình cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để đồng hành cùng con, hiểu rõ khả năng/sở trường của con là gì để có thể hỗ trợ con khám phá năng lực của mình sẽ là một điều rất tốt.
Đồng thời, bí quyết thành công trong việc hiện thực hoá ước mơ cũng như tiềm năng của các bé nằm ở chỗ gia đình biết cách khơi dậy niềm đam mê và truyền cảm hứng cho con cái. Vì thật ra các bé vẫn còn nhỏ, vậy nên trong quá trình học bất cứ bộ môn nào dù các bé có yêu thích đến đâu cũng sẽ có những giai đoạn khó khăn.
Trong một chương trình truyền hình Gia Hưng khiến khán giả "sốc" vì khả tính nhẩm quá siêu.
Đặc biệt là giai đoạn đầu khi các bé chưa quen, thấy khó sẽ rất dễ nản chí và từ bỏ. Những lúc như vậy gia đình sẽ phải kịp thời động viên tạo động lực và truyền cảm hứng cho các bé vượt qua được thời điểm khó khăn này thì sau đó các bé sẽ dễ dàng theo đà và tiếp tục theo đuổi đam mê.
Điều cuối cùng gia đình muốn nhắn nhủ là mỗi bé sẽ có sở trường riêng ở các lĩnh vực khác nhau, chỉ cần cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và tạo điều kiện để con theo đuổi ước mơ, thì gia đình tin chắc rằng các bé khi lớn lên sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho dù ở bất cứ ngành nghề nào.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!