Mỗi gia đình hiện đại đều sinh rất ít con để chuyên tâm nuôi dạy cho tốt. Tuy nhiên cũng chính vì điều này đã sinh ra những đứa trẻ được nuông chiều, bao bọc quá mức nên khi ra môi trường chung lại không thể theo kịp bạn bè.
Mới đây một bà mẹ ở Trung Quốc đã phàn nàn chuyện con mình bị đối xử bất công ở trường mẫu giáo. Người mẹ này kể rằng đã cho con đi học được một thời gian khá lâu rồi nhưng mới đây mới phát hiện ra chuyện con bị đối xử bất công.
Hóa ra là thời gian gần đây, theo nguyện vọng của phụ huynh trong lớp, cô giáo đã lập ra một nhóm chat để liên kết giữa giáo viên và phụ huynh. Hàng ngày cô giáo sẽ gửi hình ảnh và video học tập, vui chơi, ăn uống của các con để phụ huynh cùng biết.
Vào một ngày nọ, qua một đoạn video mà cô giáo của con gửi, người mẹ này đã không hài lòng vì bữa trưa ngày hôm đó, cô giáo đã cho con trai chị là người ăn cuối cùng của lớp. Trong khi các bạn học đều ăn xong, lên giường chuẩn bị đi ngủ thì cô giáo mới chậm rãi ngồi xúc từng thìa cho con trai chị ăn.
Người mẹ đã lập tức chat vào nhóm của lớp phàn nàn với cô giáo rằng cô cho con của chị ăn cuối cùng tức là lúc đó thức ăn đã nguội hết, đương nhiên sẽ không đảm bảo được độ ngon và vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy người mẹ yêu cầu từ bữa sau cô giáo phải cho con của chị ăn đầu tiên hoặc chí ít không được muộn như thế.
Một số người không phản bác lại ý kiến của người mẹ nhưng cũng có người đưa ra ý kiến rằng trong lớp thì cũng có bạn ăn trước bạn ăn sau. Chắc chắn cô giáo cũng không cố tình cho con trai của chị ăn sau. Cô giáo dù sao cũng đã rất kiên nhẫn và vất vả rồi, chuyện nhỏ như thế này không nên nhắc nhở như vậy.
Trước những lời trách móc của người mẹ, cô giáo sau đó cũng lên tiếng. Vị giáo viên cho biết cô thực sự không phân biệt học sinh nên cũng không để ý là đã cho con trai chị ăn cuối cùng. Tuy nhiên sự thực là "con trai chị đã 4 tuổi rồi mà không biết tự xúc ăn nên vẫn cần phải cô giáo đút. Trong khi đó các bạn khác đã tự xúc ăn được rất tốt nên cô giáo chỉ cần hỗ trợ chút ít, các bạn khác đã ăn xong rất nhanh. Đến cuối cùng cô giáo mới có thời gian tập trung ngồi đút từng thìa, kiên nhẫn từng chút một cho con của chị ăn nên mới xảy ra tình trạng muộn màng như thế". Cô giáo cũng xin lỗi và hứa sau sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc hơn.
Rất nhiều phụ huynh đã đồng tình với chia sẻ của cô giáo cho rằng điều đó là đúng và việc con của chị đã 4 tuổi rồi mà chưa được rèn luyện chuyện tự xúc ăn khi đi học mẫu giáo cũng là một thiếu xót của chính chị. Người mẹ nghe thấy lời giải thích của cô giáo và các lời nói khác của các phụ huynh trong lớp nên cảm thấy rất xấu hổ vì hành động quá khích của mình. Chị gửi lời xin lỗi tới cô giáo và mong cô sẽ tiếp tục quan tâm tới con của chị hơn.
Trên thực tế việc các cô giáo vô tình làm mất lòng phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ cũng là điều thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên thay vì nóng vội phán xét thì cả hai bên cần bình tĩnh trao đổi để đưa ra những phương án xử trí đúng nhất. Đặc biệt là những người cha người mẹ khi đưa con đi học cần tạo mối quan hệ tốt đẹp với cô giáo.
Nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng, khi con bắt đầu đi học, có 3 điều bố mẹ nên nói với giáo viên để con mình được quan tâm và săn sóc nhiều hơn.
Thứ nhất: Con tôi nghịch ngợm, xin hãy lưu ý cháu một chút
Khi bố mẹ trao đổi như vậy, nghĩa là đã gửi đi thông điệp muốn cô giáo quan tâm đến con mình nhiều hơn một chút. Thật ra, dựa trên kinh nghiệm giảng dạy, cô giáo cũng có thể ít nhiều nắm bắt được đặc điểm của từng trẻ. Nhưng sự trao đổi như vậy của gia đình sẽ giúp cô giáo lưu tâm tốt hơn tới những bạn mới đi học.
Thứ hai: Nếu có gì đó cần tôi giúp, xin hãy cứ nói với tôi
Trong những ngày đầu con đi học, sự quan tâm của các bậc phụ huynh thể hiện trọn vẹn sự nhiệt tình của họ đối với nhà trường, đồng thời thể hiện tình yêu thương vô bờ bến dành cho con.
Nếu như trẻ gặp một số vấn đề chưa thể thích nghi ngay được, cô giáo lại quá bận rộn với các bạn, gia đình hoàn toàn có thể phối hợp, hỗ trợ cùng với cô giáo để khắc phục những điều này trong giai đoạn trẻ mới đi học. Bạn nên nói với cô giáo về lời đề nghị này để cô giáo cảm thấy được tiếp sức và hỗ trợ.
Thứ ba: Con tôi cần khắc phục hay phát huy điều gì không thưa cô giáo?
Điều này giúp bạn hiểu hơn về tình trạng của con ở trường thông qua lời trao đổi của cô giáo để từ đó thêm tin tưởng, hỗ trợ và giúp đỡ con phát triển hơn nữa tính cách độc lập để. Tính cách độc lập được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ và sẽ có lợi cả đời.