Ngày 3 bữa lo cho con ăn cơm nhà, mẹ được khen khéo chăm nhưng bác sĩ chỉ ra một lỗi dễ âm thầm hại trẻ

Gia vị sẽ giúp cho món ăn ngon miệng và đậm đà hơn nhưng nhiều gia đình đang cho trẻ ăn mà thiếu sự kiểm soát, điều này gây nên nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ.

Gia đình chị Thu Trang ở Hà Nội có hai con nhỏ, một cháu năm nay 8 tuổi, một cháu 6 tuổi. Theo chia sẻ của chị Trang, hai con chị phát triển chiều cao và cân nặng khá ổn định và hàng năm gia đình vẫn cho hai cháu đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Chia sẻ về bí quyết chăm con, người mẹ này cho biết hoàn toàn cho các con ăn uống theo kiểu “thuận tự nhiên”, chứ không áp dụng chế độ chuyên biệt gì. Cụ thể, hàng ngày chị cho con ăn 3 bữa tại nhà, kể cả buổi trưa các cháu cũng được đón về ăn cơm do ông bà đã nghỉ hưu ở nhà. Thi thoảng chị mới cho các con ăn thay đổi bữa sáng bằng bún, phở hoặc bánh mì, hạn chế đồ ăn nhanh, chiên rán và nước ngọt.

Từ năm các các cháu 4 tuổi, ngoại trừ sữa uống bổ sung mỗi ngày, gia đình tôi cho ăn theo chế độ của cả nhà. Tức là bố mẹ ăn gì, con ăn nấy chứ không quá cầu kỳ nấu chế độ riêng. May mắn các con tôi cũng dễ nuôi, rất ít khi phản đối các món ăn bố mẹ, ông bà chuẩn bị”, chị Trang cho biết.

Ngày 3 bữa lo cho con ăn cơm nhà, mẹ được khen khéo chăm nhưng bác sĩ chỉ ra một lỗi dễ âm thầm hại trẻ - 1

Một bữa ăn với món kho, xào và thêm bát nước chấm thì lượng muối nạp vào với trẻ chắc chắn sẽ dư thừa. Ảnh minh họa. 

Nhìn qua về chế độ chăm con của gia đình chị Trang, ai cũng nghĩ đó là nếp sinh hoạt tốt, bởi việc ăn uống tại nhà sẽ đảm bảo chất lượng và chế độ dinh dưỡng nhất. Tuy nhiên, dưới góc độ dinh dưỡng, các chuyên gia cho rằng vẫn có điểm cần lưu ý và sửa đổi để không ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay đa số các gia đình có trẻ trên 5 tuổi đều cho ăn cùng một chế độ với gia đình, về thực phẩm có thể không vấn đề gì vì còn phụ thuộc vào kinh tế của mỗi nhà. Tuy nhiên, có một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ đó là việc tiêu thụ muối hàng ngày. Nguyên nhân là do với trẻ dưới 11 tuổi, việc tiêu thụ muối không thể giống như người lớn, trong khi thói quen của nhiều gia đình Việt là ăn rất mặn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm lấy ví dụ, một bữa cơm nếu có một món kho, một món xào và một món luộc (kèm theo nước chấm) thì người lớn ăn cũng có nguy cơ bị thừa muối, không nói gì đến trẻ nhỏ. Do vậy, khi chế biến món ăn, bố mẹ hãy cho bớt muối đi hoặc lấy phần đồ ăn cho trẻ ra trước, sau đó có thể thêm muối vào để người lớn sử dụng. Việc làm này dù thêm nhiều thao tác, dụng cụ để đồ ăn nhưng nó sẽ an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Lâm cảnh báo việc cho trẻ ăn quá mặn theo chế độ ăn của cả gia đình không chỉ gây nên các hệ lụy sức khỏe trước mắt như thận bị ảnh hưởng do phải làm việc nhiều hơn… thì còn tạo cho trẻ thói quen ăn mặn, nếu kéo dài sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp.

Ngày 3 bữa lo cho con ăn cơm nhà, mẹ được khen khéo chăm nhưng bác sĩ chỉ ra một lỗi dễ âm thầm hại trẻ - 2

Việc tự nấu ăn cho trẻ tại gia đình là tốt nhưng nên giảm muối, giảm nước chấm cho trẻ để không bị tiêu thụ quá nhiều muối. Ảnh minh họa. 

Hiện tại, người Việt Nam đang tiêu thụ muối nhiều gần gấp 2 lần so với khuyến nghị của WHO, đó là 9,4g so với khuyến cáo là ít hơn 5g. Đây cũng là lý do khiến nhiều trẻ bị ăn mặn thụ động vì đa phần trẻ thường được ăn theo khẩu vị của người lớn và gia đình chưa nắm đủ thông tin, hiểu rõ về tác hại của ăn mặn”, bác sĩ Lâm cảnh báo.

Đáng nói với trẻ nhỏ, việc ăn mặn khiến trẻ khát nước, uống nước nhiều hơn dẫn tới đi tiểu cũng nhiều hơn để thải lượng muối đó ra ngoài. Quá trình này cũng thải luôn các ion quan trọng khác, trong đó có canxi. Đây là nguyên nhân gây mất canxi ở trẻ nhỏ, làm suy yếu chất lượng xương gây, có thể dẫn tới chứng còi xương, thấp còi ở trẻ em khi trưởng thành.

Do đó, với trẻ dưới 12 tháng, chúng ta không cần nêm thêm gia vị vì lượng NaCl này có sẵn trong bột ăn dặm, sữa công thức hay trái cây... chỉ cần chế biến và giữ nguyên các hương vị sẵn có của món ăn.

Với trẻ lớn hơn, khi mua các thực phẩm, nhất là thực phẩm đóng hộp cần đọc kỹ bao bì để biết được hàm lượng natri, từ đó giảm lượng muối cho trực tiếp vào thực phẩm.

Nên thay đổi thói quen, nhất là thói quen sử dụng nhiều loại nước chấm trong một mâm cơm để giảm ăn mặn không chỉ cho trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng cần thực hiện điều này.

Khuyến nghị về việc sử dụng muối cho trẻ em:

- Trẻ 0-5 tháng nên bú sữa mẹ hoàn toàn và sẽ nhận lượng natri (muối) từ sữa mẹ.

- Trẻ 6-11 tháng chỉ nên dùng dưới 1,5g muối ăn/ngày.

- Trẻ 1-2 tuổi chỉ nên dùng dưới 2,3g muối ăn/ngày.

- Trẻ 3-5 tuổi chỉ cần dùng dưới 2,8g muối ăn/ngày.

- Trẻ 6-7 tuổi chỉ nên tiêu thụ dưới 3,3g muối ăn/ngày.

- Trẻ 8-9 tuổi chỉ nên tiêu thụ dưới 4g muối ăn/ngày.

- Trẻ 10-11 tuổi chỉ nên tiêu thụ dưới 4,8g muối ăn/ngày.

Các nhóm tuổi lớn hơn có thể tiêu thụ lượng muối giống như người trưởng thành là dưới 5g muối ăn/ngày.

Lời khuyên của bác sĩ 30 năm hành nghề y: 8 điều không nên làm sau bữa ăn, kể cả dùng hoa quả