Nhắc lại những ký ức đằng đẵng suốt quãng thời gian dài đi tìm cho mình một mụn con, chị Phạm Thị Nga (35 tuổi) ở Tây Ninh không khỏi xúc động. Sau 13 năm mới được nghe tiếng khóc chào đời của con yêu là niềm hạnh phúc vô bờ bến với vợ chồng chị.
Sau 13 năm mong ngóng con thơ, chị Nga được đền đáp bởi "hai trái ngọt" bụ bẫm.
Giờ đây, nhìn các con ngủ ngoan trong vòng tay, chị Nga đã có thể tin ở đời phép màu luôn hiện hữu quanh ta. Nhờ có niềm tin vào cuộc sống, vào những tiến bộ của y khoa và hơn hết là tình yêu thương chân thành của vợ chồng, cuối cùng chị đã nhận được trái ngọt như ngày hôm nay.
Đau đớn vì bị người đời xỉa xói
Chị Nga cưới năm 2006 nhưng đến năm 2019 chị mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. 13 năm với nhiều người đó không phải là khoảng thời gian dài nhưng với vợ chồng chị, đó là một hành trình chờ đợi với nhiều giọt nước mắt.
Theo lời chị Nga, quãng thời gian hiếm muộn, hai vợ chồng chị vẫn sống hạnh phúc, gia đình hai bên không tạo bất cứ áp lực nào tới anh chị. Tuy nhiên, mỗi lần đi đâu hay làm gì tiếp xúc với người ngoài, chị đều cay đắng nhận những câu hỏi chất chứa nhiều ẩn ý, chị kể: “Thấy kết hôn nhiều năm song vẫn chưa có con, nhiều người hay dè bỉu mình rằng: “Sao mày vẫn chưa đẻ, sợ cực à?”, “Trứng mày luộc ăn hết rồi sao?”. Thậm chí có không ít người còn nói mình do hồi trước phá thai nhiều nên giờ không thể có con được. Nghe người đời xỉa xói “Cây độc không trái, gái độc không con” mà mình vô cùng xót xa”.
Bé Nhật Hưng chào đời và phát triển khỏe mạnh.
Nuốt nước mắt trong im lặng, chị Nga tiếp tục vừa lao động vừa lo chạy chữa tìm con. Để có được kinh phí điều trị, chị phải đi cạo mủ cao su từ 22 giờ đêm tới 10 giờ sáng hôm sau. Trong suốt thời gian này, hễ thấy ai mách ở đâu có bài thuốc hay, thầy lang tốt là anh chị lại tìm đến để xin thuốc với mong mỏi sớm đón được con. Thế nhưng, một, hai, ba rồi mười năm trôi qua, niềm vui mãi vẫn chưa gõ cửa.
Không đầu hàng trước số phận, sau khi được người quen giới thiệu một địa chỉ uy tín chữa hiếm muộn ở Hà Nội, anh chị đã không ngần ngại đặt ngay vé máy bay ra Bắc. Vẫn nhớ như in ngày đầu đặt chân tới một nơi xa lạ, chị Nga kể: “Ngồi trên máy bay ra Hà Nội khám bệnh, bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn ùa về. Mừng vì tìm được địa chỉ để đặt hy vọng tìm con, lo lắng vì đến một nơi không có người quen, tất cả đều lạ lẫm nên mọi thứ đều bỡ ngỡ”.
Tại bệnh viện, chị Nga được phát hiện bị tắc vòi trứng, để tăng hiệu quả điều trị, các bác sĩ đã tư vấn vợ chồng chị thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Với hy vọng thu được lượng trứng chất lượng như mong muốn, trong quá trình chờ đến ngày thực hiện các bước trong IVF, chị Nga ngày nào cũng ăn 8 lạng thịt bò, 3 quả trứng gà và sữa đậu nành.
Cùng bé Trúc Mai vô cùng đáng yêu.
Niềm hạnh phúc lần đầu được làm mẹ sau hơn một thập kỷ chờ đợi
Để thụ tinh thành công, chị Nga phải kiểm tra nang liên tục, theo dõi sự phát triển của trứng để tiến hành chọc trứng đúng lịch. Ngày tiến hành trọc hút chứng và cả những ngày sau đó chị thấy tim mình như đập nhanh hơn, hồi hộp chờ đợi kết quả thu được.
“Ngày báo phôi tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Bác sĩ nói thu được 13 phôi. Những ngày nuôi phôi kéo dài khiến mình nhớ nhà đến phát khóc, đặt vội vé may bay về với quê hương, với vòng tay yêu thương của gia đình và chờ chu kỳ đẹp mình lại bay ra để thực hiện chuyển phôi” – mẹ 8X nhớ lại.
Sau thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, chị trở lại bệnh viện kiểm tra sức khỏe, kết quả cho thấy chị hoàn toàn đáp ứng được việc thụ tinh. Các bác sĩ bắt đầu tiến hành chuyển phôi, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên hành trình tìm tiếng cười em thơ của mẹ 8X.
Chính là thành quả lớn lao mà mẹ 8X đằng đẵng mong chờ.
Sau 6 ngày chuyển phôi, chị mua que thử để kiểm tra, ban đầu que thử chỉ một vạch, một lúc sau vạch đo thứ 2 dần xuất hiện, chị hạnh phúc tới mức bật khóc như một đứa trẻ. Song, để chắc chắn chị lại tiếp tục chờ thêm 10 ngày để xét nghiệm beta, chỉ số xét nghiệm beta HCG là 310, ngày thứ 12 kết quả lên 690 HCG, hình ảnh siêu âm cho thấy hai thai đã vào tổ an toàn.
Chị không giấu nổi niềm hạnh phúc, liền chia sẻ: “Một tháng sau chuyển phôi mình xuống viện khi nghe được tim thai đã đập thình thịch và phát triển rất tốt. Mình hạnh phúc đến nỗi khóc từ viện về nhà. Hạnh phúc hơn khi tất cả các kết quả kiểm tra đều rất tốt. Và cứ thế con lớn dần từ tuần 12 lớn dần lên trong cơ thể của mình, mặc dù 4 tháng đầu không ăn được gì chỉ truyền nước nhưng nghĩ đến con đang lớn lên trong cơ thể từng ngày cũng hạnh phúc và cố gắng để vượt qua”.
Để yên tâm giữ thai, chị Nga đã thuê trọ và ở lại Hà Nội suốt 2 tháng. Khi thai tròn 5 tuần tuổi chị mới quyết định bay về Tây Ninh. Tuy chậm con hơn một thập kỷ nhưng khi có em bé, thai kỳ của chị may mắn hoàn toàn khỏe mạnh.
Nói về hai “thiên thần” của mình, chị cho hay, đó là hai em bé rất rất thương mẹ và vô cùng hiểu chuyện.
Chị Nga chia sẻ, đàn bà hơn nhau ở tấm chồng, suốt 13 năm qua chị luôn có chồng ở bên, không hề tạo áp lực hay nói một câu nặng lời. Khi mang bầu, chồng cũng làm hết tất cả mọi việc trong nhà để chị nghỉ ngơi. Thậm chí dù bận rộn với công việc anh cũng luôn sắp xếp công việc để đưa chị đi khám, không bỏ bữa nào. Mọi việc ăn uống đi lại lúc chị mang bầu đều do một tay anh đảm đương.
Nói về hai “thiên thần” của mình, chị cho hay, đó là hai em bé rất rất thương mẹ và vô cùng hiểu chuyện. Sau 39 tuần tuổi, gia đình quyết định đón các con chào đời, bé trai nặng 2,8kg và bé gái nặng 2,7kg lần lượt lọt lòng mẹ đến bên ba mẹ trong sự chờ đợi mong mỏi suốt 13 năm.
Nhìn các con khóc to, phản xa tốt, chị đã một lần nữa bật khóc, đó không phải là những giọt nước mắt sợ hãi vì phải chăm con thơ mà là hạnh phúc khi được gặp các con của một người mẹ đã chờ đợi con suốt hơn một thập kỷ.