Thông tin từ bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, mới đây các bác sĩ tại bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp mẹ sau sinh ngực chảy mủ, nhiễm trùng nặng vì tự ý đắp lá chữa tắc sữa tại nhà.
Theo đó, bệnh nhân đang trong thời gian cho con bú, bị tắc tuyến sữa. Nghe lời người thân, chị lấy lá thuốc đắp vùng vú để chữa tắc. Đến khi ổ nhiễm trùng chảy mủ, bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám vào ngày 18/6.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị áp xe vú, ngực chảy mủ do tắc tuyến sữa. Người nhà bệnh nhân lại nặn bóp ổ áp xe quá sớm làm ổ nhiễm trùng lan rộng gây tổn thương vùng xung quanh, bệnh nặng hơn. Bệnh nhân được chỉ định chích áp xe và tập vật lý trị liệu.
Ngực bà mẹ này sưng tấy, chảy mủ vì nhiễm trùng.
Trước đó, chị đã nghe theo lời người thân và tự đắp lá chữa tắc sữa tại nhà.
Đây không phải lần đầu tiên có trường hợp mẹ "gặp họa" khi tự chữa tắc tia sữa tại nhà. Cách đây không lâu, chị Hà (sống tại TP.HCM) đã thu hút đông đảo sự chú ý khi chia sẻ câu chuyện chữa tắc sữa tại nhà và hậu quả đau lòng của mình trên mạng xã hội.
Theo đó, chị Hà chữa tắc tia sữa bằng mẹo dân gian, cụ thể là dùng lá đu đủ hơ lên rồi đắp vào ngực. Kết quả là bệnh không những không đỡ mà ngực còn sưng to hơn, ửng đỏ và sốt cao tới 39 độ C. Gia đình ngay lập tức cho chị Hà nhập viện khám và điều trị.
Một trường hợp mẹ sau sinh khác nhiễm trùng nặng vì chữa tắc sữa bằng cách đắp lá.
Tình hình của chị Hà rất nguy kịch, nếu vi khuẩn nhiễm vào máu và xương thì có nguy cơ tử vong cao nên bác sĩ phải điều trị tích cực bằng thuốc cực mạnh. Vậy là chỉ 10 ngày sau sinh, chị Hà đã phải xa con, chịu mọi đau đớn và thậm chí đối mặt với "tử thần".
Khoảng 1 tháng rưỡi sau đó, chị Hà liên tục đi đi lại lại bệnh viện để rửa vết thương nhưng ngực vẫn rò rỉ sữa, không khô hẳn dù đã uống rất nhiều thuốc ngăn sữa. Vì vết thương hở to nên nếu tiếp tục chờ khô mới phẫu thuật xoay vạt da thì sợ bị nhiễm trùng nên cuối cùng bác sĩ phải lấy lấy da đùi chị Hà lên để "vá" ngực.
Cũng chính vì chứng tắc tia sữa rất phổ biến ở các mẹ sau sinh và nhận thấy tình trạng bệnh của mình quá nguy hiểm, chuyển biến nhanh nên chị Hà mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo chị em phụ nữ.
Chị Hà thậm chí còn phải lấy da đùi để "vá" da ngực sau phẫu thuật.
Các bác sĩ tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng cho biết chữa tắc sữa bằng cách đắp các loại lá tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Các loại lá cây chứa nhiều lông tơ nhỏ rất dễ gây kích ứng cho da. Chưa kể, nếu các lá cây chưa vệ sinh kỹ, nhiễm bẩn hoặc chứa hóa chất thì còn nguy hiểm hơn. Đắp lá tạo ra sự kích ứng da gây mẩn đỏ da vị trí bầu ngực, lâu dần bị viêm tuyến vú, áp xe tuyến vú, u xơ tuyến vú...
Khi ngực căng, có dấu hiệu tắc sữa, sản phụ có thể chườm mát hoặc massage ngực. Phối hợp thông tắc sữa bằng máy hút sữa hoặc làm mềm ngực bằng máy vật lý trị liệu như đèn hồng ngoại, sóng siêu âm.
Đồng thời, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng tránh nguy cơ ung thư vú.