Ngoại trừ bố mẹ, bảo mẫu trong gia đình cũng là người trực tiếp tham gia vào quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Đó là lý do dễ hiểu vì sao nhiều đứa trẻ từ sớm đã thiết lập mối quan hệ gắn bó với bảo mẫu. Trong các gia đình sao Việt, câu chuyện về bảo mẫu của cố diễn viên Mai Phương và cô con gái Lavie luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người hâm mộ. Sau khi mẹ mất, bé Lavie trưởng thành trong sự nuôi nấng của 2 cô bảo mẫu.
Trên trang cá nhân, bảo mẫu của Mai Phương thường xuyên cập nhật về cuộc sống của bé Lavie. Thời điểm cố nghệ sĩ Mai Phương qua đời, Lavie mới 7 tuổi, 2 bảo mẫu được Phùng Ngọc Huy (bố ruột bé Lavie) ủy quyền chăm sóc con gái trong thời gian anh ở nước ngoài chưa thể về Việt Nam.
Con gái Mai Phương tặng quà cho bảo mẫu.
Dù thiếu vắng tình thương của mẹ từ khi còn nhỏ nhưng Lavie được 2 bảo mẫu là dì Mi và dì Họa hết lòng chăm sóc, yêu thương. Nhiều năm qua, cô bé vẫn nhận được đầy đủ sự giáo dục chỉn chu từ bảo mẫu, không những có thành tích học tập tốt mà Lavie càng lớn càng trổ nét xinh xắn, là một đứa trẻ cực kỳ ngoan ngoãn và tình cảm.
Mới đây, một trong hai bảo mẫu của Mai Phương đã vô cùng hạnh phúc khi khoe món quà con gái cố nghệ sĩ tặng. Bảo mẫu hào hứng viết: "Mệt mỏi chợt tan biến khi tối nay mình nhận được món quà này từ bạn Lavie nhà mình, cố gắng chơi thắng trò chơi chỉ vì muốn dành được quyển sách có tên bài hát của idol của mình để mang về làm quà tặng mình và kèm theo 200.000VNĐ tiền lợi nhuận bán hàng cùng với các bạn cùng lớp, cảm ơn bạn đã thương mình như mình thương bạn".
Con gái Mai Phương có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với bảo mẫu.
Từ năm 2018, khi Mai Phương đang chiến đấu với bệnh ung thư phổi thì Ốc Thanh Vân, vốn là bạn thân của Mai Phương đã kêu gọi mọi người giúp đỡ Mai Phương chi phí trị bệnh. Sau đó, Ốc Thanh Vân thống kê rằng cô nhận được hơn 545 triệu đồng, đã bù thêm cho tròn 550 triệu đồng, mở sổ tiết kiệm dành cho con gái Mai Phương.
Ba năm sau khi diễn viên Mai Phương qua đời, quyển sổ tiết kiệm dành cho con gái của Mai Phương, do các khán giả và đồng nghiệp quyên góp để giúp đỡ hai mẹ con vẫn được giữ kín. Dù Lavie chưa biết về chuyện tiền bạc nhiều nhưng được bảo mẫu tận tình chăm sóc và yêu thương, Lavie mới đây cũng đã có hành động "tan chảy" khi tặng món tiền ý nghĩa do tự em kiếm được cho cô bảo mẫu chăm sóc mình.
Lavie viết thư tay bày tỏ tình cảm với các bảo mẫu của mình.
Có lẽ vì được nuôi dưỡng trong môi trường đầy ắp tình yêu thương, nên bé Lavie mới tình cảm như thế dù khuyết đi sự đồng hành trực tiếp của bố mẹ. Để bày tỏ tình yêu của mình dành cho các cô bảo mẫu, Lavie còn nhiều lần tự viết thư tay khiến ai đọc cũng xúc động.
Từ mối quan hệ thân thiết giữa con gái Mai Phương và bảo mẫu, có lẽ nhiều bậc phụ huynh sẽ nhận ra được tầm quan trọng của giáo dục gia đình. Bởi ngoài bố mẹ, người thân trong gia đình thì bảo mẫu chính là người có mối quan hệ gần gũi với trẻ nhất.
Vậy nên, bố mẹ cần phải xây dựng cho con trẻ một lối ứng xử phù hợp, lễ phép ngay từ thuở còn non. Đây là một giá trị văn hoá quyết định rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống của trẻ ở hiện tại và trong tương lai. Do vậy, bố mẹ cần lưu ý dạy con một số quy tắc ứng xử phù hợp với bảo mẫu dưới đây:
Bố mẹ làm gương
Bố mẹ là tấm gương đầu tiên mà con trẻ học tập. Khi giao tiếp với bảo mẫu, bố mẹ cần thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Thay vì sử dụng lời ra lệnh hoặc quát tháo, hãy sử dụng từ ngữ tế nhị và mong muốn một cách lịch sự khi yêu cầu bảo mẫu thực hiện một việc gì đó.
Khi bố mẹ tôn trọng và thiết lập mối quan hệ bình đẳng với bảo mẫu, con trẻ chắc chắn sẽ học tập và bắt chước để hình thành thái độ cư xử đúng mực giống như bố mẹ.
Dạy trẻ lễ phép và tôn trọng bảo mẫu
Bố mẹ cần dạy trẻ cách chào hỏi, và thể hiện sự lễ phép đối với bảo mẫu. Đây là những hành vì cơ bản nhất mà mọi đứa trẻ nên có, và càng được coi trọng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài việc chỉ dạy lời chào, cần dạy trẻ cách có thái độ và cách chào phù hợp để thể hiện sự lễ phép của mình.
Bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách biết cảm ơn và thể hiện sự lịch sự đối với bảo mẫu. Hãy dạy trẻ biết cảm ơn sự giúp đỡ từ người khác. Khi nhận được sự giúp đỡ từ bảo mẫu, hãy dạy trẻ cách bày tỏ lời cảm ơn và có thái độ lịch sự. Nếu không được dạy bảo, trẻ có thể phát triển suy nghĩ tiêu cực rằng, có tiền hay quyền lực sẽ sai khiến được người khác.
Xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa chủ nhà và bảo mẫu
Mối quan hệ giữa chủ nhà và bảo mẫu đôi khi có thể phức tạp. Có thể xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên, nhưng họ vẫn liên kết với nhau vì lợi ích chung.
Trong trường hợp này, người lớn không nên truyền tải những ý nghĩ tiêu cực về bảo mẫu cho trẻ, ví dụ như lo ngại rằng bảo mẫu sẽ có ý đồ gì đó với thành viên khác trong gia đình khi không có mặt chủ ở nhà. Việc này có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Dạy trẻ biết chia sẻ và cảm thông với bảo mẫu
Bố mẹ cần khơi gợi sự cảm thông của trẻ đối với bảo mẫu. Hãy coi bảo mẫu như một thành viên trong gia đình và tạo sự gần gũi, thân thiết. Hãy chia sẻ một số thông tin cá nhân với bảo mẫu để con trẻ có thể hiểu rõ hơn. Con sẽ tự biết cách ứng xử hợp lý trong từng tình huống.
Tóm lại, trong thời đại ngày nay, hầu hết các gia đình đều bận rộn và nhiều người tìm đến sự trợ giúp từ bảo mẫu. Bảo mẫu đóng một vai trò quan trọng trong gia đình. Vậy nên, bố mẹ cần chú ý đến cách ứng xử và giao tiếp của chính bản thân mình, cũng như các con với bảo mẫu, để có thể yên tâm hơn khi bố mẹ không có mặt ở nhà và giao con cho bảo mẫu chăm sóc.