Bất cứ người phụ nữ nào cũng mong muốn có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở thuận lợi, nhưng không phải cứ muốn là được. Bởi khi mang thai, mẹ bầu có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như mang thai ngoài tử cung, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ,…
Chị Siobhan Webb dù có một cô con gái 3 tuổi với chồng cũ, nhưng khi mang thai đứa con thứ 2 với chồng mới là anh Lee Wellington (29 tuổi), chị đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ đau đớn, tuyệt vọng đến lo lắng, hạnh phúc. Theo đó, cặp đôi đã “thả bầu” trong 2 tháng, nhưng vào một đêm tháng 7/2021, Siobhan bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội.
Chị Siobhan Webb và anh Lee Wellington.
Vào sáng hôm sau, cặp vợ chồng tới gặp bác sĩ gia đình để tư vấn và họ được khuyên nên đến Bệnh viện Derriford (nước Anh) thăm khám. Sau khi kiểm tra, người phụ nữ 28 tuổi được thông báo rằng chị đang mang thai ngoài tử cung.
“Họ siêu âm cho tôi và nói rằng họ có thể nhìn thấy có thứ gì đó chưa thể xác định được ở một bên ống dẫn trứng. Vì vậy, sau đó họ lại nội soi cho tôi. Việc này thật không thoải mái chút nào, nó khiến tôi thấy rất đau”, Siobhan chia sẻ.
Qua kiểm tra, bác sĩ kết luận chị đang mang thai ngoài tử cung trên ống dẫn trứng bên phải. Do mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm nên bác sĩ đề nghị chị tiêm thuốc đình chỉ thai kỳ để cái thai tự đào thải ra ngoài hoặc phẫu thuật để bỏ thai và một hoặc hai ống dẫn trứng.
Bác sĩ nói rằng có thứ gì đó không xác định ở ống dẫn trứng bên phải của chị Siobhan.
Do có con gái ở nhà, không muốn con nhìn thấy mình trong bộ dạng đau đớn quằn quại nên Siobhan chọn làm phẫu thuật. “Điều đó thật sự rất đáng sợ vì tôi đã được thông báo trước về tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Họ có thể cắt bỏ cả hai ống dẫn trứng của tôi và tôi cần chuẩn bị tinh thần trước cho điều đó. Cắt một ống dẫn trứng sẽ làm giảm khả năng mang thai của tôi, và nếu cắt cả hai thì điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ không thể có con lần nữa”, người phụ nữ đau đớn nói.
Nhưng thật may mắn là Siobhan không chọn cách tiêm vì các bác sĩ không thể tìm thấy thai ngoài tử cung trong suốt quá trình phẫu thuật. Cuối cùng, họ phải chấm dứt cuộc phẫu thuật sớm vì nghi ngờ cái thai có thể đã nằm trong tử cung.
Bác sĩ nói rằng trường hợp mang thai của chị rất kỳ lạ.
Vài ngày sau, các cuộc kiểm tra xác nhận rằng đứa trẻ thực sự đã nằm an toàn trong bụng mẹ. Siobhan kể lại: “Bác sĩ nói trường hợp của tôi rất kỳ lạ. Họ đã phẫu thuật, kiểm tra và không thấy có thai ngoài tử cung, không có gì trong ống dẫn trứng của tôi cả. Thậm chí, họ còn mời một bác sĩ phẫu thuật khác đến để kiểm tra kỹ lưỡng xem có thật là không có gì ở đó không.
Tôi hỏi bác sĩ điều đó có nghĩa là gì và họ nói rằng có khả năng là cái thai đã đi chuyển vào trong tử cung, nhưng họ vẫn chưa thể kết luận được ở thời điểm này. Lúc này tôi bắt đầu hoảng sợ và lo lắng. Vài ngày tiếp theo, tôi phải làm rất nhiều xét nghiệm máu trước khi siêu âm và lần này cái thai đã nằm trong tử cung của tôi”.
Mặc dù thai đã vào tử cung và có nhịp tim, nhưng việc chẩn đoán sai khiến Siobhan phải lên bàn phẫu thuật đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới vợ chồng chị trong suốt thai kỳ. Chị cảm thấy rất căng thẳng, lo sợ sẽ có điều gì đó tồi tệ xảy ra với con của mình.
Bé Freddie bình an chào đời và nặng 3,8kg.
Rất may, Siobhan có một thai kỳ khỏe mạnh. Bé Freddie đã bình an chào đời bằng phương pháp sinh mổ vào ngày 13/3 vừa qua, trước 6 ngày so với ngày dự sinh, nặng 3,8kg. “Chúng tôi rất biết ơn vì cuối cùng thằng bé đã ở đây. Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và vui mừng vì tôi có 2 đứa con dễ thương, đáng yêu như thế này”, bà mẹ 2 con hạnh phúc nói.
Mẹ bầu nên làm gì khi được chẩn đoán mang thai ngoài tử cung?
Trên thực tế, Siobha không phải là trường hợp duy nhất bị chẩn đoán sai. Để làm rõ vấn đề này, các chuyên gia y tế, giáo sư đến từ các bệnh viện, trường đại học tại Anh và Bỉ, đã nghiên cứu khoảng 3.000 phụ nữ mang thai ở Anh mà các bác sĩ tin rằng họ có thể có khả năng hỏng thai hoặc thai ngoài tử cung do có triệu chứng đau bụng dữ dội hoặc xuất huyết.
Kết quả, trong số 549 ca ban đầu được chẩn đoán là hỏng thai thì có tới 19 ca là sai. Kết quả siêu âm mới sau đó 2 tuần cho thấy, những ca mang thai này cuối cũng vẫn có thể phát triển được.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng nếu thai phụ bị chẩn đoán hỏng thai hoặc thai ngoài tử cung nhưng sức khỏe vẫn ổn định và không có dấu hiệu xuất huyết nội nghiêm trọng thì hãy đợi thêm một vài ngày để kiểm tra lại, bởi biết đâu đó chỉ là chẩn đoán sai.