Mổ lấy thai cho mẹ Đồng Tháp, bác sĩ lấy ra khối u to tròn lớn hơn cả em bé

Mẹ bầu được người nhà cho nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, khó thở, mắt nhìn mờ.

Trong thời gian mang thai, các bác sĩ đều khuyến khích mẹ bầu đi khám đầy đủ và đúng lịch. Siêu âm, thăm khám không chỉ giúp theo dõi tình trạng sức khỏe mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi mà còn phát hiện những vấn đề trong thai kỳ để có thể xử lý sớm nhất. Bà mẹ dưới đây vì không thăm khám đầy đủ khi mang thai mà rơi vào một ca mổ cấp cứu nguy hiểm. 

Thông tin do Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cung cấp chiều 7/4. Sản phụ là N.T.K.T. (24 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) mang thai 34 tuần 6 ngày, được người nhà cho nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, khó thở, mắt nhìn mờ, tiền sử sinh mổ một lần.

Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm ngay tại giường, các y bác sĩ xác định chị T. mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nguy cơ như tiền sản giật nặng dọa phù phổi cấp trên vết mổ cũ, đa ối. Bên cạnh đó, sản phụ còn có khối u nang buồng trứng kích thước lớn chèn ép ổ bụng và thai nhi. Điều này khiến bệnh nhân khó thở nhiều, tiên lượng nặng.

Mổ lấy thai cho mẹ Đồng Tháp, bác sĩ lấy ra khối u to tròn lớn hơn cả em bé - 1

Khối u xơ của sản phụ này còn nặng hơn cả thai nhi.

Sản phụ T. lập tức được chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp. Ca mổ kéo dài hơn 120 phút, do chính phó giám đốc bệnh viện thực hiện. May mắn thay, ca mổ đã thành công, em bé chào đời là bé trai, nặng 2,7kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Đặc biệt sau khi lấy em bé ra, bác sĩ tiếp tục bóc tách một khôi u buồng trứng to tròn, nặng hơn 4kg. Hiện tại, sức khỏe của mẹ và bé ổn định và được theo dõi sát.

Theo BS.CKII. Phạm Thị Linh – Trưởng tua trực cho biết: "U nang buồng trứng là một khối u trú phát triển bất thường trong buồng trứng với tỉ lệ mắc khoảng 5-10% phụ nữ và có thể phổ biến cả trong thai kỳ. Đối với trường hợp này, sản phụ không khám sức khỏe định kỳ và thời gian mang thai không được theo dõi thường xuyên".

Bác sĩ Linh cũng khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần, làm các xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa. Đặc biệt, sản phụ mang thai 3 tháng đầu nên đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để có thể sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lý trong thai kỳ. Từ đó có kế hoạch theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra, giúp sản phụ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Mổ lấy thai cho mẹ Đồng Tháp, bác sĩ lấy ra khối u to tròn lớn hơn cả em bé - 3

Mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ, đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ.

8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được bỏ qua

Đối với các mẹ bầu, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi từ những ngày đầu thai kỳ đến lúc sinh là việc làm rất quan trọng. 8 mốc khám thai cần thiết dưới đây mẹ bầu phải thực hiện đầy đủ, không được bỏ qua. 

- Lần thứ nhất (6-8 tuần): Xác định lại thai kỳ, kiểm tra tim thai. 

- Lần thứ hai (11-14 tuần): Đo độ mờ da dáy, sàng lọc dị tật. 

- Lần thứ ba (16 tuần): Theo dõi sự phát triển của thai nhi. 

- Lần thứ tư (22-23 tuần): Tầm soát các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật ở các cơ quan nội tạng. 

- Lần thứ năm (26 tuần): Tiêm mũi uốn ván. Phát hiện bất thường ở mẹ và con. 

- Lần thứ sáu (31-32 tuần): Phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung.

- Lần thứ bảy (36 tuần): Đo tim thai và chuyển động thai, lên kế hoạch sinh con. 

- Lần thứ tám (sau 36 tuần): Bác sĩ sẽ chỉ định khám 1 tuần - 2 tuần/lần để theo dõi dấu hiệu sinh. 

Đang siêu âm thai, bác sĩ cười lớn khi phát hiện ra khuôn mặt bí ẩn cạnh em bé
Theo Minh An (Ảnh: BVCC) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)