Trong thời gian mang thai, bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu phải đi khám thai đầy đủ, đúng lịch để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Cùng với đó, mẹ đi khám thai đầy đủ cũng sẽ được bác sĩ xác định ngày dự sinh cũng như tư vấn về phương pháp sinh phù hợp để tránh tình huống đẻ rơi như bà mẹ dưới đây.
Hôm nay (ngày 27/2), ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa có một thai phụ “sinh rơi” con trên đường đi đẻ. Hiện cả 2 mẹ con đều đã an toàn, khỏe mạnh và đã được đón về nhà.
Theo ông Phúc, trưa cùng ngày, chị Xeo Thị Ba (SN 2001, trú bản Chằm Puông, xã Lượng Minh) có dấu hiệu chuyển dạ nên được người thân dùng xe máy chở đến trạm y tế xã để chờ sinh.
Mẹ bầu người Khơ Mú đã sinh con giữa đường và may mắn được một nhân viên y tế giúp đỡ.
Chị Ba là người dân tộc Khơ Mú, lần đầu sinh con. Nhà chị Ba cách trạm y tế xã chừng 12km. Khi vừa đi xe được chừng vài km, thai phụ này đột ngột bị đau dữ dội, không thể tiếp tục di chuyển nên đành phải dừng chân nghỉ lại bên lề đường.
Thời điểm này, chị Lô Thị Bông, cán bộ Trạm y tế xã Lượng Minh đang trên đường lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trở về thì bắt gặp. Ngay lập tức, chị Bông đã tới hỗ trợ, đỡ đẻ cho thai phụ này ngay tại chỗ. Sức khỏe của hai mẹ con đều ổn định và được gia đình đưa về nhà chăm sóc.
Những tình huống "đẻ rơi" ngoại viên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
Cách xử trí khi gặp trường hợp trẻ bị đẻ rơi
Trường hợp trẻ bị đẻ rơi được xác định khi tình trạng sinh đẻ của người phụ nữ mang thai không được dự kiến và thường xảy ra ngoài ý muốn của mọi người ở những nơi không phù hợp với việc sinh đẻ như: tại nơi đang làm việc gồm công sở, nhà máy, công ty, xí nghiệp, cánh đồng, chợ búa, thậm chí ngay ở cả nhà vệ sinh...; trên các phương tiện giao thông gồm xe ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay...; trên đường đi làm việc hoặc đi đến cơ sở y tế...
Việc xử trí trẻ bị đẻ rơi phải được thực hiện một cách khẩn cấp ngay tại chỗ xảy ra đẻ rơi và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ khi đó để can thiệp.
- Trước hết phải nhanh chóng giải phóng thai nhi ra khỏi quần hoặc váy áo của sản phụ, sau đó nếu có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu, dụng cụ đã có sẵn ở trong đó. Cần trải tấm ni-lông ngay tại nơi bà mẹ đẻ rơi và đặt đứa trẻ sơ sinh nằm vào đó, ủ ấm trẻ bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở người mẹ và người xử trí can thiệp như khăn, áo, giấy báo...
- Tiếp theo lấy các sợi chỉ buộc dây rốn ở trong gói dụng cụ để buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa da bụng của trẻ càng tốt, lưu ý không được cắt dây rốn.
- Sau đó chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm sát vào người để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh và tìm mọi cách chuyển hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được chăm sóc tiếp tục.