"Ăn ngủ đủ giấc” là yếu tố quan trọng để giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa. Vì sự phát triển của trẻ chịu tác động chủ yếu của hormone tăng trưởng và hormone tăng trưởng sẽ được tiết ra đặc biệt mạnh khi chúng ta chìm trong giấc ngủ sâu, do đó giấc ngủ rất quan trọng với trẻ.
Có 2 điều liên quan tới giấc ngủ sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ trong tương lai, đó là thời gian ngủ và tư thế ngủ.
1. Thời gian ngủ
Giấc ngủ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ. (Ảnh minh họa)
Ngủ đủ thời gian và chất lượng giấc ngủ tốt là yếu tố quan trọng giúp phát triển chiều cao. Nghiên cứu khoa học cho thấy giấc ngủ ngon giúp bài tiết, tích lũy và thực hiện chức năng của hormone tăng trưởng. Từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng là thời kỳ cao điểm tiết hormone tăng trưởng mỗi ngày, và để hormone tăng trưởng được tiết ra với số lượng lớn và tác động lên sự phát triển thì giấc ngủ ngon là điều kiện không thể thiếu.
Vì vậy, cần đảm bảo cho trẻ đi ngủ sớm, đồng thời ngủ đủ 8-10 tiếng sẽ giúp trẻ cao lớn hơn. Thời gian đi ngủ hàng ngày được khuyến nghị là trước 11 giờ tối hoặc sớm hơn và đảm bảo rằng trẻ có thể ngủ đủ 8-9 tiếng mỗi ngày.
2. Tư thế ngủ
Ngoài việc ngủ đủ giấc thì tư thế ngủ cũng có tác động gián tiếp đến sự tăng trưởng. Nếu đứa trẻ cảm thấy khó chịu ở cột sống trong khi ngủ và thường xuyên thức dậy, điều đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sự phát triển của trẻ.
Bác sĩ chỉnh hình He Junrong - chuyên gia trị liệu xương khớp (Trung Quốc) giải thích ngắn gọn về tác động của ba tư thế ngủ đối với cột sống, đồng thời phân tích tư thế ngủ nào là lý tưởng nhất để trẻ cao lớn hơn.
Nằm sấp khi ngủ là tư thế xấu nhất ảnh hưởng tới cột sống và thắt lưng của trẻ. (Ảnh minh họa)
Nằm ngửa, nằm nghiêng và nằm sấp là ba tư thế ngủ phổ biến nhất. Bác sĩ He Junrong chỉ ra rằng nằm sấp là tư thế ngủ tồi tệ nhất. Vì khi chúng ta nằm sấp trên giường, cổ vặn sang bên trái, phải rất dễ bị chấn thương, thắt lưng cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn. Do đó, nằm sấp trong thời gian dài dễ gây ra tình trạng đau thắt lưng, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Nếu nằm nghiêng khi ngủ, nên chú ý hơi co hai chân lên, như vậy sẽ dễ dàng duy trì độ cong tự nhiên của cột sống. Nếu một chân duỗi thẳng và chân kia co lại thì eo sẽ bị vẹo, còn nếu cong người như “con tôm” thì cũng ảnh hưởng đến vận động của thắt lưng và sự kéo dài của cột sống. Khi ngủ nằm nghiêng, một số trẻ thích ôm gối, nếu là gối nhỏ và búp bê thì không có vấn đề gì, nhưng nếu là gối lớn, trẻ sẽ dùng chân giữ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cũng dễ cản trở sự phát triển chiều cao.
Trẻ nằm nghiêng cong như con tôm hay ôm gối quá to cũng không có lợi cho sự phát triển. (Ảnh minh họa)
Để giúp trẻ cao lớn hơn, bác sĩ He Junrong khuyên trẻ nên nằm ngửa khi ngủ với một tấm nệm chắc chắn. Điều này giúp cột sống của trẻ dễ dàng kéo dài và thẳng ra một cách tự nhiên.
Thông thường, khi trẻ khoảng 2 tuổi, cha mẹ có thể để ý đến thói quen ngủ của trẻ. Nếu thấy trẻ nằm sấp khi ngủ thì phải giúp trẻ bỏ thói quen này, nếu trẻ thích ngủ nghiêng thì nên chú ý kê gối cao hơn để có khoảng trống cho vai, giúp vai không bị áp lực, đồng thời nên dạy trẻ hơi gập người. Còn nếu trẻ thích nằm ngửa thì gối không cần quá cao, chỉ cần hơi cong để đỡ đầu.
Tư thế nằm ngửa ngủ là tư thế tốt nhất cho cột sống của trẻ. (Ảnh minh họa)
Có một điều cần lưu ý là ngoài giấc ngủ thì chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, ăn no rồi đi ngủ có thể cản trở quá trình này. Khi lượng đường trong máu thấp, cơ thể sẽ bắt đầu tiết ra hormone tăng trưởng, có tác dụng nâng cao lượng đường trong máu, vì vậy nên đi ngủ sau khi thức ăn đã được tiêu hóa và hormone tăng trưởng bắt đầu được tiết ra 3 đến 4 giờ sau khi ăn, để hormone tăng trưởng có thể phát huy vai trò tốt hơn.