Đau bụng là một hiện tượng dễ gặp trong thời gian mang thai nhưng thường khiến mẹ bầu lo lắng vì bụng là bộ phận có mối liên hệ trực tiếp với em bé. Đau bụng đôi khi chỉ là triệu chứng bình thường do những thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai, nhưng cũng có trường hợp là bất thường, nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Vậy mẹ bầu phân biệt những kiểu đau bụng khi mang thai bằng cách nào và khi nào thì cần đến bệnh viện?
Đau bụng khi mang thai có thể do nguyên nhân bình thường hoặc nguy hiểm nên mẹ luôn cần lưu tâm. (Ảnh minh họa)
1. Đau bụng thai kỳ bình thường
1.1. Những nguyên nhân gây đau bụng cho bà bầu không đáng lo
Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng đau bụng khi mang thai ở các bà bầu nhưng lại không đáng lo, bao gồm:
Thai làm tổ trong buồng tử cung
Thời gian đầu của quá trình mang thai, sự hình thành và làm tổ của thai nhi trong buồng tử cung khiến mẹ có dấu hiệu đau bụng hơi nhói. Hoặc đau râm ran khó chịu. Tuy nhiên hiện tượng này là bình thường ở nhiều thai phụ và sẽ mất đi trong khoảng ít ngày sau đó.
Thai nhi đạp trong bụng mẹ
Phần lớn các chị em mang thai sẽ gặp hiện tượng thai nhi đạp trong bụng. Đây là một hiện tượng rất bình thường minh chứng cho thấy em bé đang phát triển rất tốt.
Vậy nhưng đến giai đoạn thai nhi bắt đầu đạp mạnh cũng là lúc thành bụng của mẹ dần trở nên căng cứng hơn so với bình thường. Khi đó, cảm giác đau vùng bụng dưới ở mẹ được cảm nhận rất rõ rệt nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu và dần dần biến mất.
Khi mới mang thai, việc thai "làm tổ" trong tử cung có thể khiến mẹ bị đau bụng lâm râm và ra một chút máu. (Ảnh minh họa)
1.2. Đặc điểm cơn đau bụng thai kỳ bình thường
Trong thời gian mang thai, mẹ sẽ có cảm giác đau bụng lâm râm thường xuyên hoặc đau nhói, ở phần bụng dưới hay bẹn. Khi thai nhi phát triển, đôi khi có thể gây ra các cơn đau ở một hoặc cả hai bên bụng của mẹ. Hiện tượng đau bụng này hay xảy ra vào 3 tháng đầu thai kỳ, nhưng cũng có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.
Đau bụng thai kỳ bình thường có liên quan đến sự vận động, cảm thấy đau bụng khi ho, hay những lúc ngồi xổm hoặc khi đứng dậy... đau không tăng lên và thường có xu hướng giảm đi khi nghỉ ngơi,thư giãn. Mẹ cần nằm nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều, không mang vác nặng từ 5 kg trở lên. Triệu chứng đau bụng lâm râm sẽ hết, không cần dùng thuốc giảm đau. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thỉnh thoảng có cơn đau sinh lý, bụng co nhẹ sau đó hết.
2. Đau bụng thai kỳ nguy hiểm
2.1. Những nguyên nhân gây đau bụng ở bà bầu đáng lưu tâm
Bên cạnh những nguyên nhân gây đau bụng đơn giản do sự phát triển cần thiết của thai nhi và không đáng lo thì cũng có rất nhiều những nguyên nhân nguy hiểm hơn như:
Thai ngoài tử cung
Mẹ bầu thường xuyên bị những con đau bụng hành có thể là do mẹ đang mang thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung cũng như dấu hiệu chảy máu trong thời gian mang thai từ 6 – 10 tuần cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu cảm thấy đau bụng. Mẹ bầu cần khẩn trương tới gặp bác sĩ và khám thai ngay lập tức.Nếu mẹ bầu cảm thấy một bên của bụng dưới đau như bị xé hoặc đau từng cơn, cơn đau kéo dài hoặc lên cơn nhiều lần, thường có cảm giác buồn nôn, nôn mửa, âm đạo chảy máu bất thường… thì phải đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ chuyên khoa khám và có biện pháp chữa trị.
Nhiễm trùng đường tiểu
Một số mẹ bầu thường xuyên đi tiểu, có cảm giác ngứa hoặc rát bỏng mỗi lần đi tiểu cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu. Mẹ bầu cần tới gặp bác sĩ để chữa trị ngay lập tức nếu không muốn ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi.
Biểu hiện: nhiễm khuẩn bàng quang, khi đi tiểu cảm thấy đau, rát; đau bụng dưới và bị áp lực ở vùng xương chậu; thường xuyên đi tiểu; nước tiểu có mùi khó chịu, vẩn đục hoặc có thể lẫn với máu… mẹ bầu cần đến bệnh viện để được kiểm tra và chữa trị, tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Đau bụng do sảy thai
Sảy thai thường có thể xảy ra trong khoảng 7 tháng đầu. Khi thấy xuất hiện một số biểu hiện như đau bụng, đau lưng, âm đạo ra nhiều máu… Tiếp theo đó là máu ở âm đạo ra ngày càng nhiều, hoặc trong tử cung có máu hoặc máu cục, gây đau bụng dữ dội… thì nguy cơ bị sảy thai là rất cao.
Nếu mẹ bầu cảm thấy đau bụng và xuất hiện đốm máu hoặc chuột rút thì có thể đó là do sẩy thai. Phát hiện những dấu hiệu như vậy, mẹ bầu cần tới gặp ngay bác sĩ phụ khoa để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Những cơn đau bụng dữ dội, kéo dài có thể là triệu chứng bệnh lý nguy hiểm ở bà bầu. (Ảnh minh họa)
Các vấn đề về tử cung
Trong một số trường hợp, khi nhau thai bắt đầu tách ra khỏi thành tử cung, mẹ bầu sẽ phải trải qua những cơn đau xung quanh vùng bụng. Với trường hợp này, mẹ bầu không cần quá lo lắng, cố gắng hoạt động nhẹ nhàng để tránh những cơn đau dữ dội. Tử cung mở rộng cũng sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy đau bụng. Điều này có thể gây táo bón và một số vấn đề về tiêu hóa.
Sinh non
Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đau bụng kèm theo những cơn co thắt, đây có thể là dấu hiệu sinh non. Mẹ bầu nên đi khám bác sĩ thường xuyên trong giai đoạn này để nhận những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ.
Các mẹ bầu có thể sẽ sinh non nếu có những cơn co thắt trong khoảng từ tuần thứ 20 – 36 của thai kỳ với những biểu hiện như: những cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5 – 10 phút/lần, kéo dài 30 giây, âm đạo chảy máu, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút v.v…nhận ra áp lực ở vùng xương chậu.
Tiền sản giật
Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, bắt đầu từ tuần 19 trở đi mẹ bầu cần cảnh giác cao với hiện tượng này. Tiền sản giật bao gồm các rối loạn như tăng huyết áp và protein niệu kèm theo các rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương như đau đầu, nhìn mờ, cơn co giật, hôn mê.
Bong nhau thai
Trong một số trường hợp, mẹ bầu gặp phải tình trạng bong nhau thai gây cảm giác đau đớn bởi lúc này tử cung dần trở nên căng cứng.
Đau bụng dưới khi mang thai những tháng cuối do bong nhau thường đi kèm hiện tượng dịch âm đạo tiết ra nhiều. Đôi khi có thể xuất hiện lẫn máu đỏ hoặc màu đen. Mẹ bầu chớ chủ quan nếu có bất kỳ triệu chứng khác thường kể trên.
Những nguyên nhân khác
Ngộ độc thực phẩm, táo bón, cơn co, căng dây chằng, sỏi thận, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày…cũng có thể là lí do khiến đau bụng. Bởi vậy, với những cơn đau bụng thì mẹ bầu càng không được chủ quan, phải đi khám sớm để có trị liệu hiệu quả.
2.2. Triệu chứng đau bụng khi mang thai nguy hiểm
Triệu chứng đau bụng khi mang thai xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như ra huyết âm đạo thì đây là dấu hiệu bất thường, có khả năng ảnh hưởng lớn đến thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu. Triệu chứng của đau bụng này là đau từ vùng rốn xuống đến xương mu, đặc tính cơn đau có thể đau bụng râm râm, hoặc đau bụng từng cơn…
Đây là tình trạng bệnh lý, thường gặp dọa sảy thai. Đau bụng khi mang thai cũng có thể xảy ra trong những tháng tiếp theo và đến tận ngày có dấu hiệu chuyển dạ đẻ. Cơn đau bụng xảy ra trong giai đoạn này thường do động thai hay dọa đẻ non, rau tiền đạo…
Một khi có dấu hiệu đau bụng, quá sức chịu đựng của mẹ, hoặc có khuynh hướng tăng hoặc đi kèm các triệu chứng khác như: nôn ói, đau tăng lên khi tiểu tiện, đại tiện, thay đổi tính chất của phân (có đàm hay máu, phân lỏng..), sốt, ra huyết ấm đạo,… nhất thiết mẹ phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh và tìm hướng điều trị, cắt cơn đau bụng, điều trị giữ thai để bảo đảm cho thai nhi được an toàn, phát triển tốt.
Đồng thời mẹ cần nằm nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường, cùng với sự chăm sóc và ăn uống phù hợp. Từ đó việc điều trị mới mang lại kết quả tốt.
Ngoài việc đau bụng khi mang thai có nguyên nhân liên quan sản phụ khoa. Triệu chứng đau bụng cũng có thể gặp khi mẹ bị rối loạn tiêu hóa, mẹ bị nhiễm trùng tiểu, mẹ bị viêm ruột thừa, mẹ bị sỏi thận… Ngoài triệu chứng đau bụng, sẽ kèm theo các triệu chứng khác điển hình của bệnh lý kể trên. Trong trường hợp này cần phải thăm khám và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, thì cơn đau bụng sẽ hết.
Khi bị đau bụng kèm theo các dấu hiệu sức khỏe bất thường như sốt, xuất huyết, tiểu buốt, khó thở, đau đầu, buồn nôn,... mẹ cần phải gọi bác sĩ ngay. (Ảnh minh họa)
3. Khi nào mẹ nên đến bệnh viện hoặc gọi bác sĩ?
Khi bị đau bụng trong thai kỳ, mẹ bầu cần gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện kiểm tra khi thấy một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng có kèm theo xuất huyết.
- Ra máu/ ra nước hoặc bị chuột rút nhẹ.
- Bị co thắt suốt 2 tiếng, cứ mỗi tiếng lại có 2 cơn co thắt.
- Đau bụng kèm theo tiểu buốt, khó tiểu, hoặc tiểu ra máu.
- Đau bụng kèm theo đau đầu dữ dội, rối loạn thị lực, nhìn mờ.
- Đau bụng và phù bất thường ở phần tay, chân, hoặc mặt.