Mang thai, sinh con luôn được xem là "thiên chức" của người phụ nữ. Vậy nhưng có những trường hợp chị em mắc một số bệnh nghiêm trọng và được bác sĩ khuyên không nên mang thai bởi mẹ bầu bí khi không đủ điều kiện sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến cả bản thân và thai nhi. Trường hợp của bà mẹ dưới đây là một ví dụ.
Chị Sơn Trung Tuyền vốn xuất thân từ một gia đình làm nông ở vùng núi huyện Lộc Tuyền, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chị bị khuyết tật về thể chất nên khả năng vận động bị hạn chế, nhưng rồi chị cũng có một gia đình nhỏ cho riêng mình. Tuy nhiên, nhà chồng chị cũng bần hàn, mẹ chồng bị mắc bệnh tâm thần, nhồi máu não nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Hai vợ chồng chị Tuyền có một cậu con trai, đó là kết tinh tình yêu giữa chị và chồng. Dù biết tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng chị đã làm việc chăm chỉ với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tuy nhiên vận rủi vẫn chưa chịu buông tha cho họ.
Chị Tuyền bị khuyết tật về thể chất nên khả năng vận động bị hạn chế.
Vào mùa hè năm 2013, con trai của chị Tuyền bị chết đuối khi đang chơi bên bờ sông, lúc đó đứa bé 15 tuổi. 4 năm sau, dù con trai đã ra đi nhưng vợ chồng chị vẫn chưa thể nguôi ngoai nên họ quyết định sinh thêm con để xoa dịu nỗi đau mất con này.
Tuy nhiên, lúc đó chị Tuyền đã 42 tuổi, đã quá tuổi sinh đẻ nên chị chỉ có thể thử phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Để kiếm con, vợ chồng chị đã tiêu tốn gần 100.000 tệ (khoảng 361 triệu đồng). Chồng của chị lúc đó dù già yếu nhưng vẫn phải tới công trường hàng ngày để làm việc.
Dù vất vả nhưng hai vợ chồng chị vẫn quyết sinh thêm con dể xoa dịu nỗi đau.
Ngày 19/7/2017, sau 9 tháng 10 ngày mang thai vất vả, cuối cùng chị Tuyền cũng hạ sinh thành công một tiểu công chúa. Sự xuất hiện của con gái khiến gia đình chị hạnh phúc hơn, ngôi nhà tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Cuối cùng, nỗi đau mất con của chị Tuyền cũng được xoa dịu và chị đặt tên cho con gái là Lưu Vân Hân.
Thế nhưng, hạnh phúc lại vô cùng ngắn ngủi. Khi Vân Hân được 4 tháng tuổi, người mẹ nhận thấy con gái luôn ngước mắt nhìn lên trên và thường nhìn chằm chằm vào một chỗ. Chị bèn đưa con gái tới bệnh viện thăm khám và đứa trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển phối hợp, trí tuệ chậm phát triển và hở van tim. Bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể do chị Tuyền mang thai khi đã lớn tuổi, sức khỏe trong thai kỳ lại không được đảm bảo. Nhìn vào báo cáo sức khỏe của con gái, chị Tuyền vô cùng hoảng sợ.
“Bác sĩ, đó là bệnh gì vậy? Anh phải cứu lấy con bé, tôi đã mất đi một đứa con rồi. Tôi không thể trơ mắt nhìn đứa con này cũng bỏ tôi mà đi nữa”, người mẹ 42 tuổi cầu xin bác sĩ.
Con gái chị Tuyền bị bại não và tim bẩm sinh.
Bác sĩ cho biết, bệnh tim có thể chữa trị bằng phẫu thuật nhưng gia đình chị đã phải vay tiền để làm thụ tinh trong ống nghiệm giờ còn chưa trả hết nợ thì lấy đâu ra tiền điều trị bệnh cho con đây. “Con gái chị bị tim bẩm sinh và bại não, càng điều trị sớm thì càng có hy vọng chữa khỏi, chị nên cho cháu nhập viện sớm đi”, bác sĩ nói với chị Tuyền.
Sau cùng, vợ chồng chị cũng cho con nhập viện để điều trị. Mỗi sáng, Vân Hân được luyện tập phục hồi chức năng và châm cứu. Vào buổi chiều, bé được đưa tới một lớp học nói. Mỗi ngày đều lặp lại như vậy, bất kể là chủ nhật. Bác sĩ cho biết, Vân Hân bị căng cơ, đứa trẻ cần phải vận động nhiều hơn. Vì vậy, người mẹ ở tuổi trung niên lại dạy con tập bò, nhưng mãi tới lúc 1 tuổi, bé mới học được cách bò.
Đứa trẻ được phát hiện mắc bệnh từ lúc được 4 tháng tuổi.
Ngoài ra, bé gái phản ứng rất chậm với âm thanh và màu sắc, không thể nói và đôi mắt đờ đẫn, cũng chẳng thể ngồi tựa vào ghế dù đã 1 tuổi. Dù vậy, người mẹ chưa bao giờ từ bỏ hy vọng, ngày ngày vẫn đưa con gái đi luyện tập phục hồi chức năng với hy vọng đổi lại một câu “tình trạng của con chị đã tốt hơn” từ bác sĩ.
Việc luyện tập phục hồi chức năng của Vân Hân tốn vài chục triệu đồng, tiền thuốc thang cũng “ngốn” hàng trăm triệu khiến chi phí y tế hàng tháng của bé rất lớn. Nếu bị ốm, tiền viện phí còn tốn hơn. Mẹ chồng mắc bệnh tâm thần ở nhà cũng phải thuốc thang quanh năm, cộng với chi phí điều trị của Vân Hân khiến hai vợ chồng chị Tuyền thành con nợ. Chị làm lụng vất vả, không quản ngại bất cứ việc gì những số tiền kiếm được cũng chỉ như muối bỏ biển.
Vân Hân đang chơi cùng bà nội.
Mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai chị Tuyền khi chồng chị cũng mắc bệnh.
Không chỉ vậy, sau khi mang thai và sinh con ở tuổi 42, sức khỏe của chị Tuyền cũng không được như trước. Chị thường xuyên bị đau lưng, thiếu máu nên khả năng lao động giảm sút. Nghĩ lại về quyết định đẻ thêm con ngày ấy, chị cho biết có lẽ mình không hối hận nhưng nếu được quay ngược thời gian thì sẽ cân nhắc và chuẩn bị kĩ càng hơn.
Những trường hợp không nên mang thai Mang thai là mong muốn của nhiều người phụ nữ, tuy nhiên những trường hợp dưới đây không nên mang bầu vì nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. - Người mắc bệnh tim nặng, bệnh lao đang tiến triển, basedow nặng, ung thư đang điều trị bằng tia xạ có thể bị nguy hiểm tính mạng trong thai kỳ. - Người mắc bệnh lý di truyền có nguy cơ cao truyền sang con. Nếu muốn mang thai mẹ cần tham khảo ý kiến chuyên gia xem có thể sàng lọc phôi khỏe mạnh được không. - Người mắc bệnh tiểu đường phải điều trị đường huyết thật ổn định rồi mới nên có thai. Nếu không, bạn sẽ có nguy cơ sảy thai, sinh sớm hoặc phát triển không bình thường. - Người nhiễm HIV cũng nên suy tính kỹ trước khi mang thai. Dù đã có phương pháp ngăn ngừa lây truyền cho con nhưng quá trình mang thai, sinh nở khiến sức khỏe người mẹ giảm sút nhiều, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ chuyển từ HIV sang AIDS nhanh chóng hơn. |