Chị Võ Thị Nhâm (36 tuổi, ở TP.HCM) có con gái hơn 6 tuổi, đang học lớp 1. Chị Nhâm cho biết, từ khi sinh ra đến nay, con gái chị chỉ bị ho, sổ mũi, sốt… và cho đi khám, uống thuốc là hết, chưa phải nhập viện điều trị bao giờ. Cùng với đó, bé có chiều cao, cân nặng đạt chuẩn. Tuy nhiên, điều chị Nhâm băn khoăn hiện nay là con gái mình học chữ, toán chậm hơn các bạn cùng tuổi.
“Con học hết học kỳ 1 của năm lớp 1 rồi mà chưa nhớ hết bảng chữ cái. Tôi có cho con đi học thêm với cô giáo, tự dạy con tại nhà mà không hiệu quả. Con học trước quên sau, hoặc không tập trung”, chị Nhâm chia sẻ.
Chị Nhâm đã mua não lợn về chế biến thành nhiều món khác nhau cho con ăn để thông minh. (Ảnh minh họa)
Nghe nhiều người nói, cho con ăn não lợn (óc lợn) không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, còn giúp trẻ thông minh, học tiếp thu nhanh hơn, chị Nhâm đã mua về hấp, nấu cháo, chiên với trứng, chưng với bí đỏ, nấu súp… cho con ăn. Chị cho biết, đến nay, chị đã cho con gái ăn các món chế biến từ bộ phận này của lợn được khoảng 3 tháng, mỗi tuần 3-4 bữa. Tuy nhiên, việc học của bé vẫn không cải thiện.
ThS BS Đặng Ngọc Hùng, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (TP.HCM), cho biết, không chỉ chị Nhâm mà rất nhiều cha mẹ khác tin rằng, cho con ăn gì bổ đó, như ăn gan bổ gan, ăn não bổ não. Điều này là hoàn toàn không có căn cứ. Thực tế, hầu như không có thực phẩm nào giúp con người, nhất là trẻ em, ăn vào là thông minh hơn.
“Tất cả chất dinh dưỡng đều với mục đích giúp cơ thể chúng ta hoàn thiện ở mức tối ưu nhất theo di truyền giống loài với cấu trúc đã được quy định. Nghĩa là, thiếu chúng, cơ thể chúng ta không hoàn thiện. Khi cơ thể chúng ta được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thì các chức năng, cấu trúc sẽ hoàn thiện. Còn việc chúng ta ăn thực phẩm để thông minh hơn, giỏi hơn là chuyện khác”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Theo các bác sĩ, sự thông minh của con người chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. (Ảnh minh họa)
Trẻ ăn nhiều não lợn trong thời gian dài có nguy cơ thiếu máu
Theo bác sĩ Hùng, sự thông minh của con người có liên quan đến nhiều yếu tố, gồm: Di truyền, quá trình học tập, rèn luyện, sự va chạm trong cuộc sống và nhiều yếu tố khác cộng lại. Thực phẩm chỉ là một phần rất nhỏ. Vì vậy, bác sĩ Hùng khuyến cáo, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn não lợn ở mức dặm thêm, đừng nên quá lạm dụng.
Bác sĩ Hùng phân tích, thành phần dinh dưỡng trong 100g não lợn chứa 9g đạm; 9,5g chất béo; 7mg canxi; 311mg phốt pho; 1,6mg sắt; 0,14mg B1; 0,2mg B2 nhưng có tới 2195mg hàm lượng cholesterol. Khi một thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, trong khi các chất dinh dưỡng khác trong não lại thấp, nhất là chất sắt, việc cho trẻ ăn nhiều và ăn trong thời gian dài sẽ làm trẻ dễ bị thừa cân, béo phì và có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt.
Còn Ths.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), nội tạng động vật là những chế phẩm bỏ đi và chứa nhiều chất độc hại. Thực tế, nếu được lựa chọn và chế biến khéo léo, chúng sẽ mang đến những lợi ích dinh dưỡng không nhỏ cho người lớn và trẻ em. Ngoài phần thịt, các bộ phận của lợn có giá trị dinh dưỡng cao gồm: gan, thận, não, tim và lưỡi. Trong đó, não giàu omega 3, phosphatidyl choline, phosphatidyl serin tốt cho hệ thần kinh. Các chất chống oxy hóa giúp chống đỡ quá trình vi tổn thương của hệ thần kinh trung ương. Nhờ vậy, nhiều nhiều người đã sử dụng não lợn để chế biến các món ăn cho trẻ em và người lớn tuổi.
Tuy nhiên, bác sĩ Mai khuyến cáo, nội tạng động vật nói chung và lợn nói riêng có giá trị dinh dưỡng, nhưng giàu purine, chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Trong trường hợp, con vật bị nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc chất độc thì không chỉ nội tạng mà thịt của nó cũng bị nhiễm theo. Vì vậy, chúng ta cần thận trọng khi ăn, chỉ nên ăn số lượng vừa phải, nhất là trẻ em. Với những trẻ không may bị tăng axit uric máu thì nên hạn chế sử dụng.
Trong trường hợp cho trẻ ăn não lợn, chúng ta cần lựa chọn thực phẩm cẩn thận, tốt nhất nên mua ở những nơi uy tín để tránh bị nhiễm độc và nhiễm ký sinh trùng khi ăn. “Con vật có khỏe mạnh thì thịt và nội tạng của chúng mới an toàn. Đồng thời luôn tuân thủ nguyên tắc “Ăn chín uống sôi” trong chế biến”, bác sĩ Mai nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong phần ăn của trẻ cần phải đảm bảo 4 thực phẩm chính là: tinh bột - chất đạm - chất béo - vitamin và chất xơ, nên cha mẹ cần cần đối thực phẩm và khẩu phần ăn cho con. Việc cho trẻ ăn kéo dài một thực phẩm sẽ không tốt và không đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển.
* Tên người mẹ đã thay đổi.