Nơi công tác: Viện Y học ứng dụng Việt Nam
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết chiều cao của người Việt Nam trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể, khi nam giới trung bình cao 168,1cm, nữ giới cao 156,26cm (số liệu năm 2020).
Bác sĩ Sơn cho biết, khi nhìn vào kết quả trên, nhiều người nghĩ là do đời sống những năm gần đây được cải thiện, bố mẹ chăm sóc dinh dưỡng cho con tốt hơn, nhất là khi trẻ đến tuổi dậy thì. Tuy nhiên, điều này không chính xác bởi kết quả trên là một quá trình kéo dài suốt 20 năm của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia.
“Sẽ không có một can thiệp "ăn xổi", ngắn hạn và hời hợt nào có thể đem lại hiệu quả về chiều cao cho một dân tộc. Thực tế, nhiều người có suy nghĩ rằng bố mẹ cao sau này con sẽ cao (yếu tố gen) hay đến tuổi dậy thì trẻ khắc lớn. Đây là quan điểm sai lầm. Chính vì những lầm tưởng này nên nhiều trẻ tuổi dậy thì béo phì nhưng vẫn bị còi xương (còi xương thể bụ), bị hạn chế phát triển chiều cao”, bác sĩ Sơn cho hay.
Đợi con đến tuổi dậy thì mới kích chiều cao là đã bỏ qua giai đoạn vàng của trẻ. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Sơn, gen là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển chiều cao của con người nhưng không phải yếu tố quyết định. Nó cần có sự thúc đẩy của các yếu tố khác. Bác sĩ Sơn lấy ví dụ, nếu bố cao 168cm, mẹ 156cm sinh con thì trẻ nam có thể cao 168,5 - 175cm; còn trẻ nữ khoảng 155,5 - 161,2cm. Qua đó để thấy được rằng gen sẽ quy định về một khoảng chiều cao và ở đó chỉ số tối thiểu và tối đa có thể cách nhau tới 6cm.
Để có thể đạt được chiều cao tối đa theo gen, bác sĩ Sơn cho biết, cần có “đòn bẩy” quyết định, đó là dinh dưỡng -lối sống. “Nếu muốn con có được chiều cao tối đa trong khoảng quy định của gen thì cần chăm sóc dinh dưỡng thật tốt. Ngược lại, không chăm sóc tốt thì chiều cao sẽ chỉ ở mức tối thiểu theo gen của bố mẹ”, bác sĩ Sơn chia sẻ về vai trò của dinh dưỡng.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết thêm, hiện nhiều người chỉ quan tâm đến phát triển chiều cao cho con ở giai đoạn dậy thì, bằng cách chọn thực phẩm tốt nhất, cho con ăn thật nhiều, rồi tập luyện các môn bổ trợ… nhưng lại bỏ qua “giai đoạn vàng” là 2 năm đầu đời + 9 tháng ở trong bụng mẹ (1000 ngày đầu đời).
Chăm sóc trẻ 1000 ngày đầu đời rất quan trọng, bởi chiều cao của trẻ giai đoạn này chiếm hơn 50% tầm vóc cơ thể trẻ sau này. Ảnh minh họa.
“Với trẻ dưới 5 tuổi, sự phát triển không liên quan đến yếu tố gen. Giai đoạn đó con đủ cân, đủ chiều cao theo chuẩn WHO hay không hoàn toàn là do chăm sóc dinh dưỡng. Tất cả các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dinh dưỡng trong những năm đầu đời có vai trò rất quan trọng đến tầm vóc của đứa trẻ sau này”, bác sĩ Sơn cho hay.
Theo bảng chiều cao cân nặng của WHO, chiều cao trong 1000 ngày đầu đời của một đứa trẻ sẽ đạt khoảng 90-95cm. Như vậy có thể thấy rằng sau này đứa trẻ có chiều cao lên đến 180cm đi chăng nữa thì chỉ trong hơn 2 năm đầu đời, chiều cao của đứa trẻ đã chiếm đến hơn 50% tầm vóc của cơ thể.
“Qua đó để thấy được “giai đoạn vàng” phát triển chiều cao cho một đứa trẻ là trong khoảng 1000 ngày đầu đời. Vì thế, để trẻ có chiều cao tối ưu nhất thì cần chăm sóc từ trong bào thai, nuôi con bằng sữa mẹ (tốt nhất là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời) và sau đó là một quá trình dài, bền vững, bổ sung đủ dinh dưỡng theo các nhóm chất, chứ không phải đợi đến giai đoạn nào đó mới can thiệp, thúc ép”, bác sĩ Sơn nói.
Ngoài gen và dinh dưỡng, bác sĩ Sơn cũng chia sẻ một số yếu tố khác cũng tác động đến sự phát triển chiều cao đó là giấc ngủ, vận động và cả môi trường sống. Do vậy, phụ huynh cần kết hợp đồng điệu các yếu tố, không nên chờ đợi gen hay nghiêng quá về vấn đề nào.