Da kề da (hay còn gọi là liệu pháp Kangoroo) được đánh giá là phương pháp tuyệt vời cho mẹ và bé, giúp con tăng cường hệ miễn dịch, mẹ giảm stress và gắn kết tình cảm đôi bên. Dù vậy, phương pháp này chỉ thường được ứng dụng vào thời điểm con mới chào đời hoặc trẻ sơ sinh, ít gia đình kéo dài việc da kề da khi con bước vào độ tuổi tập đi.
Chị Thu Phương (Hà Nội) lại có suy nghĩ khác. Chị vẫn duy trì tiếp xúc da kề da với con gái đến thời điểm hiện tại - khi bé Upi đã 30 tháng tuổi. Người đẹp Hà Nội cho biết đó là khoảng thời gian tuyệt vời giữa hai mẹ con, mang đến nhiều giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần, thậm chí còn tạo nên những khoảnh khắc vô cùng xúc động.
Chị Thu Phương và con gái.
Mẹ một con chia sẻ: "Hôm nay như thường lệ mình lại cởi hết quần áo nhảy lên giường để Upi được skin to skin với mẹ. 30 tháng nay rồi không một ngày nào mà hai mẹ con không e ấp tận hưởng hơi ấm của “đại tiệc” da kề da với nhau như thế. Con cũng hay đưa ra yêu cầu rất rõ ràng:
“Mommy I need hug” (Mẹ ơi con cần ôm)
“Mommy I need mommy titi” (Mẹ ơi con cần ti mẹ - Upi hay áp má và thơm lên ngực mẹ, chứ ko bú)
“Mommy I need mommy tummy”; (Mẹ ơi con cần bụng mẹ - Upi thích ngồi lên bụng mẹ để nhún, dùng tay day day nghịch mỡ hoặc nằm lên vì êm)
“Mommy, no clothes?” (Mẹ ơi, không mặc quần áo nhé? - ý em là cởi ra để nằm ôm nhau nhé).
Hôm nay em thơm hai bầu ngực mẹ, sờ bụng mẹ xong, em kéo cạp quần xíu của mẹ xuống và hét lên:
“Oh my god what is it?“ (Ối giời ơi cái gì thế này?)".
Bé Upi càng lớn càng xinh xắn và hiểu chuyện.
Có thể thấy khoảng thời gian da kề da đã tạo nên sợi dây gắn kết vô cùng thân mật giữa mẹ và con gái. Nhân cơ hội con gái nhìn thấy vết sẹo của mẹ, chị Thu Phương dạy con cách một đứa trẻ ra đời. Chị kể: "Mẹ bảo, vết sẹo đấy Upi ạ. Hồi xưa, Upi chỉ là một em bé bé tí như thế này nè, và mẹ đã tạo ra Upi bên trong bụng mẹ đấy! Rồi sau đó, Upi lớn dần lên, bụng mẹ cũng phình to lên thế này.
Một ngày nọ, Upi muốn ra ngoài, thế là mẹ đến bác sĩ, và bác sỹ mở bụng mẹ ra, bế Upi ra ngoài, rồi lại đóng bụng của mẹ vào. Thế là mẹ có cái vết này đó. Và bây giờ thì Upi đang ngồi ở đây với mẹ này! Con có thể gọi đây là cánh cửa của con. Cánh cửa đưa con ra với thế giới này! “Oh… cánh cửa!!!” - Upi nhắc lại, tỏ vẻ đã hiểu ra rồi".
Cách giải thích nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi phần nào đã giúp con gái Thu Phương thấu hiểu và cảm thấy đồng cảm. Cô bé có những phản ứng làm mẹ vô cùng xúc động. "Nó lặng nhìn vết sẹo rạch ngang bụng mẹ một lúc, rồi bất ngờ đặt lên đó một chiếc hôn. Tiếp sau đó là một nụ cười rồi áp chiếc má nhỏ xinh lên vết sẹo của mẹ. “Mommy, its a cut, its so, so, so, so, so….hurt! So so so so so so much Boo Boo!” (Mẹ ơi, nó bị cắt, nó rất rất rất rất rất là đau! Rất rất rất rất rất là booboo).
Mình bỗng nhoè hết cả khoé mắt. Ai mà nghĩ được một con bé chưa đầy 3 tuổi có thể hiểu được điều ấy và dành cho mẹ nó một sự chia sẻ trân trọng đáng yêu như vậy chứ!!! Mình vuốt tóc con nói: “Đúng là rất đau con ạ. Nhưng mà mọi thứ đều xứng đáng khi mẹ có Upi ở đây. Mẹ hạnh phúc lắm!”. Và để được làm lại, có chịu đau 10 lần như thế nữa mình cũng cam lòng. Làm mẹ một cô con gái như vậy thực sự là một diễm phúc cả đời này của mình, các mẹ ạ", người mẹ Hà Nội tâm sự.
Thời điểm Upi mới chào đời.
Câu chuyện của chị Thu Phương khiến nhiều người mẹ xúc động nhớ lại khoảng thời gian mang nặng đẻ đau của chính mình. Hơn thế, cách người mẹ Hà Nội nuôi dạy con gái mang đến hiệu ứng quá tuyệt vời, vừa gắn kết tình mẫu tử, vừa giáo dục giới tính và giúp con có thêm hiểu biết về thế giới.
Với những ai thường xuyên theo dõi các chương trình truyền hình và mạng xã hội, vợ chồng Thu Phương - Cee Jay không còn là cái tên xa lạ. Họ có chuyện tình đẹp giữ nàng tiểu thư Hà Nội và chàng trai Nigeria, cùng nuôi dạy con gái sắp 3 tuổi là bé Upi. Thu Phương cũng nổi tiếng là mẹ đảm, thường xuyên chia sẻ các phương pháp chăm sóc con được nhiều mẹ bỉm quan tâm. Được biết thời điểm mới chào đời, bé Upi nặng 4kg, chị Thu Phương đã đau chuyển dạ suốt 33 tiếng vì muốn đẻ thường. Cuối cùng, do đầu em bé to và mẹ thấm mệt nên bác sĩ đã chỉ định sinh mổ.
Tổ ấm nhỏ của tiểu thu Hà thành và chàng trai Nigeria.
Một vài lưu ý khi da kề da với trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi: Tiếp xúc da kề da giúp trẻ nhỏ điều chỉnh nhiệt độ, tăng cường khả năng miễn dịch và khuyến khích trẻ bú mẹ. Điều quan trọng là cha mẹ phải có cơ hội làm điều này trong vòng hai giờ đầu sau sinh và tiếp tục làm như vậy ở nhà. Hầu hết trẻ sơ sinh thích được ở gần cha mẹ. Tuy nhiên, khi em bé đã biết đi và trở nên độc lập hơn, con thường không thích tiếp xúc gần gũi. Bố mẹ có thể duy trì tiếp xúc da kề da với con như sau: Xoa nắn khớp Trẻ mới biết đi thường năng động, tích cực leo trèo, chạy nhảy và không ngừng tìm kiếm các hoạt động thể chất. Bạn có thể xoa nắn các khớp để xoa dịu trẻ, bằng cách ép nhẹ các điểm có áp lực vào nhau như giữa bàn chân và mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay hoặc cổ tay của con. Ôm ấp con Một cái ôm chặt có thể giúp con cảm thấy an toàn và được xoa dịu. Con có thể cảm thấy được lắng nghe và yêu thương bằng cách trấn an tinh thần thông những tiếp xúc sâu. Tắm chung với con Một số người có thể cảm thấy kỳ lạ khi tắm chung với trẻ mới biết đi, nhưng đó thực sự có thể là một trải nghiệm tuyệt vời. Nhiều gia đình thậm chí còn thực hiện thường xuyên, nhất là khi sinh nhiều con. Trẻ thường cảm thấy thoải mái hơn khi ngâm bồn nước ấm. Bố mẹ có thể mát-xa cho trẻ trong khi thoa kem dưỡng da. Bằng cách mát-xa, bạn cũng đang dạy trẻ về cơ thể của chúng và cách giúp cảm thấy dễ chịu hơn. |