Chị Tô Kim Luyến (sinh năm 1981) ngụ tại phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau là mẹ của bé Khưu Cát Tường (sinh năm 2013) mắc căn bệnh bạch cầu lympho cấp (ung thư hệ tạo huyết). Thay vì được đến trường học như nhiều bạn cùng trang lứa, suốt 2 năm qua bé Cát Tường phải gắn liền với bệnh viện để điều trị ung thư.
Dẫu hành trình phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai và khó khăn, song con vẫn cùng bố mẹ nỗ lực từng ngày để giành giật sự sống.
Bé Khưu Cát Tường (sinh năm 2013) mắc căn bệnh bạch cầu lympho cấp (ung thư hệ tạo huyết) từ lúc mới 5 tuổi.
Đưa con nổi hạch đi khám mới biết mắc ung thư
Trong câu nói bị nghẹn lại bởi nước mắt, chị Luyến chia sẻ, Cát Tường là con thứ hai của gia đình, bé từng là một đứa trẻ bình thường, xinh xắn và thông minh. Trước đây các con của chị hoàn toàn khỏe mạnh, dù không quá khá giả nhưng chị Luyến và chồng là anh Khưu Sơn Bình (sinh năm 1975) luôn cố gắng lao động để vun vén chăm sóc cho 2 đứa con được tốt nhất.
Tháng 2 năm 2018, khi Cát Tường vừa tròn 5 tuổi thì bé có biểu hiện sốt cao vào mỗi buổi chiều, thấy con chỉ bị sốt và công việc cũng đang khó khăn nên gia đình ra tiệm mua thuốc cho con uống tạm. Chị nói: “Thấy con ốm sốt rồi gầy đi, mình chỉ nghĩ do hậu quả của những lần ốm vặt và kén ăn nên con chậm lớn. Nghĩ đơn giản nên 2 vợ chồng có phần chủ quan”.
Suốt hai năm nay thay vì đến lớp học như các bạn con phải gắn liền với giường bệnh.
Dù được cho uống thuốc hạ sốt nhiều lần nhưng cơn sốt không hạ, tình trạng sốt thậm chí kéo dài nhiều ngày khiến con gầy gò, xanh xao, nổi hạch ở nách và bẹn, bụng to lên.
Lúc này, chị Luyến mới hoảng hốt đưa con đi bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau khám. Ngay từ lần khám đầu tiên, các bác sĩ đã xác định tình hình sức khỏe của Cát Tường rất xấu, yêu cầu chuyển tuyến lên bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Đến bệnh viện, con được các bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị các triệu chứng ban đầu, chờ đến khi con khỏe hơn thì tiến hành làm các xét nghiệm tủy đồ.
Vài ngày sau con được tiến hành làm xét nghiệm, kết quả xác định bé bị bệnh bạch cầu lympho cấp (ung thư hệ tạo huyết). Nhìn ánh mắt hồn nhiên ngây thơ của đứa con và tập hồ sơ khám bệnh, người mẹ sốc và suy sụp gần như không thể đứng vững.
Hoang mang tột độ nhưng chị Luyến vẫn trấn tĩnh bản thân để con không phát hiện ra sự thật khủng khiếp. Vậy là chị Luyến khăn gói lên TP.HCM thuê phòng trọ gần bệnh viện để cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Với tình trạng sức khỏe của Cát Tường, ban đầu các bác sĩ tiếp tục điều trị dấu hiệu bệnh sau đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bệnh tình của con. Bác sĩ cũng nhận định, bởi tính chất nguy hiểm và phức tạp của căn bệnh nên việc điều trị cần thực hiện thường xuyên, liên tục suốt một thời gian dài. Chỉ cần dừng lại, tính mạng bé sẽ gặp nguy hiểm.
Suốt 2 năm điều trị ung thư, bé Cát Tường đã phải đương đầu với hàng chục liệu trình điều trị hóa chất.
Tuy nhiên sức khỏe Cát Tường vốn yếu ớt nên mỗi lần vào thuốc là con bị viêm phổi, phải chuyển qua bệnh viện Nhi đồng điều trị, cứ như vậy con chạy qua lại hai bệnh viện liên tục, hết bệnh lại về Ung bướu vào hóa chất, vào hóa chất lại sang viện nhi trị viêm phổi… “Bé may mắn đáp ứng thuốc tốt nhưng vì yếu quá nên bị nhiều bệnh khác, phải điều trị xen kẽ nên thời gian vào thuốc cũng chậm” – mẹ Cà Mau nói.
Con gái nhỏ ung thư mơ làm bác sĩ
Bộc bạch về hoàn cảnh gia đình, chị Luyến cho hay, 9 năm về trước gia đình kinh doanh mặt hàng sơn nước. Do làm ăn thua lỗ nhiều, căn nhà đang ở không giữ được, phải bán đi trả nợ.
Vợ chồng chị tiếp tục thuê nhà mở quán bán cà phê, hy vọng làm ăn khấm khá. Thế nhưng do làm ăn khó khăn, tiền thuê mặt bằng mỗi ngày một đắt nên quán cà phê cũng phải đóng cửa. Anh chị phải xin việc làm để duy trì cuộc sống gia đình. Trớ trêu thay, chưa phục hồi được kinh tế thì con gái mắc phải căn bệnh nan y.
Cứ khỏe là cô bé xuống phòng học dành cho trẻ ung thư để học với ước mơ khi về đi học sẽ theo kịp các bạn, để sau này lớn lên làm bác sĩ.
Từ ngày con gái lên Sài Gòn chữa bệnh ung thư, anh Bình cũng lên thành phố theo vợ con, hành nghề chạy xe ôm phụ vợ tiền mua thuốc cho con. Đứa con trai lớn đang học lớp 8 buộc phải gửi về nhà dì nuôi giúp.
Con gái nằm viện, gia đình chị bắt đầu sống trong vòng xoáy nợ nần. Không làm ra tiền nhưng tháng nào cũng phải mua thuốc cho con từ 10-20 triệu đồng. Không thể để con thiếu thuốc, hai anh chị đều phải tìm đủ mọi cách vay tiền để cứu mạng con. Hy vọng bé bớt bệnh rồi có thời gian làm kiếm tiền trả nợ.
Để có tiền trang trải mua thuốc và trả tiền phòng trọ, những hôm con không phải nằm viện chị về phòng trọ nấu chè đem ra đầu ngõ bán, làm tranh thêu để kiếm đồng ra đồng vào. Chị tâm sự: “Giờ con không may mắc bệnh hiểm nghèo thì mình phải chịu khó chịu khổ kiếm tiền thuốc thang cho con thôi.
Thời gian đầu thì hai vợ chồng còn xoay sở vay mượn được nhưng cũng chỉ cầm cự được tới đây. Giờ thật sự chẳng biết làm cách nào để có tiền cứu con. Mặc dù cháu đã được bảo hiểm thanh toán giúp nhưng tiền thuốc ngoài danh mục cũng khá lớn. Vợ chồng cứ thay nhau chăm sóc con, làm chẳng được bao nhiêu”.
Bé cũng có ước mơ cho riêng mình, muốn được khỏi bệnh và đến trường như bao chúng bạn khác.
Suốt 2 năm điều trị ung thư, bé Cát Tường đã phải đương đầu với hàng chục liệu trình điều trị hóa chất, tổng cộng gần trăm mũi kim tiêm chọc chi chít trên đôi tay nhỏ bé của con. Các vết bầm cứ chồng chéo lên nhau như vậy ngày này qua tháng khác lâu dần trở nên chai sạn khiến con mất cảm giác.
Mỗi lần truyền thuốc con như không còn sự sống, ánh mắt lờ đờ, cơ thể rệu rạo không thể nhấc nổi chân tay. Nhìn con gắng gượng nuốt từng miếng cháo mà vợ chồng anh Bình chị Luyến như đắng nghẹn nơi cổ họng, chỉ mong được thay con gánh một phần đau đớn.
Lặng người nghĩ về quãng thời gian đồng hành bên con, chị Luyến tâm sự: “Đã 2 năm kể từ ngày con phát bệnh, nhiều lúc mình vẫn chưa tin chuyện này lại xảy ra với gia đình mình. Con vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, biết khóc khi đau đớn, khi mũi tiêm, ống truyền cắm vào ngoài sức chịu đựng của con, và biết cười, nói rộn ràng với các bạn cùng phòng bệnh mỗi khi con tạm dừng đợt điều trị hóa chất”.
Có lẽ vì mắc bệnh hiểm nghèo nên con muốn được trở thành bác sĩ để đi cứu giúp nhiều người.
Nói về ước mơ của bé con 7 tuổi Cát Tường, mẹ 8X chia sẻ, bằng tuổi con các bạn được đến trường lớp học chữ nhưng ngày con chuẩn bị bước vào lớp 1 thì cũng là thời điểm con phát hiện bệnh. Giờ đây nằm viện chữa bệnh con chỉ ao ước được đi học, “Con từng tâm sự với mẹ rằng muốn học thật giỏi để sau này có thể làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Mỗi lần thấy khỏe hơn một chút là con lại đòi mẹ cho xuống phòng học dành cho trẻ ung thư để tập viết chữ với ước mơ khi về đi học sẽ theo kịp các bạn, nuôi giấc mơ làm bác sĩ cứu người bệnh” – mẹ 8X nghẹn ngào.
Trên giường bệnh, bé Cát Tường nằm dựa vào người mẹ, một tay cắm kim truyền, tay còn lại cầm chiếc bút vẽ lên tờ giấy trắng. Có thể con đang vẽ lên đó giấc mơ về một ngày không xa sẽ khỏi bệnh và đi học để được làm chiến sĩ áo trắng đi chữa bệnh cho mọi người.