Buổi chiều hôm đó, khi tan học trở về nhà, con tôi lao một mạch lên phòng, ném chiếc cặp vào góc giường rồi nằm vật ra. Điệu bộ của con bé cho tôi biết chắc chắn một điều con gặp chuyện gì đó không vui. Ở cái tuổi ẩm ương dậy thì này, dĩ nhiên con gái tôi chắc sẽ cảm thấy bất an với rất nhiều vấn đề. Và tôi không thể nào làm ngơ trước những thay đổi đó của con. Bởi vậy, tôi nhờ chồng nấu hộ bữa cơm để lên phòng, trò chuyện cùng con gái…
Khi thấy tôi bước vào, con bé có biểu hiện hơi khó chịu. Có lẽ con muốn riêng tư một chút nhưng rồi tôi đã cố gắng tạo sự thoải mái nhất cho con:
- “Con gái mẹ có việc gì à? Sao trông con buồn thế?”
Con tôi vẫn úp mặt vào chiếc gối không nói gì. Con bé bình thường lí lắc là thế, khi hậm hực không nói gì như vậy chắc chắn là có vấn đề nghiêm trọng. Trong khi tôi còn chưa kịp định thần thì con ngồi bật dậy, đôi mắt ầng ậc nước:
- “Mẹ, người con bị bốc mùi ấy. Cái thứ mùi hôi kinh tởm. Chính con cũng không phát hiện ra cho tới khi bạn con nó nói. Con xấu hổ vô cùng. Sao lại thế mẹ nhỉ? Rõ ràng ngày nào con cũng tắm mà cứ đến cuối giờ chiều là người lại hôi rình… Nhất là vùng nách ấy. Con phải làm sao bây giờ”.
Nói xong, con bé lại úp mặt vào gối. Có lẽ con tôi ngại. Thú thật, tôi cũng thấy mình hơi vô tâm trước vấn đề này. Mỗi sáng con đi học đều thay quần áo sạch sẽ, ngày nào con cũng tắm rửa nên tôi cũng không lường trước được việc con tới trường, vận động nhiều và cơ thể sẽ thay đổi khi con bước vào tuổi dậy thì. Cũng chính bởi vậy mà đã để con rơi vào tình huống này.
Con gái tôi năm nay 15 tuổi, đang học lớp 9. Ở độ tuổi này con tất nhiên là sẽ rất ngại nếu bị bạn bè cười chê điều gì đó. Tôi vỗ nhẹ vào lưng con, động viên:
- “Không phải vấn đề từ con đâu, lỗi tại “anh bạn” dậy thì đó. Nhưng không có gì là không khắc phục được cả. Mẹ sẽ giúp con… Nhưng trước tiên, mẹ con mình cần hiểu rõ hơn về bản chất của việc này đã, được không?”
Con bé ngồi bật dậy, ánh mắt đầy những trông đợi. Tôi bắt đầu giải thích để con hiểu:
Vì sao đến tuổi tuổi đậy thì lại gặp phải vấn đề “rau mùi” của cơ thể?
Lứa tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn với những thay đổi của cơ thể và cả tâm sinh lý. Trong đó, việc cơ thể tỏa ra những thứ mùi không dễ chịu là điều khá phổ biến. Theo thống kê, trong 100 trẻ ở độ tuổi dậy thì thì có ít nhất 13 trẻ mắc các bệnh liên quan đến mùi cơ thể.
Một số người xuất hiện mùi hôi nách, một số mắc bệnh hôi chân, ra mồ hôi tay hoặc tế nhị như mùi vùng kín. Đây là biểu hiện tác dụng phụ của quá trình gia tăng hormone kích thích sinh trưởng toàn diện cơ thể của trẻ.
Nguyên nhân chính của việc này là do khi hormone sinh trưởng hoạt động mạnh mẽ sẽ làm tăng tiết tuyến mồ hôi trên diện rộng. Hơn 3 triệu đầu tuyến eccrine (nơi thoát nước điều hòa nhiệt độ của cơ thể) và hàng ngàn đầu tuyến apocrine (tuyến thải độc trên da) được hoạt động hết công suất hoặc hơn thế nữa. Điều này khiến trẻ dễ dàng ra nhiều mồ hôi như vậy ngay cả khi không hoạt động.
Tuổi dậy thì, các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn và tiết mồ hôi nhiều hơn. Nếu được kịp thời lau ngay thì không sao, nếu không, mồ hôi đọng lại trên da và bị các vi khuẩn trên da phân hủy, tạo mùi. Cơ thể bốc mùi chắc chắn làm cho người xung quanh khó chịu nhưng bản thân các bạn lại rất ít hoặc không nhận ra vì đã quen với mùi mồ hôi của mình.
Ở độ tuổi nào cơ thể bắt đầu phát hiện những mùi hôi?
Có rất nhiều người bị phát bệnh ngay từ khi bắt đầu dậy thì hoặc sau đó 1 đến 2 năm, nhưng cũng có người không có mùi vì hệ thống tăng trưởng không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến tuyến mồ hôi. Độ tuổi trung bình trẻ bắt đầu có mùi hôi cơ thể do dậy thì là từ 11 – 17 tuổi.
Mùi cơ thể ở bộ phận nào phát ra?
- Thông thường, mồ hôi thường xuất hiện nhiều nhất ở dưới cánh tay. Đặc biệt là sau khi lao động, chơi thể thao hoặc vận động nhiều sẽ khiến cơ thể càng tỏa mùi nhiều hơn.
- Mùi hôi ở chân: Đây là tình trạng phổ biến ở những bạn thường xuyên đi giày, nhất là những bạn đi giày cả ngày. Có một lưu ý nữa là mùi hôi chân có thể là do nấm sống ký sinh trên da gây nên. Để tránh nhiễm nấm, không đi chân đất ở những nơi có khả năng lây nhiễm nấm từ chân người này sang chân người khác như bể bơi, bệnh viện... Nếu đã thực hiện vệ sinh tốt mà chân vẫn hôi thì cần đi khám da liễu để được điều trị kịp thời.
- Mùi vùng kín: “Rau mùi” vùng kín cũng xuất hiện khá thường xuyên, nhất là với các bạn nữ
Làm gì để khắc phục mùi cơ thể?
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa mỗi ngày, không mặc áo quá chật hoặc mặc lại quần áo khi chưa giặt sạch. Đây là việc nên làm đầu tiên trong việc ngăn mùi hôi cơ thể.
- Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, chú ý ăn uống các món có tính mát để nhiệt độ tự nhiên của cơ thể luôn mát mẻ.
- Lựa chọn quần áo thoáng mát, rộng rãi, thay quần áo thường xuyên.
- Với mùi hôi từ phần nách: nên thường xuyên cạo sạch lông nách, lau khô nách sau khi tắm, lăn thuốc khử mùi hoặc bột có chứa kẽm có bán tại các hiệu thuốc. Ngoài ra có thể dùng một số sản phẩm gần gũi, dễ kiếm như phèn chua, chanh tươi cắt lát rồi xát vào nách cũng rất hiệu quả. Mặc áo bằng vải khô thoáng, thoải mái. Áo chật, bó sát người hoặc áo bằng chất liệu vải pha nylon gây khó khăn cho việc thoát mồ hôi và khiến cho hôi nách trầm trọng hơn.
- Với mùi hôi từ chân: quan trọng nhất là rửa chân hàng ngày, từ hai lần trở lên, kỳ cọ sạch các ngón và khe giữa các ngón, lau khô rồi rắc thuốc khử mùi vào chân, khe chân, giày. Ngoài ra nên chọn tất bằng chất liệu bông vải sợi lại là cách rất tốt để hút ẩm, giảm mùi hôi chân, nên thường xuyên thay giặt tất và vệ sinh giày dép, phơi ở nơi khô thoáng.
- Với mùi hôi vùng kín: vệ sinh vùng kín và thay quần lót ít nhất hai lần một ngày, rửa bằng nước sạch rồi thấm khô bằng khăn bông, không thụt rửa sâu bên trong. Mặc quần lót vừa vặn, bằng chất liệu vải mềm, hút ẩm tốt.
Cuộc trò chuyện hôm đó của mẹ con tôi kết thúc với sự yên tâm phần nào của con gái. Tối, tôi dẫn con đi siêu thị để mua một số sản phẩm ngăn mùi. Con bé có đã ổn định tâm lý hơn nhiều. Hi vọng rằng, con gái tôi sẽ đón nhận chuyện này một cách dễ dàng và tự tin làm chủ tuổi dậy thì.