Nhìn 2 cậu con trai 6 tuổi và 4 tuổi chơi đùa với em trai mới sinh, chị Thắm Phạm (28 tuổi, Hà Nội) lại mỉm cười hạnh phúc bởi dẫu có vàng bạc, châu báu nào cũng không sánh được 3 chàng nhóc này. Chúng chính là kho báu lớn nhất của chị, đặc biệt là chàng trai thứ 3 mới sinh vào mùng 4 Tết vừa qua với bao khó khăn vất vả.
Đến bây giờ, sau nửa tháng sinh, chị Thắm vẫn không thể quên khoảnh khắc bác sĩ hốt hoảng báo suy tim thai đột ngột và cảm giác chân tay mình nhũn ra, người nằm bất động, mặt cắt không còn giọt máu khi nghe thông báo ấy.
3 con chính là món quà quý giá của chị Thắm.
Mang bầu ăn toàn sung muối
Chị Thắm cho biết, chị mang bầu bé thứ 3 hoàn toàn không có kế hoạch. Chính vì vậy khi biết về sự hiện diện của con, cả chị và chồng đều vừa mừng vừa hoang mang. Anh chị không biết phải làm sao vì 2 con trai còn quá nhỏ còn công việc của chồng chị lại khá bận làm xuyên suốt từ 8h sáng đến 11h đêm không thể đỡ đần chị chăm con.
Sợ vợ con vất vả, ông xã chị đã để cho chị toàn quyền quyết việc giữ hay bỏ và cuối cùng chị quyết định giữ con. Chị tin con là món quà ông trời ban tặng để bù đắp những biến cố, mất mát vừa xảy ra với gia đình mình.
Cũng giống như 2 lần mang bầu trước, lần thứ 3 này chị không bị ốm nghén, sức khỏe khá tốt. Chị vẫn một mình chăm 2 con lớn, đưa đón chúng đi học hàng ngày, thậm chí đi ship hàng cho khách. Tuy không vất vả nhưng lần mang bầu thứ 3 này phải chăm sóc cho 2 con lớn cũng nhiều lúc khiến chị cảm thấy stress.
“Từ tháng thứ 5 của thai kì mình bắt đầu bị đau lưng, đau hông, càng gần ngày sinh thì mức độ đau càng tăng. Sức đề kháng cũng kém nên mình hay bị cúm mỗi khi thay đổi thời tiết. Được cái anh chồng mỗi tối đi làm về đều mát xa nên cũng dễ chịu hơn nhiều.
Phải nói mỗi lần đi khám những mốc như 12w, 16w, 28w, 32w mình khá lo lắng. Vì đó là những mốc khám quan trọng để kiểm tra xem em bé có đang phát triển bình thường hay không. Chỉ khi nào có kết quả bình thường mình mới tạm thở phào nhẹ nhõm”, chị Thắm chia sẻ.
Chị Thắm cho biết, nhờ ăn sung muối cung cấp nhiều canxi và giúp không bị táo bón khi mang bầu, đặc biệt chị về dáng sau sinh nhanh chóng.
Được biết, cả thai kỳ chị tăng 15kg. Lần này rút kinh nghiệm 2 lần trước, chị chủ yếu ăn trái cây, thịt, cá, trứng, rau xanh. Cả ngày chỉ ăn một bát cơm vào buổi tối. Bên cạnh đó, biết 2 lần trước ăn mía chỉ béo mẹ nên chị chuyển sang ăn nhiều quả sung để bổ sung canxi và không bị táo bón. Bên cạnh đó, chị tăng cường uống nước dừa vào 3 tháng cuối.
“Mang bầu từ tam cá nguyệt thứ 2 mình ăn sung nhiều. Mình thường mua 5 nghìn sung ở chợ về tự muối, mỗi bữa ăn 1 bát ăn cơm. Cả thai kỳ mình ăn hết tầm 5kg. 2 tháng cuối thì mình không ăn nữa vì chán quá”, chị Thắm cười.
Bác sĩ hốt hoảng vì tim thai tụt đột ngột
Chị Thắm dự sinh vào 6/2 nhưng chiều mùng 4 Tết (28/1), em bé đã đòi ra và chị phải đẻ mổ cấp cứu gấp.
Vì chủ quan nghĩ 2 bé trước đẻ thường, lần này mang bầu khỏe nên chị tính đẻ ở khu thường. Thế nhưng hơn 4h chiều mùng 4 Tết khi thai được 38 tuần 5 ngày, chị bỗng thấy cơn gò không bình thường, gò đến cứng bụng đau 1-2 phút và xuất hiện dịch hồng.
Nếu như ban đầu chị Thắm vẫn còn thong dong tắm gội trước khi đi đẻ thì sau khi được đưa vào khoa đẻ và vào phòng chạy máy monitor một lần nữa, mọi thứ đều thay đổi đối với chị.
Khi vừa lắp máy xong được 2 phút, tim thai của chị bịt tụt xuống còn 50-60 khiến một y tá hốt hoảng, một tay lấy ống nghe tim thai, một tay cầm điện thoại gọi lên phòng mổ: “Anh à, chuẩn bị mổ luôn nhé, có ca suy tim thai, nhịp tim còn 55-60 thôi”.
Nghe những lời nói ấy người chị Thắm nhũn ra, không khóc nổi. Chị sợ không nghĩ được gì chỉ nằm bất động, hoang mang mặt cắt không còn giọt máu.
“Mình được đưa lên cáng, và được đẩy xe đi vun vút đúng như trong phim. Bác sĩ vừa đẩy vừa kêu lớn "các bác tránh đường, cấp cứu, cấp cứu" khiến mình thực sự lo sợ.
Lên phòng mổ, gần chục người lao đến mình, mỗi người một việc, tất cả đều gấp rút. Người thì cắm ống thở, người sát khuẩn bụng, người tiêm gây mê vì mổ cấp cứu, người lắp điện tim, người tiêm, chị y tá theo mình từ dưới phòng đẻ vẫn liên tục nghe tim thai. Câu cuối cùng mình nghe được trước khi lịm đi là “tim thai lên 130 rồi”, chị Thắm nhớ lại.
Con trai thứ 3 của chị nặng 3,6kg.
Sau giờ phút nguy hiểm “chửa đẻ cửa mả” ấy, chị Thắm đã được bác sĩ mổ bắt con an toàn, "chuột con" chào đời nặng 3,6kg.
Có lẽ khoảng thời gian đi sinh là khoảng thời gian chị nhớ mãi, đặc biệt lúc được bác sĩ cho mổ cấp cứu và sau khi nằm phòng hậu phẫu. Đó đều là những khoảnh khắc đáng sợ đối với chị.
Nằm trong phòng hậu phẫu, vì bị tác dụng phụ của thuốc gây mê nên người chị run cầm cập. Một tiếng sau ổn hơn, chị lại đối diện với những cơn đau dạ con. Vì đẻ lần 3 nên cơn co dạ con khiến chị đau khủng khiếp, chỉ biết cắn răng chịu và hít thở đều mỗi khi cơn co đến.
“Hình ảnh mình nhớ nhất khi nằm phòng hậu phẫu là khi thấy chồng mang cháo lên. Mình tủi thân kinh khủng. Chắc chồng cũng hiểu mình đang lo lắng nên anh hỏi han mình còn đau không, rồi thông báo tình hình con và cho mình xem ảnh. Nước mắt mình cứ ứa ra vừa hạnh phúc vừa tủi thân. Và 1 đêm nằm ở đó mà cứ ngỡ như 1 thế kỷ với mình, thật đáng sợ”, chị Thắng chia sẻ.
Những giây phút hạnh phúc nhất của chị.
4 năm mới chăm con mọn lại, mặc dù còn bỡ ngỡ nhưng bản năng của một người mẹ khiến chị làm được hết tất cả khá thành thục. Dẫu chồng bận rộn công việc nhưng những lời hỏi han, dặn dò mỗi khi được nghỉ, sự chăm sóc của anh khi về nhà đã khiến chị vơi bớt vất vả, được an ủi tất cả mọi thứ.