Tôi năm nay 29 tuổi, là công nhân một xí nghiệp may, lấy chồng được 7 năm và hiện đang có một cậu con trai ở độ tuổi tiểu học. Vợ chồng tôi thuê trọ trên thành phố để tiện cho công việc. Hai ngày trước tôi đưa con trai về quê ăn giỗ họ hàng, còn ông xã thì vẫn ở lại trên thành phố vì gần Tết công việc của anh rất bận rộn.
Mặc dù tôi cũng đi làm, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, xí nghiệp cắt giảm giờ công, thế nên tôi cũng không còn tăng ca nhiều như lúc trước mà một tuần chỉ làm 3 ngày. Tiện thể về quê ăn đám nhà họ hàng, tôi sắp xếp đưa con trai về thăm ông bà nội, định bụng ở lại 1,2 đêm.
Nhưng nào ngờ ngay trong buổi tối đầu tiên, một tình huống diễn ra giữa tôi với chị chồng đã khiến tôi khá tức giận, xấu hổ liền lập tức bắt xe đưa con trai về lại thành phố trong đêm. Chuyện bắt đầu sau buổi cơm tối, vẫn như thói quen mọi ngày, tôi dọn dẹp chén bát xong thì bảo con trai vào phòng học bài, và tôi sẽ là người trực tiếp chỉ dạy cho thằng bé.
Ảnh minh hoạ.
Đang lúc hai mẹ con có sự tranh luận về bài vở, chị chồng tôi từ đâu ở bên ngoài bất ngờ đi vào, giọng có một chút châm chọc.
- Em có biết dạy không đấy, chị nhớ em bảo hồi xưa học không giỏi thì dạy con kiểu gì?
Nghe chị chồng nói, tôi vô cùng bối rối và khó hiểu. Trong khi tôi đang dạy cho con trai, tự dưng chị lại nói như thế thì không phải có một chút quá đáng sao. Tôi vừa xấu hổ vừa khó chịu đáp lời.
- Sao chị lại nói chuyện này ở đây, em đang dạy cho Tít học mà! Chị có thể ra ngoài được không ạ!
- Chị biết là thế, nhưng em xem lại cách dạy nhé! Chị ở phòng khách nghe em quát thằng bé lớn như vậy thì làm sao dạy hiệu quả được. Nó chỉ mới 7 tuổi mà em đã gây áp lực, bắt phải bằng bạn này bạn kia, thành tích này thành tích kia. Em mà cứ chê bai thằng bé, sau này sẽ phải hối hận đó.
Ảnh minh hoạ.
Sau khi chị chồng đi ra khỏi phòng, con trai tôi chắc chắn cũng hiểu một phần nào đó câu chuyện. Thế là nó liên tục hỏi, "Bác nói vậy có thật không mẹ? Hồi xưa mẹ học dốt ạ?"
Điều này đã khiến tôi thực sự cảm thấy bức bối và giận chị chồng vì chị không khéo. Tôi nghĩ tôi có quyền dạy con theo cách của mình, tại sao chị chồng lại muốn can thiệp. Quá tức giận và có chút tự ái, tôi quyết định bắt xe và cùng con trai về phố ngay trong đêm.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trong việc dạy dỗ con cái, sự thống nhất giữa các thành viên trong gia đình đóng vai trò quan trọng không thể bỏ qua. Đây là một nguyên tắc cơ bản giúp xây dựng một môi trường gia đình ổn định, nhất quán và hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ.
Khi một thành viên trong gia đình đang dạy trẻ, những thành viên khác không nên can thiệp, thể hiện sự phản đối hoặc có ý kiến trước mặt trẻ. Điều này nhằm đảm bảo rằng con nhận được một thông điệp nhất quán và không gặp sự mâu thuẫn trong lời khuyên, cũng như hướng dẫn từ các thành viên trong gia đình.
Thống nhất trong quá trình nuôi dạy trẻ cũng tạo ra sự tôn trọng, lòng tin giữa các thành viên trong gia đình. Khi các bậc bố mẹ có toàn quyền nuôi dạy con và nhận được tín nhiệm của người thân, điều này truyền đạt giá trị về sự đồng lòng và thấu hiểu vai trò của nhau trong gia đình. Từ đó củng cố mối quan hệ gia đình, tạo ra một môi trường tích cực, hòa hợp và đáng tin cậy cho sự phát triển lành mạnh của con trẻ.
Tuy nhiên, đồng lòng và thống nhất không có nghĩa là không có sự linh hoạt và thảo luận trong gia đình. Mỗi thành viên đều có quyền trao đổi ý kiến, cũng như đóng góp vào quá trình dạy dỗ con trẻ để định hình quan điểm và phương pháp giáo dục tốt nhất.
Tuy nhiên, khi có sự khác biệt quan điểm thì nên tìm thời gian riêng để thảo luận và đưa ra quyết định đồng lòng trước khi truyền đạt cho con. Như vậy sẽ tránh được việc khiến trẻ rơi vào tình huống bối rối, lo lắng vì không biết nên nghe theo lời của ai.